Mục Lục
Vi phạm bản quyền đã luôn là một vấn đề hiển hiện trong ngành công nghiệp game ngay từ những ngày đầu tiên, khiến cho các hãng phát triển và nhà xuất bản không ngừng tìm cách chống lại.
Bên cạnh một số biện pháp mang lại nhiều sự tranh cãi – ví dụ như nhồi nhét nhiều lớp bảo vệ DRM làm sụt giảm hiệu suất, hay bắt buộc người chơi phải luôn kết nối mạng 24/7 khá phiền phức,… vẫn có một số nhà phát triển đưa ra phương án tinh tế của riêng họ.
Batman: Arkham Asylum
Batman: Arkham Asylum đánh dấu sự khởi đầu cho series game Siêu Anh Hùng được nhiều người đánh giá hay nhất mọi thời đại. Trò chơi này thành công ở một điều mà nhiều sản phẩm trước đây chưa làm được: Khiến người chơi cảm thấy họ thực sự là Người dơi.
Một trong những tính năng quan trọng nhất của game là khả năng bay lướt trong không khí và thiếu nó thì không thể tiếp tục diễn biến cốt truyện.
Vì vậy, biện pháp chống vi phạm bản quyền mà nhà phát triển đưa ra là vô hiệu hóa nó ở các bản sao lậu. Thay vì nhẹ nhàng lướt đến khu vực tiếp theo, Batman lại… rơi xuống như một tảng đá, chặn đứng quá trình tiến triển trò chơi.
Mirror’s Edge
EA vốn nổi tiếng với việc sử dụng hệ thống Origin trực tuyến trong khâu quản lý bản quyền kỹ thuật số. Nhưng ở Mirror’s Edge, hãng đã quyết định đi xa hơn một chút và thêm một “tính năng” chỉ xuất hiện cùng bản sao lậu của trò chơi.
Về cơ bản, nhân vật chính trong Mirror’s Edge thường xuyên sử dụng các kỹ thuật bay nhảy, nhào lộn parkour để đi từ điểm A đến điểm B. Nhưng các bản crack lại khiến cô… giảm tốc độ khi chạy gần đến gờ dậm nhảy thay vì tăng tốc, khiến người chơi hoàn toàn không thể vượt qua.
Sims 4
Các trò chơi Sims luôn xử lý rất kỹ lưỡng nội dung nhạy cảm. Khi một nhân vật làm điều gì đó ở “chế độ riêng tư”, trò chơi sẽ làm mờ khu vực cần che bằng những ô vuông pixel. Nhưng để trừng phạt những người chơi Sims 4 bản lậu, EA/Maxis quyết định đưa cơ chế này lên một “tầm cao” khác.
Khi thực hiện một trong những hành động nêu trên, chẳng hạn như tắm rửa hoặc đi vệ sinh, người chơi bản lậu sẽ sớm phát hiện ra khu vực ô vuông vẫn hiện lên sau khi hành động hoàn tất. Nếu làm ngơ hiệu ứng này để tiếp tục game, toàn bộ màn hình sẽ được pixel hóa.
The Secret Of Monkey Island
Trong thập niên 80 hay 90, việc vi phạm bản quyền game trên PC phải mô tả bằng hai từ “tràn lan”, bởi quá trình sao chép trò chơi cực kỳ dễ dàng khi chỉ cần dùng PC và đĩa trắng.
Điều này dẫn đến một phương pháp chống vi phạm bản quyền sơ khai nhưng rất thú vị: Yêu cầu người chơi phải sở hữu bản sao hợp pháp để trả lời câu hỏi. Nó thường có dạng như: “Chữ cái thứ hai của từ đầu tiên trong trang 3 của sách hướng dẫn trò chơi là gì?”.
Với phiên bản The Secret of Monkey Island đầu tiên, nhà sản xuất đã gửi kèm tấm card hình bánh xe quay được ở phía bên trong, được gọi là “Dial-A-Pirate”. Người chơi sẽ cần phải xoay khớp phần nửa trên và nửa dưới của khuôn mặt nhân vật được chỉ định để nhận mật mã vượt qua thử thách.
Alan Wake
Đội ngũ phát triển tại Remedy Entertainment đã áp dụng một chiến thuật hơi khác biệt và nhẹ nhàng khi thiết kế Alan Wake. Nếu trò chơi bắt gặp bất kỳ dấu hiệu vi phạm bản quyền nào, nhân vật chính sẽ tự động đeo một miếng che mắt kiểu cướp biển trong suốt trò chơi.
Tuy không ảnh hưởng lớn đến gameplay hay ngăn cản việc hoàn thành trò chơi, nhưng nó lại đánh vào tâm lý khi liên tục nhắc nhở người chơi đang dùng đồ bất hợp pháp. Điều tương tự cũng xảy ra trong các bản sao lậu của tựa game Quantum Break năm 2016 của studio.
Red Alert 2
Những người muốn thành công trong Red Alert 2 phải tập trung vào hai điều. Đầu tiên, họ cần phải xây dựng một đội hình mạnh mẽ, hợp lý để đối đầu với kẻ thù và ngăn chặn các cuộc tấn công.
Thứ hai – và có lẽ quan trọng nhất – họ cần giữ cho căn cứ của mình đứng vững nhằm tránh gặp thông báo ‘trò chơi kết thúc’ đáng sợ. Vì thế, EA đã dựa trên hai cơ chế này để thiết kế các biện pháp chống vi phạm bản quyền của trò chơi.
Cụ thể, trong vòng 30 giây kể từ khi trò chơi mới bắt đầu, những người chơi bản sao lậu chỉ có thể nhìn căn cứ và đơn vị của họ tự hủy khiến trò chơi kết thúc ngay lập tức. Nhưng tính ra, EA cũng khá hào phóng khi cho phép người chơi trải nghiệm game một chút, trước khi bắt đầu “đuổi khéo”.
Crysis Warhead
Crysis Warhead, bản mở rộng độc lập của trò chơi Crysis nổi tiếng năm 2007, đã ghi được dấu ấn “khó phai” bởi kỹ thuật chống vi phạm bản quyền vui nhộn.
Cụ thể, biện pháp này khiến vũ khí của người chơi bản sao lậu bắn ra những… chú gà và không gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho kẻ thù (mặc dù cũng làm chúng bị chao đảo vài giây). Điều này làm cho Crysis Warhead trở nên hài hước hơn, nhưng cũng khiến nó gần như không thể bị đánh bại.
The Legend Of Zelda: Spirit Tracks
Nintendo vốn nổi tiếng với các biện pháp chống vi phạm bản quyền riêng rất hiệu quả, nhưng cũng không kém phần vui nhộn. Điều đó tiếp tục thể hiện trong The Legend of Zelda: Spirit Tracks.
Thông thường, khi Link vận hành tàu lửa sẽ có các nút hiện dọc theo bên màn hình, cho phép người chơi tăng tốc, giảm tốc hay dừng tàu. Tuy nhiên, người dùng bản lậu sẽ không có hệ thống điều khiển này – khiến game gần như không thể chơi được ngay từ đầu.
Arma II
Arma II là một game hành động góc nhìn thứ nhất với chiến trường rộng lớn, cùng rất nhiều loại công cụ khác nhau và hơn một trăm phương tiện mà người chơi có thể điều khiển.
Nhưng vì phát hành theo hình thức thu phí, nên việc nó xuất hiện bản crack cũng không có gì làm lạ. Do vậy, các nhà phát triển bèn đưa một cách thức chống vi phạm bản quyền có tên DEGRADE vào Arma II, khiến game từ từ thay đổi cho đến khi không thể chơi được.
Thay đổi quan trọng nhất là độ chính xác của vũ khí sẽ bắt đầu kém đi, sau đó màn hình trở nên gợn sóng nhằm mô phỏng hiệu ứng của việc chơi trong khi say rượu. Cuối cùng, trò chơi sẽ bắt đầu lấp đầy màn hình với các… logo Arma II.
Game Dev Tycoon
Trong Game Dev Tycoon, người chơi có nhiệm vụ điều hành một studio phát triển trò chơi đi đến thành công. Vì vậy, khi nhà phát triển Greenheart Games quyết định xem nên tìm cách nào để chống vi phạm bản quyền, họ đã chọn một phương án cực kỳ thâm thúy.
Ban đầu, người chơi bản lậu vẫn có thể phát triển công ty như bình thường. Nhưng khi họ trở nên quá thành công, một bất ngờ khó chịu sẽ chờ đợi: Các trò chơi mới hơn đột nhiên ngừng thành công như các sản phẩm trước đó; khiến studio của họ gặp vấn đề về tài chính.
Một nhân viên sẽ thông báo cho người chơi rằng trò chơi của họ đang bị… vi phạm bản quyền và họ không thể làm gì để cứu công ty của mình. Đây rõ ràng là lời nhắc nhở tinh tế mà cũng đầy ý nhị mà nhà sản xuất muốn gửi đến những ai dùng bản crack.
Theo thegamer