10 trò chơi thế giới mở không bắt bạn phải combat giao tranh

Người đăng: Ngày đăng: 26/07/2021 Game PC & Console
Đây là những tựa game thế giới mở không hề có cơ chế chiến đấu cho những ai ưa thích “chủ nghĩa hòa bình”.

Thể loại game thế giới mở đã phát triển rất mạnh mẽ trong thập niên vừa qua, với những đại diện tiêu biểu như Skyrim, Grand Theft Auto V và Minecraft.

Bên cạnh cơ chế giao nhận nhiệm vụ, tương tác với NPC và thu thập vật phẩm, thì hệ thống chiến đấu là thứ cũng rất phổ biến trong các trò chơi open-world.

10 tro choi the gioi mo khong combat Yonder 2 Game Cuối

Tuy nhiên, những trận giao tranh liên tục cũng có khi khiến game thủ cảm thấy mệt mỏi và đôi lúc, họ chỉ muốn trải nghiệm trò chơi theo một nhịp độ chậm rãi, thoải mái. Rất may, có một số trò chơi thế giới mở chỉ cung cấp cơ chế giải đố, tương tác xã hội hoặc khám phá đơn giản để mang lại những giây phút thư giãn đích thực.

Yonder: The Cloud Catcher Chronicles

  • Nền tảng: PlayStation 4, PlayStation 5, PC – Windows, Nintendo Switch, Xbox One
  • Ngày phát hành: 18 tháng 7 năm 2017
  • Thời gian hoàn thành câu chuyện chính: 10 giờ
  • Tính năng nổi bật: Thế giới mở tuyệt đẹp.

10 tro choi the gioi mo khong combat Yonder Game Cuối

Tựa game phiêu lưu thế giới mở do hãng Prideful Sloth sản xuất ban đầu được phát hành trên PlayStation 4 và PC vào năm 2017, trước khi đến với Xbox One và Nintendo Switch.

Bối cảnh của Yonder diễn ra sau khi tàu của người chơi cập bến Gemea, một hòn đảo có thể ví như thiên đường tự nhiên với 8 môi trường khác nhau, từ những bãi biển nhiệt đới đến đỉnh núi phủ tuyết trắng hùng vĩ.

Tuy nhiên, nơi đây không thực sự hoàn hảo như người ta tưởng, bởi sự xâm lấn đến từ thực thể Murk bí ẩn. Vì vậy, nhân vật chính sẽ phải lên đường tìm kiếm các sinh vật Sprites huyền diệu để giúp thanh tẩy và khôi phục lại vẻ đẹp thiên nhiên.

Suốt hành trình, bạn có thể trao đổi với những người dân địa phương thân thiện, tìm kiếm những vật liệu độc đáo để chế tạo đồ dùng, kết bạn với nhiều loài động vật hoang dã đáng yêu và thậm chí tạo ra trang trại làm việc riêng.

Với Yonder: The Cloud Catcher Chronicles, người chơi không phải lo nghĩ về những màn giao tranh khốc liệt mà chỉ cần thư giãn và tận hưởng cuộc sống chậm rãi cùng trời mây.

Shape Of The World

  • Nền tảng: Nintendo Switch, PlayStation 4, Microsoft Windows, Macintosh, Xbox One
  • Ngày phát hành: 5 tháng 6 năm 2018
  • Thời gian hoàn thành câu chuyện chính: 1-3 giờ
  • Tính năng nổi bật: Mang lại sự thư giãn với phong cách nghệ thuật tuyệt vời.

10 tro choi the gioi mo khong combat Shape Of The World Game Cuối

Shape of the World được phát hành vào năm 2018 bởi nhóm Hollow Tree Games và Plug In Digital. Tựa game góc nhìn ngôi thứ nhất này đưa người chơi vào một khu rừng nghệ thuật tuyệt đẹp để họ tự do khám phá môi trường xung quanh.

Thế giới trò chơi được tạo ra theo quy trình ngẫu nhiên, phản ứng với sự hiện diện của chính bạn và giúp mang đến những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ mỗi khi bắt đầu lại. Tuy nhiên, mục tiêu chính mà Shape of the World hướng đến chính là muốn người chơi của mình tìm thấy sự bình yên và thư thái trong chuyến hành trình khám phá một hệ sinh thái đầy màu sắc kỳ ảo.

https://www.youtube.com/watch?v=hO3bZoKHykU

Từ hệ thực vật phát triển rực rỡ, dãy núi sừng sững, những thác nước uốn lượn, các khối đá phát sáng và những sinh vật duyên dáng – tất cả đều nhằm mục đích mang lại những giây phút thư giãn và thoát khỏi bộn bề, lo lắng của công việc.

The Sims 3

  • Nền tảng: Microsoft Windows, OS X, Android, BlackBerry OS, Windows Phone, iOS, PlayStation 3, Xbox 360, Nintendo DS, N-Gage 2.0, Wii, Nintendo 3DS
  • Ngày phát hành: 2 tháng 6 năm 2009
  • Thời gian hoàn thành câu chuyện chính: 15,5 giờ
  • Tính năng nổi bật: Khám phá thị trấn trong trò chơi và tương tác với người dân địa phương

10 tro choi the gioi mo khong combat The Sims 3 Game Cuối

Kể từ lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2000, thương hiệu The Sims của Electronic Arts đã liên tiếp tái lập những thành công đáng nể về doanh thu cũng như chất lượng nghệ thuật, và trở thành một trong những series trò chơi điện tử nổi tiếng nhất mọi thời đại.

Phát hành vào năm 2009, The Sims 3 đã đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong lối chơi của loạt game, bằng cách phá bỏ các bức tường tuyến tính ngột ngạt và hướng đến một thế giới mở với rất nhiều thứ để tìm hiểu.

Các khu dân cư (bây giờ chính thức được gọi là ‘các thế giới’) có thể được tùy chỉnh, cho phép người chơi tạo nhà, lô cộng đồng và sim của họ. Chúng bao gồm các khu giải trí (chẳng hạn như công viên, phòng tập thể dục và rạp chiếu phim) và các khu công việc (tòa thị chính, bệnh viện, doanh nghiệp).

https://www.youtube.com/watch?v=BUvBs65vsKs

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất chính là những khu vực đều đã trở nên “liền mạch” để tất cả nhân vật tự do di chuyển qua lại, mà không xuất hiện bất kỳ màn hình loading nào ở giữa như các phần trước. Nhờ đó, Quá trình khám phá thị trấn của trò chơi thú vị hơn hẳn và cũng là lý do chính tại sao The Sims 3 lại được yêu thích nhất series.

Minecraft (Chế độ Creative)

  • Nền tảng: Windows, macOS, Linux, Android, iOS, Xbox 360, Raspberry Pi, Windows Phone, PlayStation 3, Fire OS, PlayStation 4, Xbox One, PlayStation Vita, Universal Windows Platform, Wii U, tvOS, Nintendo Switch, New Nintendo 3ds
  • Ngày phát hành: 18 tháng 11 năm 2011
  • Thời gian hoàn thành câu chuyện chính: Không có
  • Tính năng nổi bật: Chế độ Creative cho phép người chơi thỏa sức thể hiện trí tưởng tượng và tạo ra hầu hết mọi thứ mà họ có thể nghĩ ra.

10 tro choi the gioi mo khong combat minecraft Game Cuối

Đã 10 năm trôi qua kể từ khi Minecraft xuất hiện, nhưng trò chơi vẫn không ngừng phát triển mạnh mẽ nhờ những cải tiến và cập nhật chất lượng từ nhà sản xuất.

Nếu như trong chế độ Survival, người chơi phải căng thằng tìm cách đối phó với những kẻ thù đáng sợ luôn rình rập, thì ở chế độ Creative, những mối nguy hiểm này hoàn toàn biến mất.

Cùng với việc không có kẻ thù, chế độ Sáng tạo còn mang đến cho người chơi mọi vật phẩm và mảnh trang bị trong game. Điều này cho phép họ thực hiện nên những công trình và tác phẩm hoành tráng đáng nể, với hạn chế duy nhất là trí tưởng tượng của chính họ.

Rime

  • Nền tảng: PlayStation 4, Nintendo Switch, Microsoft Windows, Xbox One
  • Ngày phát hành: 26 tháng 5 năm 2017
  • Thời gian hoàn thành câu chuyện chính: 5,5 giờ
  • Tính năng nổi bật: Thiết kế khu vực đảo được làm rất tốt.

10 tro choi the gioi mo khong combat Rime Game Cuối

Trò chơi giải đố dưới góc nhìn ngôi thứ ba do Tequila Works sản xuất đã được phát hành trên tất cả các hệ máy lớn vào năm 2017. Đây là trò chơi thứ hai trong danh sách này đưa người chơi ghé thăm một hòn đảo bí ẩn.

Cốt truyện của Rime dõi theo một cậu bé dạt vào bờ biển và được một linh hồn giống cáo làm người dẫn đường để vượt qua các câu đố xuất hiện xuyên suốt 5 level lớn.

Người chơi có thể điều khiển cậu chạy, leo trèo, mang vác và đẩy hoặc kéo những đồ vật lớn cũng như yêu cầu cậu bé hét lên hoặc hát để kích hoạt một số sự kiện nhất định. Ví dụ như khiến cánh cửa mở ra trong một khoảng thời gian ngắn chẳng hạn.

Điều thú vị là các nhà phê bình tỏ ra khá bất đồng ý kiến khi đánh giá về game, với điểm số Metascores chênh lệch đáng kể giữa phiên bản Nintendo Switch (64) và Xbox One (82). Những lời khen ngợi chủ yếu xoay quanh phong cách nghệ thuật và âm nhạc đặc sắc, trong khi các bình luận chỉ trích liên quan đến các câu đố mờ nhạt, không để lại nhiều ấn tượng.

A Short Hike

  • Nền tảng: Nintendo Switch, PC – Windows, Linux, macOS, Macintosh
  • Ngày phát hành: 5 tháng 4 năm 2019
  • Thời gian hoàn thành câu chuyện chính: 1,5 giờ
  • Tính năng nổi bật: Cảm giác thư giãn mà trò chơi mang lại

10 tro choi the gioi mo khong combat A Short Hike Game Cuối

Với điểm Metascore ấn tượng 88 trên Nintendo Switch và được cộng đồng nhận xét cực kỳ tích cực trên Steam, A Short Hike của nhà thiết kế Adam Robinson-Yu là một trong những bất ngờ thú vị nhất năm 2019.

Nhiệm vụ chính của trò chơi yêu cầu người chơi thu thập những chiếc Lông Vũ Vàng (Golden Feathers) và leo lên đỉnh một ngọn núi trong khu công viên rộng lớn.

Bên cạnh đó, họ cũng có thể tham gia vào nhiều hoạt động phụ như câu cá, tìm đồ bị mất và chơi một mini-game tương tự bóng chuyền có tên Beachstickball.

Phần thưởng sẽ bao gồm các vật phẩm giúp cải thiện khả năng khám phá công viên của người chơi, chẳng hạn như giày chạy bộ hoặc la bàn. Người chơi cũng có thể thu thập vỏ, gậy, tiền xu và các vật phẩm khác để giúp hoàn thành các nhiệm vụ phụ.

Myst

  • Nền tảng: Mac OS, Saturn, PlayStation, 3DO, Microsoft Windows, Atari Jaguar CD, CD-i, AmigaOS, Pocket PC, PlayStation Portable, Nintendo DS, iOS, Nintendo 3DS, Android, Oculus Quest, Oculus Quest 2, Nintendo Switch
  • Ngày phát hành: 24 tháng 9 năm 1993
  • Thời gian hoàn thành câu chuyện chính: 6 giờ
  • Tính năng nổi bật: Cách thiết kế câu đố tinh tế của trò chơi vẫn mang lại cảm giác thú vị cho đến tận ngày nay.

10 tro choi the gioi mo khong combat Myst image1600w Game Cuối

Myst là một trong những trò chơi giải đố nổi tiếng và kinh điển nhất mọi thời đại. Game đưa người chơi lên một hòn đảo bí ẩn và yêu cầu họ phải vận dụng tư duy của riêng mình để khám phá thế giới, nhưng không hề cung cấp bất kỳ hướng dẫn hoặc trợ giúp nào xuyên suốt quá trình.

Trò chơi đặc biệt đáng chú ý vì sự đa dạng trong cách giải quyết câu đố. Thông thường, để hoàn thành Myst thì ngoài tính kiên trì nhẫn nại và óc quan sát tinh nhạy ra, người chơi cũng cần thêm một cuốn sổ ghi chép đầy đủ các bản đồ vẽ tay và ý tưởng giải đố.

Obduction

  • Nền tảng: Microsoft Windows, Oculus Rift, HTC Vive, macOS, PlayStation 4, PSVR, Xbox One
  • Ngày phát hành: 24 tháng 8 năm 2016
  • Thời gian hoàn thành câu chuyện chính: 12 giờ
  • Tính năng nổi bật: Gameplay Myst cổ điển trong bối cảnh hiện đại

10 tro choi the gioi mo khong combat Obduction Game Cuối

Obduction được phát hành vào năm 2016 bởi Cyan Worlds, nhà sản xuất đứng sau tựa game Myst nói trên. Trò chơi bắt đầu với việc nhân vật chính bị người ngoài hành tinh bắt cóc và đưa vào một thế giới giống như Myst, nơi họ phải giải các câu đố để tìm đường về nhà.

Người chơi sẽ có dịp khám phá môi trường của nhiều thế giới khác nhau, bao gồm sự kết hợp giữa cảnh quan ngoài hành tinh và bối cảnh quen thuộc của loài người, giải các câu đố và đưa ra quyết định có thể ảnh hưởng đến cách trò chơi kết thúc. Giới phê bình đã dành cho Obduction nhiều lời khen ngợi về bầu không khí của trò chơi cũng như bộ sưu tập câu đố được thiết kế tốt.

Eastshade

  • Nền tảng: PlayStation 4, PC – Windows, Linux, Macintosh, Xbox One
  • Ngày phát hành: 13 tháng 2 năm 2019
  • Thời gian hoàn thành câu chuyện chính: 9,5 giờ
  • Tính năng nổi bật: Phong cách chơi theo hướng họa sĩ sáng tạo

10 tro choi the gioi mo khong combat Eastshade Game Cuối

Eastshade là một trò chơi thế giới mở gây ấn tượng mạnh về mặt hình ảnh được phát triển bởi hãng Eastshade Studios. Tuy khởi đầu có hơi hồi hộp khi con thuyền của nhân vật chính gặp nạn, nhưng sau khi được một cư dân trên đảo cứu giúp, trò chơi sớm thiết lập nên nhịp độ êm ả hiền hòa hơn rất nhiều.

Bằng những bộ dụng cụ mang theo bên mình, người chơi sẽ đi khắp thế giới Eastshade để vẽ lại cảnh vật và môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, họ cũng có thể trò chuyện với cư dân để tìm hiểu thêm về cuộc sống nơi đây, kết bạn và giúp đỡ những người gặp khó khăn, thu thập vật liệu và sơ đồ để chế tạo công cụ vượt qua các chướng ngại vật, cũng như khám phá những bí ẩn về vùng đất.

The Witness

  • Nền tảng: PlayStation 4, Android, iOS, Microsoft Windows, macOS, Nvidia Shield TV, Classic Mac OS, Xbox One
  • Ngày phát hành: 26 tháng 1 năm 2016
  • Thời gian hoàn thành câu chuyện chính: 17,5 giờ
  • Tính năng nổi bật: Bối cảnh biển đảo xinh đẹp, câu đố đa dạng đầy thách thức

10 tro choi the gioi mo khong combat The Witness Game Cuối

The Witness từng nhận về rất nhiều sự kỳ vọng khi lần đầu tiên được công bố, chủ yếu là do nó được thiết kế bởi Jonathan Blow, người đã làm nên Braid nổi tiếng. Tựa game cũng thu hút sự chú ý bởi bối cảnh diễn ra trên một hòn đảo giống như Myst, nhưng với phong cách nghệ thuật hiện đại tuyệt đẹp.

Ý tưởng chính của trò chơi là khám phá một hòn đảo thế giới mở chứa đầy các cấu trúc tự nhiên lẫn nhân tạo. Người chơi tiến bộ bằng cách giải các câu đố, dựa trên sự tương tác với những chiếc bảng điện tử đặt xung quanh hòn đảo hoặc các con đường ẩn.

Tuy nhiên, The Witness không cung cấp hướng dẫn trực tiếp về cách giải quyết các câu đố này, mà đòi hỏi người chơi phải tự tìm ra hướng đi cho bản thân qua nhiều lần thử để nghiệm ra.

Theo gamerant

Theo dõi Google News của Game Cuối để cập nhật tin tức nhanh và mới nhất
Chia sẻ bài viết trên: