Chiều 15.3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội tiếp tục phiên họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã; xã, phường thị trấn về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội – Hoàng Đức Hạnh cho biết, Hà Nội đã qua 28 ngày không ghi nhận ca mắc mới. TP cũng đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 90 cán bộ y tế tuyến đầu phòng dịch và tiếp tục thực hiện theo kế hoạch ở các quận huyện; tất cả đều có sức khỏe bình thường. Thành phố cũng xét nghiệm 1.391/4.000 mẫu ở các khu vực có nguy cơ; tất cả đều âm tính.
Tiếp đó, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội – Trần Thị Nhị Hà cho hay, các đơn vị không thể chủ quan vì các chuyên gia cảnh báo thế giới đang có nhiều biến chủng của virus mà phải chủ động xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng để chủ động phòng ngừa. Theo bà Hà, đây là nhiệm vụ rất quan trọng.
“Thành phố sẽ hoàn thành tiêm chủng đợt 1 vaccine mũi một cho 8.000 người theo kế hoạch với mục tiêu đảm bảo tuyệt đối an toàn…”, bà Hà khẳng định.
Nói về đón du khách đến với Chùa Hương, lãnh đạo huyện Mỹ Đức thông tin, sau 3 ngày mở cửa trở lại, di tích Chùa Hương đã đón hơn 3 vạn du khách. Huyện đã bố trí 650 người thành lập các chốt phòng dịch; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, loa tay và bố trí thuyền tuyên truyền lưu động trên Suối Yến; bố trí các 3 trạm giám sát với 20 máy khử khuẩn, xét nghiệm với các trường hợp nghi ngờ, khi âm tính phải có giấy xác nhận mới được vào di tích.
Cũng tại cuộc họp, bà Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thông tin, từ báo chí phản ánh, các tồn tại trong việc thực hiện công tác phòng chống dịch tại di tích Chùa Hương ở huyện Mỹ đức; đền Quán Thánh (quận Ba Đình), Văn Miếu – Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) đã được khắc phục ngay và trong ngày 14.3. Sở đã kiểm tra và các cơ sở này đã thực hiện tốt.
Bà Trần Thị Vân Anh lưu ý, từ nay hết tháng 2 âm lịch, có ngày 19.2 Âm lịch là ngày lễ quan trọng của Phật Giáo, lượng khách đến chùa dự kiến sẽ rất đông. Vì vậy, các quận huyện cần có phương án chi tiết hơn và tổ chức diễn tập để rút kinh nghiệm.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội – Chử Xuân Dũng nhấn mạnh nguy cơ về dịch bệnh với Hà Nội vẫn cao và nhắc nhở người dân có dấu hiệu chủ quan với bệnh dịch: “Dù áp dụng các biện pháp nới lỏng hoạt động để đời sống xã hội quay trở lại bình thường, phát triển kinh tế nhưng phải kiểm soát chặt các biện pháp phòng dịch. Nếu không thực hiện nghiêm để 1 ca nhiễm thì cuộc sống, an sinh xã hội sẽ rất khó khăn”.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế Hà Nội tiếp tục triển khai xét nghiệm với các trường hợp có nguy cơ cao, ưu tiên khu đông dân cư, khu công nghiệp; tránh việc chủ quan trong giám sát, thực hiện; tiếp tục tiêm vaccine cho các đối tượng ưu tiên cho các đối tượng ưu tiên, theo dõi phản ứng sau khi tiêm, đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Trước ý kiến của thị xã Sơn Tây về việc một số người dân có lo lắng trong việc tiêm vaccine ngừa COVID-19, ông Chử Xuân Dũng yêu cầu: “Sở Y tế và các địa phương phải thực hiện nghiêm, đúng quy trình tiêm vaccine làm sao đảm bảo an toàn nhất”.
Đồng thời Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, thành phố sẽ giao ban công tác phòng chống dịch 1 tuần 1 lần với các đơn vị. Các quận huyện duy trì giao ban 2 buổi 1 tuần và các đơn vị báo cáo một ngày 1 lần vào lúc 17h.
Từ tình hình thực tế, ông Chử Xuân Dũng quyết định nới lỏng hoạt động một số dịch vụ. Cụ thể, từ 0h ngày 16.3, các tuyến xe liên tỉnh cho phép hoạt động trở lại bình thường với số hành khách vận chuyển đúng với quy định, sở Giao thông Vận tải phải có hướng dẫn về phòng dịch, khai báo.
Bên cạnh đó, quán game, internet được hoạt động nhưng phải đảm bảo phòng chống dịch, người đến sử dụng phải khai báo y tế, đảm bảo giãn cách tối thiểu 1 mét hoặc phải có tấm chắn.
Những hoạt động khác, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu và có chỉ đạo sau.