Như chúng tôi đã đưa tin, hãng Sony vừa quyết định loại bỏ Accolade khỏi PlayStation 5. Về cơ bản, tính năng này cho phép người dùng khen thưởng cho những ai có hành động đẹp khi trực tuyến, giúp thúc đẩy lòng tốt và tình bạn thân thiết trong cộng đồng. Thế nhưng, Sony đành ngừng hỗ trợ Accolade vì quá ít người sử dụng, hay còn không biết nó tồn tại.
Điều này dẫn đến một suy nghĩ: máy chơi game nào khác vẫn có những tính năng tương tự? Lấy ví dụ như Switch. Chắc chắn, thiết bị cầm tay lai console của Nintendo có rất nhiều thủ thuật nhỏ hữu ích mà thầm lặng, chẳng hạn như Zoom (phóng to) giúp quan sát những dòng text nhỏ. Thế nhưng, nó cũng có một số tính năng có thể bị thanh trừng mà không mấy ai quan tâm – hoặc thậm chí không nhận thấy.
Chức năng “Tìm bộ điều khiển”
Trong số hàng loạt tùy chọn trong menu “Bộ điều khiển” của Switch, chức năng “tìm bộ điều khiển” có lẽ là thứ ít ai đụng đến nhất. Khi bấm mở nó, bạn sẽ thấy một menu chứa danh sách các bộ Joy-Con được ghép nối với chiếc máy của bạn. Nhấn và giữ nút “A” trên chiếc Joy-Con mà bạn đang tìm kiếm, nó sẽ rung lên để báo hiệu.
Đúng như tên gọi, tính năng này nhằm giúp bạn tìm chiếc Joy-Con bị lạc ở đâu đó. Nhưng đôi khi độ rung quá nhỏ khiến người dùng khó nhận biết. Bên cạnh đó, nó còn cần phải được ghép nối sẵn và nằm trong tầm bắt sóng của máy Switch.
Ứng dụng “Tin tức”
Hầu hết 7 biểu tượng cố định trên màn hình chính của Switch là các phím tắt thực sự hữu ích cho các menu con. Tuy nhiên, một trong số đó chỉ được sử dụng bởi những ai vô tình nhấp vào: ứng dụng “Tin tức”.
Mở nó ra và bạn sẽ thấy nguồn cấp dữ liệu các thông cáo báo chí được số hóa của Nintendo theo trình tự đảo ngược thời gian. Bạn cũng có thể xem 3 “câu chuyện” gần đây nhất trên thanh bên trái của màn hình khi khởi động máy.
Trò chuyện thoại
Vâng, Switch có tính năng voice chat nhưng khá hỗn độn. Trên PlayStation và Xbox, nếu bạn muốn trò chuyện thoại thì chỉ cần cắm tai nghe vào máy và bắt đầu nói. Tuy nhiên, với Switch thì bạn phải trải qua một quy trình gồm nhiều bước, bao gồm khởi động một ứng dụng đồng hành trên smartphone.
Thực sự, nếu bạn cần dùng app dành cho điện thoại thông minh để nói chuyện với các thành viên trong nhóm, Discord luôn sẵn sàng. Nintendo có thể loại tính năng voice chat của mình mà chẳng mấy ai quan tâm.
Hỗ trợ bàn phím
Quá trình nhập mật khẩu để mua đồ tại cửa hàng eShop của Nintendo hơi khó khăn, do bàn phím trên màn hình cảm ứng khá nhỏ. Cách giải quyết cho vấn đề này là bạn có thể cắm bàn phím USB vào đế (dock) và sử dụng nó để nhập liệu. Dĩ nhiên, tính năng này không hoạt động ở chế độ cầm tay.
Thế nhưng, thời gian lấy bàn phím ra và cắm vào đế của Switch có thể mất nhiều thời gian hơn việc gõ sai password 1 hay 2 lần. Nếu bạn cần truy cập eShop nhanh hơn, chỉ cần hủy kích hoạt yêu cầu mật khẩu. Nintendo có thể ngừng hỗ trợ bàn phím mà không nhận về nhiều lời phản đối.
Khóa màn hình
Vâng, tính năng khóa màn hình của Switch có thể hữu ích ở một số tình huống nhất định. Bật nó lên, bạn sẽ cung cấp cho chiếc máy của mình một trạng thái lơ lửng giữa thức và ngủ. Sau đó, bạn sẽ cần nhấn 3 lần cùng một nút để sử dụng máy. Điều này có thể ngăn Switch vô tình bật khi, đang sột soạt trong túi đựng chẳng hạn.
Theo Kotaku