Mới đây, phóng viên Sean Buckley của trang tin Cnet bất ngờ bị khóa tài khoản Nintendo Switch vì một sự cố hack diễn ra từ năm ngoái và anh đã chia sẻ những trải nghiệm của mình đến cộng đồng.
Vào một ngày nọ, khi anh mở máy Switch và tiến hành tải xuống trò chơi thì nhận được thông báo:”đã xảy ra lỗi khiến quá trình tải xuống bị tạm dừng” và “tài khoản Nintendo dùng để mua hàng không thể sử dụng được.”
Sau đó, Sean cảm thấy có điều gì không ổn nên bèn bật trình duyệt web để đăng nhập tài khoản Nintendo và xác nhận điều anh nghi ngại nhất: Phía Nintendo thực sự đã khóa tài khoản của anh.
Chính vì vậy, chiếc Switch không còn được phép truy cập vào bất kỳ dịch vụ trực tuyến nào – bao gồm chơi online, tải xuống nội dung mới và thậm chí cả thư viện game hiện có.
Nói ngắn gọn, Sean đã mất quyền truy cập vào các trò chơi kỹ thuật số trị giá hàng trăm đô la chỉ trong tích tắc và không hề có quyền truy đòi nào. Lựa chọn duy nhất mà Nintendo đưa ra là nút “đăng xuất” nhạt nhẽo.
Không mất quá nhiều thời gian để anh hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Vào tháng 4 năm 2020, 300.000 tài khoản Nintendo đã bị xâm nhập trong một cuộc tấn công sử dụng mật khẩu cũ từ hệ thống tài khoản Nintendo Network ID (vốn không còn tồn tại).
Phía tin tặc nhận thấy họ có thể đăng nhập vào các tài khoản Nintendo này và mua hàng trên eShop bằng cách sử dụng thông tin thanh toán đã lưu sẵn của tài khoản.
Thông qua cách đăng nhập vào Fortnite bằng một tài khoản riêng trước tiên, kẻ tấn công có thể sử dụng thẻ tín dụng của tài khoản bị xâm phạm để mua vBucks (đơn vị tiền tệ trong Fortnite).
Điều này quả thực đã xảy ra với Sean vào tháng 5 năm 2020. Khi đó, anh ngay lập tức liên hệ với Nintendo để đòi lại khoản phí 100 đô la cho Fortnite vBucks bị mua trái phép bằng tiền thẻ tín dụng.
Đại diện dịch vụ khách hàng của Nintendo chấp nhận yêu cầu đó và mọi chuyện có vẻ ổn. Cho đến khoảng 6 tháng sau, công ty bất ngờ khóa tài khoản mà không có lời giải thích.
Sean lại phải gọi điện cho Nintendo và trình báo vụ việc. Hóa ra, anh không bị hack thêm lần nữa, mà phía công ty đã tiến hành gắn cờ tài khoản vì vụ hack trước – nửa năm sau khi nó xảy ra.
Dù Sean cố công giải thích vụ việc hồi tháng 5, nhưng người đại diện dịch vụ khách hàng này không biết gì nhiều về cuộc tấn công đã xâm phạm 300.000 tài khoản.
Trên thực tế, họ thậm chí tỏ ra “sốc” khi biết rằng hacker có thể sử dụng phương thức thanh toán đã lưu của tài khoản Nintendo để đánh cắp Fortnite vBucks.
Phía Nintendo đã yêu cầu anh bình tĩnh đợi thêm một vài ngày để họ chuyển vụ việc lên bộ phận tài chính. Trong thời gian này, Sean bắt đầu tìm hiểu xem chiếc Switch vẫn có thể làm gì với tài khoản bị cấm.
Câu trả lời ngắn gọn là không nhiều lắm. Chiếc máy giới thiệu rất nhiều tính năng giải trí, nhưng chặn đứng người dùng ở hầu hết mọi lượt. Muốn tải xuống thứ gì đó từ thư viện trò chơi kỹ thuật số? Xin lỗi, không thể sử dụng tài khoản của bạn.
Còn việc kiểm tra danh sách bạn bè để xem họ đang chơi gì? Nintendo Switch tiếp tục yêu cầu bạn đăng nhập vào tài khoản bị khóa và nếu cố gắng tiếp tục sẽ được thông báo “thông tin đã nhập không chính xác.”
Câu chuyện cũng diễn ra tương tự khi duyệt eShop, tiến hành cập nhật trò chơi hoặc truy cập bất kỳ thứ gì sử dụng chức năng trực tuyến – bao gồm Super Mario 35, thư viện trò chơi NES và SNES của Nintendo Switch Online, cũng như tính năng chơi trực tuyến trong bất kỳ tựa game nào.
Điều an ủi là các thẻ game vật lý và các trò chơi đã tải xuống trước đây đều có thể chơi được. Nhưng cũng chỉ có thế mà thôi.
Mặc dù vậy, lệnh cấm này không chỉ gây ra khó khăn cho mỗi mình Sean.
Để chơi trò chơi Nintendo Switch trực tuyến, bạn cần đăng ký dịch vụ Nintendo Switch Online và nhiều thiết bị Switch có thể được đăng ký vào chung một gói gia đình duy nhất để tiết kiệm tiền.
Với tư cách là chủ tài khoản chính, lệnh cấm đã ngăn cả gia đình của Sean (bao gồm vợ và em trai) khỏi các tính năng chơi trực tuyến.
Một khi bị khóa tài khoản, người dùng sẽ không thể chơi trực tuyến.
Sau một ngày chờ đợi, Sean mất kiên nhẫn và gọi lại. Lần này, đại lý dịch vụ khách hàng của Nintendo đã giới thiệu anh đến cấp hỗ trợ cao hơn.
Đại diện dịch vụ khách hàng thứ hai đã lắng nghe câu chuyện của Sean và nhanh chóng giải quyết vấn đề, khôi phục tài khoản về trạng thái bình thường chỉ trong vòng vài phút.
Mặc dù vậy, nó vẫn để lại một điểm hơi đáng lo ngại: mặc dù tin tức về vụ hack khiến 300.000 tài khoản Nintendo bị xâm phạm từng rất nổi tiếng trên internet, người đại diện lại hoàn toàn không biết gì về nó.
Trên thực tế, Nintendo dường như không tin Sean một chút nào và kết thúc cuộc trò chuyện không phải bằng một lời xin lỗi mà là một lời cảnh báo: Nintendo sẽ chỉ hủy lệnh cấm tài khoản bị treo một lần. Lần sau, anh sẽ không gặp may như vậy nữa.
Nói cách khác, “đừng để điều này xảy ra một lần nữa.”
Nintendo cũng hứa với Sean rằng nếu nó xảy ra một lần nữa và đó là một vụ hack, họ sẽ xem xét theo từng trường hợp cụ thể.
Dù sao đi nữa, đây cũng xem như một kết thúc “có hậu” cho Sean, tuy hơi rắc rối một chút: tài khoản của anh được khôi phục, thư viện đã có thể truy cập lại và gói Nintendo Switch Online dành cho gia đình đã hoạt động bình thường.