Mục Lục
- The Witcher 3: Wild Hunt – Quái vật bò khổng lồ
- Ark: Survival Evolved – Nhốt trong lồng gỗ
- GTA 5 – Bắt đội chiếc mũ ngớ ngẩn và khiến xe cộ phát nổ
- Max Payne 3 – Server dành riêng cho hacker
- Runescape – Phiên tòa xét xử
- Gears Of War 2 – Xóa sạch điểm tích lũy
- Slender: The Arrival – Chạy đâu cho thoát?
- Animal Crossing – Bị NPC giáo huấn
- Call of Duty: Warzone – Tịch thu súng
- Undertale – Hacker bẩn thỉu
- The Stanley Parable – Vào phòng sám hối
Gian lận từ lâu đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong thế giới trò chơi điện tử, đặc biệt khi nói đến các game trực tuyến. Bản chất cạnh tranh và cho phép người chơi ẩn danh sau Avatar ảo thường tạo cảm giác bớt đi phần nào “tội lỗi” khi thực hiện hành vi hack/cheat. Mặc dù vậy, tìm vui trong sự bất bình của cộng đồng chắc chắn là việc không tốt và hiển nhiên, các nhà phát triển cũng nghĩ như vậy.
Để hạn chế trình trạng gian lận, nhiều công ty đã thực hiện các biện pháp truy quét khắt khe và xử lý nghiêm ngặt những ai sử dụng hack/cheat trong các trận đấu trực tuyến. Ngay cả những kẻ phá bĩnh (troll) muốn phá hỏng trải nghiệm của người khác cũng không an toàn thoát khỏi “quả báo”.
Các hệ thống chống gian lận này rất đa dạng, nhưng hình phạt của chúng thường rất nghiêm và đôi khi cũng rất thú vị.
The Witcher 3: Wild Hunt – Quái vật bò khổng lồ
Vàng là thứ rất quý giá và khó tìm trong The Witcher 3. Trong khi hầu hết người chơi vui vẻ kiếm tiền bằng cách hoàn thành các nhiệm vụ, một số khác lại thích đi con đường dễ dàng hơn bằng cách lạm dụng lỗi.
Cụ thể, họ sẽ đi đến một trang trại, giết những con bò ở đó, để Geralt thiền định trong một giờ cho đến khi chúng hồi sinh, và sau đó giết chúng một lần nữa. Dĩ nhiên, nhà phát triển CD Projekt Red không đánh giá cao hành động này vì nó làm hỏng nhịp độ trò chơi.
Giải pháp của họ? Cho một con quái vật bò khổng lồ cấp cao tấn công người chơi sau khi họ giết một số lượng bò nhất định liên tiếp. Được gọi là Bovine Defence Force, loại quái này cực kỳ mạnh và thực tế còn được xếp vào hàng khó nhất game. Tuy nhiên, mang tính răn đe gian lận chẳng được bao lâu, BDF đã trở thành một mục tiêu để những người chơi cấp cao chinh phục. Có vẻ như nhà thiết kế đã đánh giá thấp khả năng “chịu thương chịu khó” của các game thủ thì phải.
Ark: Survival Evolved – Nhốt trong lồng gỗ
Ví dụ này không liên quan nhiều đến việc gian lận, mà nghiêng về hướng chọc phá (troll) hơn. Hành động này cũng đáng lên án không kém gì cheat/hack, bởi nó gây phiền toái và phá hỏng trải nghiệm của những người chơi khác. Troll có nhiều hình thức, nhưng trong Ark: Survival Evolved thì điều tồi tệ nhất mà ai đó có thể làm là lợi dụng người khác sơ hở để cướp đồ và phá hủy trại của họ.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà phát triển không chỉ tạo ra giải pháp mà còn tận tình giải thích cách thực hiện nó trong phần “Câu hỏi thường gặp”. Với những nguồn tài nguyên tối thiểu, người chơi có thể xây dựng một phòng giam bằng gỗ và nhốt những con troll bên trong nó.
Ark không cho phép người chơi tự sát và hồi sinh. Vì vậy, miễn là tù nhân được cho ăn, họ có thể bị giam trong phòng giam đó vô thời hạn. Vài giờ bị nhốt trong phòng giam nhỏ sẽ khiến những kẻ phá bĩnh có thời gian suy nghĩ lại về hành động của họ.
GTA 5 – Bắt đội chiếc mũ ngớ ngẩn và khiến xe cộ phát nổ
Việc dùng cheat code đã trở thành một phần không thể thiếu trong chế độ chơi đơn của tất cả các phiên bản Grand Theft Auto. Tuy nhiên, khi những trò gian lận đó tràn vào chế độ trực tuyến, Rockstar đã có một lập trường kiên quyết nhằm chống lại nó.
Những ai bị bắt gặp giết nhiều lần cùng một người chơi hoặc bỏ ngang nhiệm vụ nhóm sẽ tự động được trang bị một chiếc mũ gnome màu trắng có dòng chữ “Dunce” (tạm dịch: Tên ngốc). Chiếc mũ không thể tháo ra này sẽ cảnh báo người chơi khác về những hành vi không đẹp của họ.
Trong khi đó, người chơi lạm dụng lỗi cho phép họ vận chuyển ô tô từ file lưu phần chơi đơn vào chế độ trực tuyến sẽ chứng kiến việc những chiếc ô tô đó phát nổ ngay khi nhân vật bước vào bên trong. Rockstar chắc hẳn đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ Max Payne 3, và đảm bảo rằng những kẻ gian lận trực tuyến trong GTA 5 sẽ bị phát hiện và trừng phạt vì hành động xấu.
Max Payne 3 – Server dành riêng cho hacker
Bên cạnh phần chơi đơn theo cốt truyện, Max Payne 3 còn có chế độ multiplayer nơi người chơi cạnh tranh với nhau. Thành công bất ngờ ở thời điểm đó, chế độ này thu hút nhiều người chơi và dĩ nhiên kèm theo những kẻ gian lận. Các ván đấu bị sửa đổi và aimbot đều vô cùng phổ biến khi tìm trận.
Rockstar đã giải quyết vấn đề này bằng một giải pháp vừa loại bỏ bớt hack/cheat khỏi trò chơi, vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh của công ty. Cụ thể, khi một người chơi bị phát hiện gian lận thì thay vì bị cấm, họ sẽ được đưa đến một cụm server thay thế dành riêng cho cheater. Ở đó, những đối tượng này sẽ có dịp nếm trải cảm giác chạm trán với hack/cheat và khiến họ tự nguyện rời khỏi cuộc chơi.
Runescape – Phiên tòa xét xử
Runescape là một tựa game đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và công sức để đạt được tiến bộ. Việc farm các vật phẩm cơ bản để chế tạo hoặc đổi lấy thiết bị tốt hơn là một phần thiết yếu của trò chơi và nó thường tiêu tốn không ít thời gian. Do đó, người chơi mới chọn cách tạo bot làm việc thay và để trò chơi tự chạy trên PC.
Một giải pháp cho vấn đề này đã được đưa ra: những người chơi bị phát hiện dùng bot sẽ tự động được đưa đến một nơi có tên “Vịnh Botany”. Ở đó, họ sẽ trải qua phiên xét xử và tự động bị kết tội bởi Tướng truy lùng Bot (Botfinder General). Sau đó, những game thủ trung thực hơn trong server có thể bỏ phiếu về một hình phạt thích hợp – ví dụ như thổi bay họ bằng một tia sáng thần thánh chẳng hạn.
Gears Of War 2 – Xóa sạch điểm tích lũy
Ở thế hệ Xbox 360, dòng Gears of War từng cực kỳ nổi tiếng và là một trong số ít loạt game có thể sánh ngang với thành công của Halo. Đặc biệt với phiên bản Gears of War 2 đạt doanh số 5 triệu bản toàn thế giới, số lượng người chơi nhanh chóng tăng vọt đã kéo theo những đối tượng tìm cách gian lận không lâu sau đó.
Cụ thể, họ đã lợi dụng một lỗi cho phép dễ dàng mở khóa các thành tích trực tuyến, mang lại lợi thế không công bằng trong các trận đấu PvP. Hình phạt của Microsoft rất nhanh chóng và nghiêm khắc: bất kỳ người chơi nào bị phát hiện gian lận không chỉ bị reset điểm Gears of War mà còn cả điểm Xbox Gamerscore. Công ty hoàn toàn không khoan nhượng trong trường hợp này.
Slender: The Arrival – Chạy đâu cho thoát?
Viêc gian lận trong một trò chơi kinh dị như Slender: The Arrival sẽ lập tức phá hỏng bầu không khí căng thẳng và đáng sợ của game. Tuy vậy, một số người chơi đã phát hiện ra một tòa nhà mà họ có thể leo lên trên đó để nhảy qua biên giới bản đồ và bỏ qua một đoạn lớn của trò chơi.
Tuy nhiên, các nhà phát triển đã có sẵn một giải pháp cho lỗi này trước khi trò chơi được phát hành đầy đủ. Nếu người chơi nhảy ra ngoài bản đồ thì thay vì hạ cánh, họ sẽ ngã xuống và chết ngay lập tức. Không chỉ vậy, họ còn được chào đón bởi hình ảnh Slenderman và dòng chữ “Ngay cả lỗi trong trò chơi này cũng không thể cứu ngươi thoát khỏi ta”, kèm theo một âm thanh kỳ quái trước khi hồi sinh người chơi.
Animal Crossing – Bị NPC giáo huấn
Các trò chơi Animal Crossing luôn đòi hỏi nhiều thời gian, bởi chúng không cung cấp những hướng phát triển chóng vánh mà diễn tiến chậm rãi theo phương pháp nhất định. Tuy nhiên, một số người không thích khía cạnh đó và sử dụng “mẹo” hoàn tác các lựa chọn mà họ đã thực hiện, bằng cách thoát khỏi game trước khi nó tự động lưu.
Mặc dù vậy, nhà phát triển cũng đã tính sẵn. Khi quay trở lại, người chơi sẽ tìm thấy một con chuột chũi tên là Resetti bên ngoài nhà của họ. Sau đó, nó sẽ liên tục thuyết giảng cho người chơi về sự không công bằng của việc reset game. Nếu càng reset thường xuyên thì các bài giảng của Resetti sẽ ngày càng dài hơn. Trong phiên bản Wild World, nó thậm chí còn buộc người chơi phải viết lời xin lỗi. Rốt cuộc, việc gian lận để giúp tiết kiệm thời gian lại nên vô ích với sự hiện diện của Resetti.
Call of Duty: Warzone – Tịch thu súng
Call of Duty vốn là dòng game vô cùng nổi tiếng, nên tình trạng hack/cheat của nó cũng rất phổ biến. Từ khả năng bách phát bách trúng, bất tử hay bay xuyên địa hình đều có thể dễ dàng tìm được trong các trò chơi.
Vì vậy, ở phiên bản Warzone, nhà xuất bản Activision đã sử dụng hệ thống Ricochet tiên tiến đi kèm những hình thức trừng trị thú vị. Ví dụ như Disarm (tạm dịch: tịch thu vũ khí) sẽ khiến những ai bị phát hiện gian lận mất tất cả súng ống ngay giữa trận đấu; hay “cloak” (tàng hình), khiến đối thủ của kẻ gian lận biến mất; và damage shield (lá chắn sát thương), bao bọc người chơi trung thực trong một lớp giáp, khiến những viên đạn từ kẻ gian lận không gây ra bất kỳ sát thương nào.
Undertale – Hacker bẩn thỉu
Nếu bạn muốn được gọi bằng biệt danh “hacker bẩn thỉu” trong trò chơi điện tử, tất cả những gì bạn cần làm là chơi Undertale. Nhà thiết kế Toby Fox thực sự đã dự đoán về mọi kết quả có thể xảy ra, bao gồm cả việc người chơi hack và gian lận trong game.
Nếu ngoan cố hack trò chơi thì ở đoạn kết Sans the Skeleton sẽ gọi điện chúc mừng bạn, nhưng cũng không quên đặt câu hỏi làm thế nào mà bạn đến được đây. Sau đó, Sans sẽ ngừng vòng vo và gọi thẳng bạn là một “dirty hacker”.
The Stanley Parable – Vào phòng sám hối
Với bản chất châm biếm vốn có, The Stanley Parable (Dụ ngôn Stanley) dĩ nhiên đã chuẩn bị đề phòng cẩn thận trước những kẻ gian lận. Nếu quen thói mở bảng console và gõ “sv_cheats1” như trong Half-life 2, bạn sẽ được đưa đến The Serious Room – nơi chỉ đơn giản là căn phòng nhỏ với một cái bàn.
Ở đây, người dẫn chuyện sẽ giảng một tràng dài về những tác hại mà việc gian lận có thể gây ra cho trò chơi. Sau đó, nhân vật bị mắc kẹt trong căn phòng và khiến bạn buộc phải thoát khỏi trò chơi hoàn toàn hoặc bắt đầu lại từ đầu. Dù bằng cách nào đi nữa, The Stanley Parable cũng hoàn toàn không hoan nghênh việc hack/cheat.
Theo Gamerant