Mục Lục
- 11. FIFA 07 (Năm phát hành: 2006) – Điểm Metacritic: 85
- 10. FIFA 2001 Major League Soccer (2000) – 85
- 9. FIFA 2005 (2004) – 85
- 8. FIFA 17 (2016) – 85
- 7. FIFA 14 (2013) – 87
- 6. FIFA 09 (2008) – 87
- 5. FIFA Soccer 2003 (2002) – 88
- 4. FIFA 11 (2010) – 89
- 3. FIFA 12 (2011) – 90
- 2. FIFA 13 (2012) – 90
- 1. FIFA Soccer 10 (2009) – 91
- FIFA 23 – phiên bản FIFA cuối cùng của EA
Không có gì phải bàn cãi khi khẳng định FIFA của EA Sports chính là dòng game bóng đá hàng đầu trên thế giới. Điều đó khiến cho việc chọn ra phiên bản FIFA hay nhất trên PC, PlayStation, Xbox hoặc bất kỳ nền tảng nào khác mà chúng từng được phát hành trở nên đặc biệt khó khăn.
Mỗi game thủ chắc chắn sẽ có những sự lựa chọn khác nhau. Vì vậy, bài viết này sẽ liệt kê những phiên bản được giới phê bình đánh giá cao nhất trên trang tổng hợp Metacritic nổi tiếng.
11. FIFA 07 (Năm phát hành: 2006) – Điểm Metacritic: 85
FIFA 07 là phiên bản FIFA cuối cùng được phát hành cho các hệ máy GameCube, Xbox, Game Boy Advance và trò chơi thứ ba được phát hành trên Xbox 360 sau FIFA 06: Road to FIFA World Cup, FIFA World Cup 2006.
Một trong những điểm hấp dẫn nhất của phiên bản này là số lượng đội bóng và cầu thủ có thể được sử dụng. Với 27 giải đấu khác nhau có sẵn để lựa chọn, nó hoàn toàn vượt trội những đối thủ cạnh tranh khác cùng thời.
Phiên bản dành cho Xbox 360 đặc biệt được ca ngợi nhờ bộ công cụ (engine) mới mang lại cơ chế điều khiển và vật lý tiên tiến. Ngoài ra, EA cũng rất chăm chút về mặt hình ảnh, đảm bảo rằng phần bình luận và đồ họa đều đạt chất lượng cao nhất.
10. FIFA 2001 Major League Soccer (2000) – 85
Phần đầu tiên trong series ghi được số điểm ấn tượng trên Metacritic, FIFA 2001 đã cập bến cả PlayStation, PlayStation 2 và PC, nhưng bỏ qua Game Boy Color. Nó có sự góp mặt của Paul Scholes trên trang bìa phát hành tại Anh, Ben Olsen ở Bắc Mỹ và Gaizka Mendieta trên bìa tiếng Tây Ban Nha.
Tuy đồ họa của game không thể so với các phiên bản sau này, nhưng vẫn trông đủ tốt nếu xét theo tiêu chuẩn thời đó và lối chơi hoạt động ổn. Ngoài ra, nó còn có phần nhạc nền đặc trưng với những bài hát đáng nhớ. Dù không mang tính đột phá lớn cho series, FIFA 2001 vẫn là một phiên bản chất lượng về tổng thể.
9. FIFA 2005 (2004) – 85
Năm 2004 chứng kiến việc series một lần nữa được nâng tầm. FIFA 2005 đánh dấu sự trở lại của tính năng tạo cầu thủ mới, cũng như chế độ nghề nghiệp cải tiến kéo dài 15 mùa. Nhưng đặc biệt nhất phải kể đến công nghệ mô phỏng chạm bóng, cung cấp cho người chơi khả năng thực hiện các kỹ thuật và đường chuyền giống như đời thực.
Bên cạnh đó, nó cũng mang lại tùy chọn chơi trực tuyến hai người, giúp nâng cao tính giải trí lên nhiều bậc. Một thông tin thú vị khác là trò chơi đã được quảng cáo rộng rãi và phát hành sớm hơn bình thường để tránh đụng Pro Evolution Soccer 4 cũng như FIFA Street.
8. FIFA 17 (2016) – 85
Phần lớn yếu tố gameplay của phiên bản FIFA đầu tiên sử dụng bộ công cụ Frostbite vẫn giống với truyền thống. Vì vậy, điểm nhấn chính ở FIFA 17 nằm ở chế độ chơi theo cốt truyện mới mang tên “The Journey”.
Người chơi sẽ đóng vai cầu thủ trẻ Alex Hunter đang cố gắng tạo dấu ấn tại Premier League và được quyền lựa chọn bất kỳ câu lạc bộ nào ở giải ngoại hạng Anh để thi đấu từ đầu mùa. Tuy nhiên, anh chàng chỉ có thể chơi ở vị trí tiền vệ cánh phải, tiền đạo, tiền vệ cánh trái hoặc tiền vệ tấn công trung tâm. Đáng chú ý, chế độ này cũng có cơ chế đối thoại tương tự như dòng Mass Effect.
7. FIFA 14 (2013) – 87
Bởi vì đây là lần đầu tiên FIFA có mặt trên cả Xbox One và PS4, EA đã tận dụng tối đa sức mạnh phần cứng mới để phát huy hết mức công nghệ đồ họa và lối chơi mà bộ công cụ Ignite Engine cung cấp.
Các cải tiến bao gồm AI nâng cao để khiến cầu thủ phản ứng giống người thật hơn (chẳng hạn như trở nên lo lắng về cuối trận khi đội nhà cần ghi bàn), “True Player Motion” giúp tăng tính chân thực trong chuyển động và nâng cấp hiệu ứng thời tiết, đám đông… Khán giả nay cũng biết phản ứng phù hợp với những gì đang diễn ra trên sân – đơn cử như than thở sau một pha bỏ lỡ của cầu thủ.
6. FIFA 09 (2008) – 87
FIFA 09 một lần nữa đã mang lại bước tiến lớn về đồ họa. Mọi thứ về trò chơi đều trông tuyệt vời, nhưng tính năng được cộng đồng nhớ đến nhất phải nói đến Be A Pro, chế độ cho phép người chơi vào vai một cầu thủ và phát triển vị trí của họ trong đội tuyển. Cơ chế này đặc biệt thú vị khi các game thủ cùng nhau kết hợp lại để chơi bóng trực tuyến.
Công nghê mới cũng giúp thủ môn chọn vị trí và phản ứng nhanh nhạy hơn ở các pha cản phá. Hệ thống thời tiết và thời gian trở nên linh động hơn. Các trận đấu có thể diễn ra vào ban ngày, hoàng hôn hoặc ban đêm, tùy thuộc vào việc lựa chọn sân vận động
5. FIFA Soccer 2003 (2002) – 88
Mặc dù công nghệ đã phát triển rất nhanh kể từ khi trò chơi này phát hành, đây vẫn là phiên bản FIFA kinh điển được nhiều fan ưa thích. Độ khó đa dạng ở FIFA 2003 giúp nó dễ tiếp cận hơn những phần khác và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thu hút các game thủ.
Bên cạnh đó, trò chơi này cũng tập trung vào việc tái hiện các sân vận động, khán giả sao cho chân thực nhất để nâng tầm trải nghiệm tổng thể, thay vì chỉ chú trọng mỗi gameplay. Hoạt ảnh cầu thủ ăn mừng được chăm chút, đám đông người hâm mộ đồng thanh ca những bài hát cổ vũ độc đáo và diện mạo cầu thủ nổi tiếng được tái hiện giống như đời thực khiến nó trở nên thú vị hơn rất nhiều.
4. FIFA 11 (2010) – 89
Đến thời điểm này, FIFA đã tự khẳng định vị thế thống trị trong thể loại mô phỏng bóng đá, mặc cho những thách thức từ Pro Evolution Soccer. Nhưng khi FIFA Soccer 11 xuất hiện, nó vẫn mang lại những nâng cấp đáng kể để giành được một vài giải thưởng game thể thao hàng đầu của năm.
Thành công ấy đến từ viêc mở rộng khía cạnh trực tuyến với các Avatar tùy chỉnh và tăng cường lối chơi trên phiên bản PC. Cơ chế chuyền bóng được cách tân, chế độ nghề nghiệp có một số thay đổi và những bổ sung thú vị đi kèm theo các phiên bản dành riêng cho từng hệ máy. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc đưa bóng đá đường phố vào Nintendo Wii.
3. FIFA 12 (2011) – 90
Rất nhiều người thích thú với chế độ nghề nghiệp mà phiên bản này cung cấp, ngay lập tức tạo nên một cú hit đối với các game thủ. Nhưng thực sự thì những thay đổi ở lối chơi mới làm cho FIFA 12 trở nên tuyệt vời. Cơ chế rê bóng được chăm chút hơn rất nhiều, và nó cho phép những pha chạm bóng gần cùng những pha chạy chỗ diễn ra chính xác hơn.
Các khía cạnh phòng thủ của trò chơi cũng được chú ý, với việc tắc bóng trở nên dễ dàng nhưng vẫn cần căn chỉnh chuẩn xác để tránh phạm lỗi. Việc làm cho lối chơi tế trở nên thực tế nhất có thể luôn là một điểm cộng lớn ở thể loại mô phỏng và đó là những gì FIFA 12 đã thực hiện một cách gần như hoàn hảo.
2. FIFA 13 (2012) – 90
Tiêu chuẩn nền tảng cao cấp ở FIFA 12 tiếp tục duy trì ở FIFA 13, thể hiện qua điểm đánh giá Metacritic cao ngất ngưỡng. Dĩ nhiên, trò chơi không hoàn mỹ 100% bởi cơ chế va chạm và chế độ nghề nghiệp còn khiếm khuyết, nhưng những cải tiến về đồ họa và gameplay trực tuyến đã giúp bù đắp cho điều đó.
Ở phần này, nhà sản xuất đã thay đổi đáng kể Ultimate Team bằng việc thêm vào các mùa và chương trình khuyến mãi cho phép kiếm được nhiều xu hơn. Tất cả đã biến nó trở thành một bước ngoặt của series, khi Ultimate Team dần trở thành yếu tố trụ cột hái ra tiền trong các phiên bản kế tiếp.
1. FIFA Soccer 10 (2009) – 91
Trò chơi vĩ đại nhất trong lịch sử nhượng quyền thương mại thuộc về FIFA 10, được Metacritic đánh giá với số điểm 91 đầy ấn tượng. Ở phần này, EA đã tập trung rất nhiều vào việc hoàn thiện gameplay, giúp cho trò chơi diễn biến mượt mà, tốc độ và mang lại trải nghiệm thực tế hơn.
Tuy nhiên, lý do chính khiến FIFA 10 thành công vang dội là nhờ chế độ Manager với rất nhiều cải tiến. Từ công nghệ mô phỏng trận đấu trực quan cho đến tầm quan trọng của các nhà tài trợ trong việc thay đổi tình hình tài chính, chế độ này quả thực đã nâng cấp trò chơi lên tầm cao mới.
Theo EA chia sẻ ở thời điểm đó, đây là trò chơi thể thao bán chạy nhất từ trước đến nay ở châu Âu, với doanh số 1,7 triệu bản ngay trong tuần đầu tiên.
FIFA 23 – phiên bản FIFA cuối cùng của EA
Hiện tại, FIFA 23 là phần thứ 30 và cuối cùng trong loạt game FIFA được phát triển bởi EA Sports, đánh dấu sự kết thúc mối quan hệ hợp tác giữa EA và FIFA. Các trò chơi bóng đá trong tương lai của công ty sẽ được đổi tên thành EA Sports FC.
FIFA 23 sẽ hỗ trợ một mức độ chơi chéo nền tảng nhất định, có sẵn trong FIFA Ultimate Team (FUT) Division Rivals (không bao gồm co-op), FUT Champions, FUT Ultimate Online Draft, FUT Online Friendlies (trừ Co-Op), FUT Play a Friend, Online Friendlies, Online Season (ngoại trừ Co-Op Seasons) và Virtual Bundesliga.
Tuy nhiên, tính năng Cross-play sẽ bị giới hạn ở các hệ máy console trong cùng một thế hệ. Ví dụ: người chơi trên PlayStation 4 sẽ có thể chơi với bạn bè trên Xbox One, nhưng không thể chơi với PlayStation 5 hoặc Xbox Series X / S và ngược lại. Bên cạnh đó, Pro Clubs cũng không hỗ trợ chơi chéo.
FIFA 23 sẽ bao gồm hơn 30 giải đấu, 100 sân vận động, 700 câu lạc bộ và 19.000 cầu thủ được cấp phép bản quyền. Do thỏa thuận riêng với eFootball nên các CLB Roma, Atalanta, Lazio và Napoli sẽ được thay bằng Roma FC, Bergamo Calcio, Latium và Napoli FC. Trò chơi vẫn giữ nguyên hình ảnh cầu thủ, nhưng huy hiệu, trang phục và sân vận động chính thức được thế bằng thiết kế tùy chỉnh.
Bên cạnh đó, trò chơi cũng không còn các đội bóng của giải đấu J1 League nữa, do mối quan hệ đối tác 6 năm của EA và J.League sắp kết thúc. Tuy nhiên, CLB Juventus đã vắng mặt ở 3 phiên bản trước và chỉ xuất hiện dưới tên gọi Piemonte Calcio, đã trở lại trong game.
Đáng chú ý, FIFA 23 sẽ có cả chế độ chơi World Cup dành cho nam và nữ, mô phỏng lại hai giải đấu FIFA World Cup 2022 và FIFA World Cup 2023 tương ứng. Những ai đã đặt hàng trước phiên bản Ultimate Editino đã nhận được quyền truy cập sớm và có thể trải nghiệm trò chơi từ ngày 27 tháng 9. Điểm số Metacritic của FIFA 23 ở thời điểm viết bài đạt mức 80 sau 19 bài đánh giá.
Theo Screenrant