Mục Lục
- 10. Batman: Arkham Origins – Điểm Metacritic trung bình: 73
- 9. Batman: Arkham VR – Điểm Metacritic trung bình: 74
- 8. LEGO Batman 3: Beyond Gotham – Điểm Metacritic trung bình: 74
- 7. Batman: The Brave And The Bold – Điểm Metacritic trung bình: 74
- 6. LEGO Batman: The Videogame – Điểm Metacritic trung bình: 78
- 5. Batman: The Enemy Within – The Telltale Series – Điểm Metacritic trung bình: 79
- 4. LEGO Batman 2: DC Super Heroes – Điểm Metacritic trung bình: 80
- 3. Batman: Arkham Knight – Điểm Metacritic trung bình: 81
- 2. Batman: Arkham Asylum – Điểm Metacritic trung bình: 91
- 1. Batman: Arkham City – Điểm Metacritic trung bình: 94
Batman đã xuất hiện trong thế giới trò chơi điện tử từ năm 1986 và với sự ra mắt sắp tới của Gotham Knights vào năm 2022, các fan Người Dơi sẽ tiếp tục được chứng kiến sự phát triển đáng nể của vũ trụ kỳ ảo này. Mặc dù Batman có lẽ sẽ vắng mặt trong phần mới, nhưng các nhân vật khác như Nightwing, Red Hood, Batgirl được kỳ vọng sẽ thay vị tiền bối tỏa sáng để đưa series đi đến thành công.
Trong thời gian chờ đợi, chúng ta hãy cùng điểm qua và xếp hạng các trò chơi Batman hay nhất. Lưu ý rằng vị trí sẽ được sắp xếp dựa trên số điểm Metacritic trung bình trên các nền tảng khác nhau của cùng một trò chơi và không bao gồm các bản phát hành lại.
10. Batman: Arkham Origins – Điểm Metacritic trung bình: 73
Phát hành vào năm 2013, Arkham Origins là phần tiền truyện của Arkham Asylum, lấy bối cảnh 8 năm trước những sự kiện diễn ra trong Batman: Arkham Asylum năm 2009, xoay quanh một anh chàng Batman trẻ tuổi còn thiếu nhiều kinh nghiệm.
Câu chuyện của Origins bắt đầu khi trùm tội phạm Black Mask hứa trao 50 triệu đô la tiền thưởng cho bất kỳ ai có thể đánh bại Người dơi, thu hút 8 sát thủ nguy hiểm nhất thế giới tiến đến thành phố Gotham vào đêm Giáng sinh. Chưa dừng lại ở đó, phía Sở cảnh sát thành phố Gotham cũng không hề thiện cảm với “Người dơi”, và thậm chí còn ra sức săn lùng anh để nhận món tiền thưởng kếch xù.
Giữa vòng vây kẻ địch, Batman phải tìm cách đưa Black Mask ra trước công lý, đồng thời tránh sự truy lùng từ phía cảnh sát và giải quyết những kẻ phản diện khác, chẳng hạn như Joker và Anarky, đang lợi dụng tình hình hỗn loạn để thực hiện âm mưu bất chính riêng.
Khác với những phần trước, thay vì Rocksteady tiếp tục đảm nhiệm vai trò phát triển trò chơi, họ đã chuyển trọng trách đó sang cho Warner Brothers Games Montreal để rảnh tay thực hiện Arkham Knight.
Do đó, một số ý kiến bày tỏ sự lo ngại rằng việc thay đổi hãng sản xuất sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng tổng thể và thời gian đã chứng minh rằng họ hoàn toàn có lý. Khi phát hành, cộng động đã báo cáo hàng loạt những lỗi, trục trặc và sự cố phát sinh khi chơi. Trên hết, các nhà phê bình cũng cảm thấy trò chơi không mở rộng hay đột phá hơn nhiều so với Arkham City và Asylum.
Bù lại, trò chơi cũng có những điểm tích cực – chẳng hạn như các trận đấu trùm, cốt truyện tổng thể và cơ chế gameplay chiến đấu. Bất chấp các vấn đề kỹ thuật và được đánh giá là phiên bản yếu nhất trong series Arkham, Origins vẫn đậm chất giải trí và hoàn toàn không phải là một sản phẩm tệ hại.
9. Batman: Arkham VR – Điểm Metacritic trung bình: 74
Khi thế giới thực tế ảo liên tục phát triển, các nhân vật kinh điển như Batman cũng bắt đầu “lấn sân” sang bằng những trò chơi VR của riêng họ. Thay vì tạo ra một phiên bản nửa vời, Rocksteady đã nỗ lực tạo nên một sản phẩm chất lượng với Batman: Arkham VR và xây dựng hẳn một cốt truyện mới lấy bối cảnh trong cùng vũ trụ.
Câu chuyện của Arkham VR diễn ra giữa hai bản Arkham City năm 2011 và Arkham Knight năm 2015, theo chân Batman khi anh điều tra về sự biến mất của các đồng đội Nightwing và Robin.Trò chơi được thể hiện dưới góc nhìn ngôi thứ nhất, với trọng tâm chính là sử dụng các kỹ năng và trang thiết bị hiện đại của Người Dơi để khám phá môi trường cũng như giải quyết các câu đố.
Sau khi phát hành, trò chơi đã nhận được những phản hồi trái chiều, với điểm tích cực đến từ bầu không khí tuyệt vời, hoàn hảo cho thiết lập VR. Trong khi đó, những ý kiến chỉ trích chủ yếu đề cập đến thời lượng ngắn ngủi, ảnh hưởng đến cốt truyện và giá trị chơi lại của trò chơi. Ngoài ra, những câu đố cũng còn đơn giản, thiếu tính thử thách cần thiết với một thám tử lừng danh như Batman.
8. LEGO Batman 3: Beyond Gotham – Điểm Metacritic trung bình: 74
Phần thứ ba trong series LEGO Batman chứng kiến vị siêu anh hùng “vượt qua biên giới Gotham”, tiến vào không gian để giúp cứu các Thế giới Đèn lồng khác nhau và thu thập những chiếc Nhẫn Đèn lồng để ngăn chặn ác nhân Brainiac. Trò chơi dù tự hào sở hữu số lượng nhân vật ấn tượng lên đến 217, nhưng cũng nhận được nhiều phản hồi trái chiều từ Metacritic.
Nhược điểm lớn của LEGO Batman 3 là nó không khác nhiều so với các phiên bản game LEGO khác. Cốt truyện cũng yếu hơn các phần trước và phát sinh một số lỗi kỹ thuật khi ra mắt. Tuy nhận đánh giá thấp nhất trong series, trò chơi vẫn có nhiều điểm tích cực khi mang lại trải nghiệm thú vị cho trẻ em và người hâm mộ Người dơi, với cơ chế điều khiển đơn giản và chế độ co-op tuyệt vời.
7. Batman: The Brave And The Bold – Điểm Metacritic trung bình: 74
Brave and the Bold là một sản phẩm độc quyền dành cho các hệ máy nhà Nintendo, khi chỉ phát hành trên Wii và DS. Khác với những phiên bản Batman khác trong danh sách này, trò chơi nghiêng về cơ chế chiến đấu theo kiểu đánh đấm “beat ’em up” hơn là phiêu lưu.
Đúng như tên gọi, game được dựa trên bộ phim hoạt hình Batman: The Brave and the Bold công chiếu vào tháng 11 năm 2008. Mỗi level được trình bày dưới dạng một tập (episode), nơi Người dơi hợp tác với một số siêu anh hùng như Hawkman, Robin, Green Lantern và Blue Beetle, để ngăn chặn nhiều siêu tội phạm khác nhau.
Người chơi có thể sử dụng các tiện ích hiện đại và thậm chí triệu hồi thêm một nhân vật khác tham gia thi triển một đòn tấn công mạnh mẽ. Khi đánh bại kẻ thù, những đồng tiền xu sẽ rơi ra cho game thủ thu thập và dùng để nâng cấp trang thiết bị.
Theo đánh giá từ các nhà phê bình, trò chơi có thời lượng ngắn và ít giá trị chơi lại, nhưng được bù đắp bằng sự hài hước, thiết kế level, cơ chế điều khiển tuyệt vời cùng phong cách đồ họa gợi nhớ lại thời kỳ 16 bit đầy hoài niệm.
6. LEGO Batman: The Videogame – Điểm Metacritic trung bình: 78
Lego Batman: The Videogame là trò chơi Lego đầu tiên do hãng Traveller’s Tales phát triển có cốt truyện riêng, xoay quanh cuộc đối đầu giữa Batman – Robin và những ác nhân nguy hiểm vừa trốn thoát khỏi trại giam Arkham Asylum.
Tuy thu về nhiều ý kiến ngợi khen, nhưng game cũng phải nhận một số đánh giá trái chiều. Những điểm thành công nằm ở lối chơi, sự đa dạng của các cấp độ khác nhau và cơ chế phối hợp co-op ngoại tuyến.
Trong khi đó, những lời chỉ trích chủ yếu xoay quanh góc nhìn cố định, tốc độ triệu hồi đối thủ bất hợp lý, sự giống nhau với các tựa game LEGO khác, cách kể chuyện kém và thiếu tính năng co-op trực tuyến.
5. Batman: The Enemy Within – The Telltale Series – Điểm Metacritic trung bình: 79
Batman: The Enemy Within là một trò chơi phiêu lưu theo phong cách trỏ và nhấn theo dạng nhiều tập (episode) do hãng Telltale sản xuất, tiếp nối diễn biến từ Batman: The Telltale Series năm 2016.
Season 2 này tuy tập trung vào nhân vật phản diện Riddler, nhưng cũng tiết lộ về nguồn gốc bí ẩn của Joker và tạo cơ hội cho Bruce Wayne ngăn chặn anh ta trở thành ác nhân.
Hầu hết lời khen ngợi mà các nhà phê bình dành cho The Enemy Within đề cập đến cốt truyện cuốn hút và tầm ảnh hưởng của các lựa chọn đến diễn biến chính. Dù game vẫn thiếu độ thử thách trong các câu đố và lối chơi trinh thám theo phong cách Batman, nhưng xét tổng thể, đây vẫn được coi là một sự cải tiến so với phiên bản tiền nhiệm – đặc biệt là ở cách thể hiện nhân vật Joker.
4. LEGO Batman 2: DC Super Heroes – Điểm Metacritic trung bình: 80
LEGO Batman 2 là trò chơi LEGO Batman được đánh giá cao nhất cho đến nay. Nó không chỉ mở rộng mỗi dàn nhân vật xoay quanh Batman mà còn bổ sung thêm nhiều cái tên nổi tiếng khác thuộc Vũ trụ DC, phần nào giống như một trò chơi LEGO Justice League vậy.
Ở nhiệm vụ đợt này, bộ ba Batman, Robin và Superman sẽ phải nỗ lực ngăn chặn Lex Luthor trở thành Tổng thống với sự giúp sức từ lực lượng Liên minh Công lý.
DC Super Heroes nhận được đánh giá chung tích cực với những lời khen ngợi về lối chơi, câu chuyện và lồng tiếng tinh tế. Tuy nhiên, game vẫn bị trừ điểm vì một số lỗi trục trặc kỹ thuật, AI chưa tốt hoặc cơ chế điều khiển ở một số khu vực.
Nhưng với những ưu điểm vượt trội, các nhà phê bình vẫn nhận xét trò chơi này là một bước tiến lớn của hãng Traveller’s Tales so với phiên bản LEGO Batman đầu tiên cũng như như các trò chơi trước đây.
3. Batman: Arkham Knight – Điểm Metacritic trung bình: 81
Phần game Arkham mới nhất tính đến thời điểm hiện tại không nhận được sự hoan nghênh nhiệt tình từ giới phê bình như Asylum hay City. Trò chơi vẫn xoay quanh Batman/Bruce Wayne, nhưng với Scarecrow và nhân vật mới Arkham Knight cùng đảm nhiệm vai trò phản diện chính chống lại vị siêu anh hùng.
Bên cạnh đó, nó cũng giới thiệu một cơ chế mới tập trung vào việc sử dụng chiếc Batmobile để vượt qua những chướng ngại, thứ vốn thiếu vắng trong tất cả các phiên bản trước của series. Tuy nhiên, hầu hết những lời phàn nàn trong Arkham Knight cũng xuất phát từ chính sự bổ sung chiếc xe dơi.
Một số ý kiến nhận định những trường đoạn sử dụng Batmobile mang tính ép buộc người chơi, giảm tính tính hấp dẫn của cốt truyện và cảm nhận tổng thể mà hai trò chơi đầu tiên đã làm rất tốt. Bù lại, nhiều nhà phê bình đánh giá cao bầu không khí, bản đồ rộng lớn chi tiết, đồ họa cao cấp, lối chơi đa dạng và màn trình diễn xuất sắc của các diễn viên lồng tiếng.
2. Batman: Arkham Asylum – Điểm Metacritic trung bình: 91
Arkham Asylum đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi khi phát hành, bao gồm phong cách kể chuyện, sự chăm chút về chất lượng và cơ chế lối chơi phù hợp với tính cách Người dơi. Nó tự hào sở hữu một dàn nhân vật phản diện hàng đầu được người hâm mộ yêu thích, kết hợp cùng tông màu và bầu không khí đầy bí ẩn để lột tả nội tâm phức tạp của Batman.
Trong cốt truyện chính, Batman tiếp tục phải đối đầu với kẻ thù không đội trời chung Joker, kẻ đang tiến hành một âm mưu phức tạp để giành quyền kiểm soát Arkham Asylum. Hắn ta đã bày kế bẫy Batman kẹt lại bên trong khu nhà ngục kiêm viện tâm thần cùng với nhiều kẻ thù khác và đe dọa thành phố Gotham bằng những quả bom được giấu kín.
Các chuyên gia từng nhận định Arkham Asylum là “trò chơi truyện tranh hay nhất mọi thời đại” và “trò chơi siêu anh hùng hay nhất thời hiện đại”. Thế nhưng, theo các nhà phê bình thì vẫn còn một điều mà Arkham Asylum làm chưa tốt là sự lặp lại về gameplay. Mặc dù vậy, điều đó cũng không ngăn tựa game này gặt hái hàng loạt giải thưởng danh giá cho ngành công nghiệp bình chọn.
1. Batman: Arkham City – Điểm Metacritic trung bình: 94
Arkham City gần như là một tác phẩm hoàn hảo. Nó được cho là trò chơi Batman hay nhất mọi thời đại, với cốt truyện hấp dẫn, những pha hành động ấn tượng và mức độ chăm chút tỉ mỉ về tổng thể.
Lần này, bối cảnh sẽ diễn ra tại khu vực Arkham City, một siêu nhà tù bao quanh các khu ổ chuột đô thị đang mục nát của Thành phố Gotham hư cấu. Ở đó, Batman phải khám phá ra bí mật đằng sau một âm mưu thâm độc do người quản lý cơ sở Hugo Strange dàn dựng.
Người ta thường tranh luận về việc Arkham City hay Arkham Asylum mới là trò chơi Batman hay nhất. Nhưng không thể phủ nhận rằng Arkham City đã tạo nên sự khác biệt đáng kể về quy mô bản đồ, câu chuyện và bổ sung thêm các nhân vật được ưa thích như Catwoman, Mister Freeze và thậm chí cả Harley Quinn dưới hình thức DLC.
Theo Screen Rant