Mục Lục
Nintendo Switch OLED là phiên bản mới nhất mà Nintendo bổ sung cho dòng máy chơi game Switch. Trước đó, hãng đã giới thiệu đến cộng đồng chiếc Switch gốc, chiếc Switch được cải tiến về pin và Switch Lite.
Về cơ bản, Switch OLED không cung cấp bước nhảy nào về hiệu suất, bởi vẫn sử dụng thông số cấu hình đời trước để chạy các trò chơi. Tuy nhiên, nó vẫn có một số điểm nâng cấp, dù nhỏ nhặt nhưng đủ sức tạo ra sự khác biệt lớn.
Kích thước và sự sống động của màn hình OLED
Điểm đầu tiên và nổi bật nhất tất nhiên chính là chiếc màn hình OLED kích thước 7 inch, một nâng cấp rất đáng kể so với màn hình 6,2 inch ở model ban đầu và 5,5 inch của bản Lite. Chỉ riêng không gian màn hình đã tạo ra cả một bầu trời khác biệt trên thiết bị cầm tay, và khi kết hợp cùng công nghệ OLED thì trải nghiệm khi chơi game còn được tăng cường hơn nữa.
Những tấm nền OLED vốn nổi tiếng bởi hình ảnh rực rỡ, sắc nét và chân thực. Nhưng model mới thậm chí còn cung cấp hẳn một nút bật/tắt Chế độ sống động (Vibrant Mode – được bật theo mặc định) trong phần cài đặt.
Điều này sẽ làm cho chất lượng hình ảnh nổi bật hơn và tạo ra sự khác biệt đáng chú ý về độ sâu màu khi chơi. Bên cạnh đó, chiếc máy mới có màn hình bằng kính, tạo cảm giác cao cấp so với màn nhựa ở phiên bản gốc.
Chân đế vững chãi, chắc chắn
Một thay đổi khác mà người hâm mộ sẽ vô cùng hài lòng là chân đế mới. Trên chiếc Switch ban đầu, chân đế hẹp, mỏng manh và tạo cảm giác giống như một loại nhựa rẻ tiền có khả năng bị gãy. Ngoài ra, nó chưa làm tròn nhiệm vụ giữ cho máy đứng vững dù chỉ cần bị gõ nhẹ.
Nhưng nay, mô hình OLED có một chân đế rộng hơn, kéo dài toàn bộ nửa mặt sau của Switch. Chân đế này được làm bằng vật liệu chắc chắn hơn, bền hơn và bản lề có thể giữ chặt máy ở mọi góc độ. Tương tự, các chân cao su nhỏ ở mặt dưới giúp cố định vị trí máy tốt hơn. Một cải tiến rất cần thiết cho những ai thích trải nghiệm chế độ để bàn (Tabletop).
Loa được cải thiện một chút
Nintendo không đề cập quá nhiều về điều này trước khi phát hành. Nhưng quả thực, hệ thống loa đã được cải tiến chút ít so với bản gốc, mang đến âm thanh rõ ràng và có phần to hơn.
Sự khác biệt này dễ nhận thấy nhất khi đặt hai mẫu Switch cạnh nhau. Dù không quá đáng kể, nhưng nó vẫn giúp nâng cấp trải nghiệm tổng thể khi chơi.
Bộ nhớ trong tăng lên gấp đôi
Chiếc Nintendo Switch ban đầu chỉ sở hữu bộ nhớ trong 32GB và với việc kích thước các trò chơi ngày càng tăng, bấy nhiêu đó rõ ràng là không đủ. Phiên bản OLED không vượt trội hẳn về khía cạnh này, nhưng ít nhất thì dung lượng cũng đã tăng gấp đôi lên 64GB.
Tuy nhiên, về lâu về dài, bạn có thể vẫn cần thêm thẻ micro SD để lưu trữ. Trong tương lai, thiết nghĩ nhà sản xuất nên cân nhắc thêm về những tùy chọn bộ nhớ trong lớn hơn.
Đường nét thiết kế cao cấp, hiện đại
Về tổng thể, thiết kế của phiên bản OLED trông rất hiện đại với kiểu dáng thu hút và những đường viền mỏng tinh tế. Chất lượng dựng máy cũng tạo cảm giác rất vững chãi, với phần nhựa chắc chắn dọc theo mặt sau cùng kim loại bao quanh màn hình kính ở mặt trước.
Dù thông số cấu hình bên trong hai chiếc Switch gần như y hệt nhau (trừ nâng cấp bộ nhớ trong nêu trên), nhưng những cải tiến về ngoại hình khiến nó trông như một sản phẩm thuộc thế hệ console mới. Điều này mang lại những khác biệt rất lớn đối với một thiết bị thường xuyên cầm trên tay.
Đế dock nay đã có cổng Ethernet
Bản thân đế dock cũng đã có một sự thay đổi. Bản gốc hình vuông, với logo lớn ở mặt trước và hai cổng USB ở bên cạnh. Ở mặt lưng, đằng sau một nắp bản lề bằng nhựa là một cổng USB khác, cùng cổng AC và cổng HDMI.
Trong khi đó, dock mới có các cạnh tròn theo phong cách thiết kế hiện đại, với một chiếc logo nhỏ hơn ở mặt trước. Hai cổng USB vẫn ở bên cạnh, nhưng mặt sau mới là nơi đánh dấu những sự thay đổi rõ nét.
Nắp lưng hiện có thể tháo rời hoàn toàn, thay vì gắn liền cùng bản lề. Bên dưới đó ẩn các cổng AC (USB – C), HDMI và đặc biệt là Ethernet (thay thế USB A). Giờ đây, bạn có thể kết nối Switch ở chế độ gắn đế qua mạng LAN mà không cần thêm bộ điều hợp (adapter).
Phiên bản OLED rộng hơn khoảng 1mm
Dù nghe có vẻ nhỏ nhặt đến mức không đáng để nhắc đến, nhưng đây lại là một sự khác biệt quan trọng mà mọi người nên biết: Chiếc Switch OLED rộng hơn khoảng… 1 mm so với bản gốc. Điều này đồng nghĩa với việc một số phụ kiện (ví dụ như hộp đựng, ốp lưng,…) từng vừa khít với chiếc máy gốc nhiều khả năng không còn khả dụng.
Việc cố o ép để nhét máy vào có thể thành công nhưng thực sự thì điều đó không được khuyến khích. Vì vậy, hãy cân nhắc mua một món phụ kiện mới phù hợp với phiên bản màn hình OLED.
Một số cải tiến về Joy-Cons
Những chiếc Joy-Cons nay đã có thêm thiết kế màu trắng trang nhã. Tuy về cách thức hoạt động vẫn tương tự như trước nhưng theo một số đánh giá ban đầu, các nút bấm và cần analog trên phiên bản OLED cung cấp phản hồi có phần tốt hơn.
Sau quá trình kiểm tra nghiêm ngặt, tin tốt là bộ điều khiển dường như không phát sinh bất kỳ hiện tượng trôi dạt nào. Mặc dù vậy, rất khó để khẳng định rằng vấn đề này đã được giải quyết triệt để và cần thêm thời gian kiểm chứng.
Cách đây vài ngày, đại diện Nintendo xác nhận rằng việc Joy-Cons xuống cấp là điều “không thể tránh khỏi.” Vì vậy, hãng chỉ có thể tiến hành một số điều chỉnh để giúp kéo dài tuổi thọ phụ kiện mà thôi.
Hoạt động yên tĩnh hơn
Dù cấu hính phần cứng bên trong gần như giống hệt các model tiền nhiệm, nhưng khá bất ngờ là phiên bản OLED mới lại hoạt động yên tĩnh hơn. Dĩ nhiên, yếu tố này còn phụ thuộc vào từng trò chơi. Nhưng sau khi thử nghiệm một số game hạng nặng, tình hình vẫn có vẻ tốt.
Máy mới, hộp mới
Cuối cùng, điểm khác biệt đầu tiên mà bạn sẽ nhận thấy khi chọn mẫu OLED so với bản gốc chính là bao bì đóng gói. Hình hộp chữ nhật một thời giờ đây giống hình vuông hơn và nhỏ gọn hơn một chút so với trước. Tuy nhiên, bên trong vẫn là một tấm bìa cứng đựng Switch, Joy-Con, cùng những món phụ kiện khác.
Đây không phải là một thay đổi quá đáng kể, nhưng khi chọn một phiên bản console mới, việc hộp đựng hơi khác một chút cũng khiến mọi thứ trở nên thú vị hơn.
Theo TheGamer, Game Rant