Series Guitar Hero từng đạt thành công vang dội vào giữa những năm 2000, nhưng nó và các đối thủ cạnh tranh lại đang im tiếng suốt nhiều năm liền. Lý do vì sao?
Vào giữa những năm 2000, khi nói đến những thương hiệu game đình đám nhất không thể không kể đến cái tên Guitar Hero. Sau khi ra mắt vào năm 2005, nó đã tạo nên một cơn sốt trò chơi âm nhạc mới và “chiếm dụng” không biết bao nhiêu khoảng không trên kệ hàng của các nhà bán lẻ. Nhờ thành công quá sức tưởng tượng đó, Guitar Hero nhanh chóng trở thành một trong những trò chơi điện tử phổ biến nhất mọi thời đại.
Nhưng loạt game này cũng… vụt biến nhanh như khi nó xuất hiện. Ngoài Guitar Hero Live và Rock Band 4 phát hành từ năm 2015, các trò chơi nhịp điệu lấy cảm hứng từ rock’n’roll vẫn cứ im hơi lặng tiếng cho đến tận ngày nay – ngoại trừ dự án độc lập Clone Hero mà không mấy ai biết tới.
Theo sau thành công của hai bản Guitar Hero đầu tiên, giúp đưa thương hiệu trở thành xu hướng chính, Guitar Hero 3: Legends of Rock tiếp tục củng cố vị trí dẫn đầu thể loại của series và lọt vào danh sách những trò chơi phải có vào thời điểm đó. Đây là bản Guitar Hero đầu tiên xuất hiện trên tất cả các nền tảng, giúp nó tiếp cận lượng khán giả lớn nhất mà series từng có. Nhờ vậy, Guitar Hero đã bùng nổ và trở thành cái tên chủ lực tại vô số gian hàng trò chơi điện tử, cũng như những bữa tiệc đại học. Rõ ràng, kế hoạch triển khai phần tiếp theo chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi hãng phát triển Harmonix được Viacom mua lại và chuyển quyền khai thác thương hiệu sang Neversoft. Bản thân Harmonix sau đó cho ra đời series RocK Band, đối thủ cạnh tranh nổi tiếng nhất của Guitar Hero. Bị Rock Band “thách thức” bằng cách cung cấp cho người chơi tùy chọn chơi trống, guitar, bass hoặc thậm chí cả giọng hát, Guitar Hero đã thêm các tính năng tương tự vào những phần tiếp theo của để duy trì sự cạnh tranh.
Tuy nhiên, điều này đã tác động tiêu cực đến thị trường trò chơi âm nhạc. Cả Rock Band và Guitar Hero đều được đóng gói trong những chiếc hộp “khổng lồ” chứa đầy nhạc cụ nhựa với số lượng ngày một tăng. Vì thế, giá tiền sản xuất cũng như bán ra mỗi phiên bản càng trở nên đắt đỏ. Trong khi đó, các nhà phát triển thì mải mê tìm cách giành bằng được thị phần trong cơn sốt trò chơi âm nhạc. Thế nên, các tựa game phụ “ăn theo” như DJ Hero và Band Hero bắt đầu tràn ngập thị trường, ít nhiều cạnh tranh với chính những phiên bản Rock Band và Guitar Hero.
Điều này không chỉ ngốn một lượng lớn diện tích trên kệ hàng như đã đề cập trước đó, mà nó còn gây quá tải cho những khách hàng tiềm năng khi có quá nhiều lựa chọn. Sự phấn khích tạo nên bởi Guitar Hero 3 dần tan biến, còn thị trường thì tràn ngập các trò chơi cùng phụ kiện âm nhạc lỉnh kỉnh. Mặc dù nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như Call of Duty hay Assassin’s Creed cũng lên lịch phát hành gần như hàng năm, nhưng chúng không yêu cầu khách hàng mua những bộ phụ kiện đắt tiền chỉ tương thích với một số ít trò chơi. Guitar Hero Live và Rock Band 4 là những nỗ lực mới nhất để đưa thể loại này trở lại với công chúng, nhưng ngày phát hành của chúng cũng đã cách đây 5 năm.
Hiện tại, nhà phát triển của cả hai tựa game vẫn chưa nói gì về các phần mới, nên có thể phải mất thêm một khoảng thời gian đáng kể nữa, trước khi trò chơi âm nhạc chất lượng tiếp theo cập bến thị trường.
Theo ScreenRant