Mục Lục
- Net Yaroze – Phát triển trò chơi của riêng bạn
- PS One – Phiên bản di động
- Hỗ trợ chơi nhiều người với cáp PlayStation Link
- Khám phá tiềm năng VR
- Hoạt động như một trợ lý kỹ thuật số cá nhân
- Phát CD
- Chống vi phạm bản quyền đĩa
- Sử dụng chuột PlayStation
- Trải nghiệm game với nhiều hơn hai người chơi
- Khôi phục dữ liệu lưu bị xóa
Mỗi thế hệ console đều mang lại một vài tính năng nào đó độc đáo cho cộng đồng, thậm chí đột phá đến mức trở thành tiêu chuẩn – ví dụ như trường hợp của chiếc PlayStation đầu tiên.
PS1 là một sản phẩm đánh dấu bước ngoặt lớn cho hệ máy chơi game gia đình. Nhiều trò chơi trên hệ máy này đã chinh phục con tim hàng triệu người và khai sinh ra hàng loạt nhượng quyền thương mại nổi tiếng đến tận ngày nay.
Với PS1, hãng Sony đã không ngại khó để thử nghiệm những tính năng mới trên nền tảng máy chơi trò chơi điện tử. Trong đó, dĩ nhiên bao gồm cả những cơ chế độc đáo nhưng lại khá xa lạ với nhiều game thủ.
Net Yaroze – Phát triển trò chơi của riêng bạn
Được phát hành lần đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 1996 và những khu vực khác vào năm 1997, Net Yaroze là chiếc PlayStation 1 đặc biệt chứa phần mềm phát triển game, cho phép các lập trình viên máy tính tạo ra trò chơi PS1 của riêng họ.
Mẫu máy này có giá cao hơn bản PS1 thông thường trên thị trường, nhưng nó vẫn rất hấp dẫn đối với các chuyên gia muốn khám phá khả năng của hệ thống. Dù không phải sản phẩm đầu tiên giới thiệu tính năng này, nhưng nhiều trò chơi do các lập trình viên tạo ra đã được biên soạn trên đĩa quảng cáo để thể hiện sự đa dạng của nền tảng.
PS One – Phiên bản di động
Trước khi trình làng chiếc PSP thành công vang dội, Sony đã tiến hành một phép thử trong thị trường thiết bị cầm tay với phiên bản PS One. Xuất hiện vào năm 2000, chiếc máy được cải tiến nhỏ gọn hơn này nhanh chóng mang về trái ngọt cho công ty. Nó thậm chí còn bán chạy hơn cả… PlayStation 2 vừa phát hành khi đó.
Một số phiên bản PS One còn đính kèm màn hình LCD 5 inch, cho phép người dùng chơi game khi đang di chuyển trên máy bay hoặc ô tô, miễn là có sẵn ổ cắm điện. Gói “Combo” này cũng bao gồm .
Năm 2002, Sony bổ sung thêm phụ kiện màn hình LCD 5 inch (130 mm) cho PS One dưới dạng một “Gói Combo”, kèm theo một tai nghe và giắc cắm AV. Những nâng cấp này cho phép người dùng chơi game khi đang di chuyển trên máy bay hoặc ô tô, miễn là có sẵn ổ cắm điện.
Vào thời điểm bị ngừng sản xuất vào tháng 3 năm 2006, PS One đã chạm mức doanh số 28,15 triệu đơn vị – không tệ với một phiên bản cải tiến.
Hỗ trợ chơi nhiều người với cáp PlayStation Link
Cáp PlayStation Link là món phụ kiện đính kèm thú vị khác, cho phép bạn bè cùng chơi với nhau mà không cần phải chia sẻ chung một màn hình.
Mặc dù yêu cầu phải có hai chiếc PlayStation, hai chiếc TV và các bản sao của cùng một trò chơi để hoạt động, nhưng dây cáp cho phép các trận đấu cạnh tranh phát triển và hạn chế tình trạng gian lận bằng cách nhìn vào màn hình của người khác.
Mặc dù không mang đến thành công vang dội, nhưng PlayStation Link ít nhiều đã thiết lập nên nền tảng để tính năng multiplayer phát triển mạnh mẽ trên các thế hệ console tiếp theo.
Khám phá tiềm năng VR
Vào năm 1996, công nghệ thực tế ảo là thứ gì đó quá đỗi xa xăm với cộng đồng phổ thông. Tuy nhiên, Sony vẫn mạo hiểm tung ra Glasstron, một dòng phụ kiện VR tích hợp màn hình LCD và tai nghe, cho phép người chơi đắm chìm hoàn toàn vào trải nghiệm.
Mặc dù về sau hãng không tiếp tục sử dụng những chiếc headset cồng kềnh này cho các trò chơi của họ nữa, nhưng Glasstron quả thật đã đánh dấu một bước đệm không thể thiếu cho công nghệ VR trong thế giới game.
Hoạt động như một trợ lý kỹ thuật số cá nhân
Thật không ngoa khi nhận định rằng PS1 là cái tên đi đầu trong công nghệ trò chơi điện tử, với những ý tưởng táo bạo ít ai nghĩ đến ở thời điểm đó. Sau VR, PocketStation được phát hành độc quyền tại Nhật Bản vào năm 1999 và nhận về rất nhiều lời khen ngợi.
Thiết bị nhỏ bé độc đáo này không chỉ hoạt động như một thẻ nhớ với nhiều tính năng, tương thích với một số trò chơi PS1, mà còn đảm nhiệm vai trò của một PDA (Personal Digital Assistant – trợ lý kỹ thuật số cá nhân). Tuy nhiên, sản phẩm chưa bao giờ xuất hiện bên ngoài Nhật Bản trước khi bị ngừng sản xuất vào năm 2002.
Phát CD
Hầu hết các mẫu PlayStation đều có khả năng chơi đĩa CD nhạc, mang lại cho dòng máy này một lợi thế lớn so với các sản phẩm console khác sử dụng hộp băng.
Đĩa CD từng vô cùng phổ biến trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, với doanh số hàng triệu đơn vị mỗi năm và chiếm ưu thế hoàn toàn ở thị trường âm nhạc thời điểm đó. Ý tưởng kết hợp giữa máy chơi trò chơi điện tử và khả năng phát nhạc CD là một phát kiến tuyệt vời đã được đền đáp về lâu về dài.
Chống vi phạm bản quyền đĩa
Sony nhận thức rõ nguy cơ vi phạm bản quyền khi phát hành game dưới dạng đĩa. Vì thế, tất cả các trò chơi PS1 chính thức đều được ghi vào một số dữ liệu cụ thể để cho phép chúng hoạt động trên máy và ngăn không cho chơi các loại đĩa sao chép.
Cơ chế này giúp chống lại nạn vi phạm bản quyền khi các nền tảng khác bắt đầu chuyển từ sử dụng hộp băng sang đĩa.
Sử dụng chuột PlayStation
DualShock tất nhiên là bộ điều khiển PS1 nổi tiếng nhất. Nhưng bạn có biết Sony từng cung cấp cả Chuột PlayStation để phục vụ cho các game thủ quen sử dụng PC?
Về cơ bản, thiết kế của chuột không quá khác biệt so với hầu hết các loại chuột khác, trừ tông màu trang nhã đồng điệu với máy. Phụ kiện chủ yếu trợ giúp ở các thế loại game phiêu lưu hoặc hành động cần thao tác trỏ và nhấn nhiều từ người chơi.
Trải nghiệm game với nhiều hơn hai người chơi
PlayStation Multitap là một bộ chuyển đổi giúp tăng số lượng bộ điều khiển và khe cắm thẻ nhớ cần sử dụng. Chỉ cần một chiếc Multitap, số lượng người chơi lập tức mở rộng lên đến 4 và nâng cấp trải nghiệm multiplayer trên hệ thống.
Mặc dù những thiết bị điều hợp này là chìa khóa trong những ngày đầu của kỷ nguyên gaming tại gia, nhưng việc công nghệ trực tuyến phát triển vượt bậc khiến chúng không còn cần thiết nữa.
Khôi phục dữ liệu lưu bị xóa
Một tính năng hữu ích trên PS1 nhưng nhiều người không biết đến đó là hồi phục file save bị xóa. Tại màn hình thẻ nhớ trong menu, nếu vô tình xóa nhầm một tệp đã lưu, bạn có thể nhấn đồng thời các nút L1 + L2 + R1 + R2 vài lần và thẻ nhớ sẽ khôi phục về trạng thái trước đó.
Đây là một tính năng thực sự hữu ích, nhưng tại sao Sony không đưa nó quay trở lại trên các thế hệ sau này?
Theo Game Rant, ignboards