Góc nhìn về VTC và Steam của một Youtuber game “offline” khi có mặt tại triển lãm game 2024

Người đăng: Ngày đăng: 16/05/2024 Cộng Đồng
Một bài viết cho thấy một góc nhìn toàn cảnh hơn giữa cộng đồng game thủ “offline” và game thủ game online. Đặc biệt về câu chuyện VTC và Steam.

Mặc dù sự kiện  Triển lãm Game 2024  đã kết thúc, tuy nhiên đây dường như là một sự kiện dành riêng cho khách hàng là game thủ của các NPH game trong nước, chủ yếu là các game online, mobile. Bài viết dưới đây được Hoàng Phong, founder của Phá Đảo, một youtuber có hiểu biết và có học vị cao ở nước ngoài về sự kiện này. Game Cuối xin trích nguyên văn bài viết của Hoàng Phong:

STEAM, VTC, GAMING EXPO ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM VÀ MỘT THỊ TRƯỜNG GAME “NO NAME”
Tuần qua, cộng đồng game thủ Việt Nam dậy sóng khi Steam – nền tảng phân phối game số lớn nhất thế giới – gặp sự cố không thể truy cập. Tin đồn lan truyền rằng VTC, một nhà phát hành game nổi tiếng trong nước, có dính dáng đến sự cố này, khiến nhiều game thủ đổ dồn sự chỉ trích vào họ. Dù chưa có bằng chứng xác thực, việc này đã trở thành tâm điểm bàn tán và phẫn nộ trong cộng đồng. Điều này khiến không ít người đặt câu hỏi về tính cạnh tranh và những động thái mờ ám trong ngành công nghiệp game Việt Nam. Sự cố này diễn ra đúng vào thời điểm gaming expo Vietnam Gameverse – sự kiện triển lãm game đúng nghĩa đầu tiên của Việt Nam – lần thứ hai được tổ chức.
Tôi đã tự mình đến trải nghiệm expo này và thấy được một hình ảnh thu nhỏ của ngành công nghiệp game nước nhà, với những tựa game từ các nhà phát hành nội địa, trong đó có cả VTC. Dù sự kiện nhằm mục đích tôn vinh và thúc đẩy sự phát triển của ngành game Việt, những chỉ trích về “game rác” từ những con người online bức xúc vẫn còn đó và lảng vảng trong đầu tôi khi tôi có mặt tại đó. Chính vì thế hóa ra mọi thứ có vẻ dường như không ăn nhập với nhau nhưng vô hình vẫn tạo ra một sự liên quan không hề nhỏ, và khi cần nhìn lại, ta thấy dù nó có hợp lý hay không thì đây vẫn là những gì xảy ra với thị trường game này…
Trên các mạng xã hội, nhiều game thủ không ngần ngại chỉ trích VTC với những lời lẽ nặng nề, thậm chí miệt thị, cho rằng nhà phát hành này chỉ phát hành những tựa game “rẻ tiền”, “không có người chơi” và không đáng để chơi trong thời đại hiện nay. Đặc biệt, những tựa game này thường bị gắn mác “game Trung Quốc”, “no name”, khiến người chơi cảm thấy chất lượng và giá trị của chúng không thể so sánh với việc lên Steam và có vô vàn lựa chọn tốt hơn.
Dù Steam đã góp phần thay đổi thói quen chơi game của người Việt, với việc mua game bản quyền trở nên phổ biến hơn trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhưng thực tình chúng ta vẫn không thể biết được con số chính xác những người có thói quen mua game bản quyền chiếm tỉ trọng bao nhiêu trong cộng đồng game thủ, và có chăng có khi con số nếu tìm được hẳn sẽ thấp hơn mức chúng ta kỳ vọng chăng…
Chính vì thế nhìn vào những chỉ trích của những game thủ tấn công VTC, có thực sự là VTC chỉ phát hành những tựa game không ai quan tâm. Rõ ràng không có một nhà phát hành nào lại đi phát hành những tựa game không ai chơi, mục tiêu tối thượng vẫn là để kinh doanh. Vậy thì chắc hẳn những tựa game”no name” đó sinh ra là cho một số nhóm đối tượng mà chúng ta không hề biết đến sự tồn tại, và có khi tôi phải tận mắt có mặt tại nhà thi đấu Phú Thọ cuối tuần qua… Tôi nhận ra những con người đó, những con người chơi game “no name” đang vui vẻ, cười đùa và háo hức đứng trước những quầy gian hàng game của những nhà phát hành game nội địa…
Bản thân tôi chưa bao giờ chơi những tựa game xuất hiện ở triển lãm expo đó và cũng không bao giờ có ý định sẽ chơi chúng, thế nhưng khi nhìn những game thủ ngoài kia đang vui vẻ và bàn tán, nhộn nhịp giữa các gian hàng, tôi tin rằng họ quan trọng hơn bản thân tôi, khi họ đã tìm thấy một nơi thực sự thuộc về họ, và trên hết là có nơi chính thức để nói về những tựa game họ chơi.
Việc bản thân mình có mặt ở đó làm tôi nhận ra mọi thứ đang phản ánh sự phát triển, những thách thức và mâu thuẫn trong việc đáp ứng nhu cầu của cộng đồng game thủ. Và có vẻ như những tấn công bằng mồm ảo lên VTC hôm nào dường như chỉ là rất nhỏ và chìm dần vào quên lãng, để rồi thị trường game ở Việt Nam sẽ vẫn tiến tục đi theo con đường mà nó đã hướng, dù tốt hay xấu…
Nói để thấy, có lẽ những game thủ, những tựa game và những phát hành nội địa ở gaming expo đó cho thấy họ mới chính là nhân vật chính của cả thị trường lẫn nền công nghiệp gaming ở Việt Nam chứ không phải những game thủ đam mê game “offline” say mê “Steam”, “PlayStation” hay “Xbox” hay bất cứ thứ gì tạo cảm giác “thượng đẳng”…
Bởi nếu như chúng ta nghĩ rằng chúng ta quan trọng và xứng đáng có được hơn thế, thì gaming expo ở nhà thi đấu Phú Thọ hôm đó có lẽ sẽ phải giống như một E3, Tokyo Game Show, Gamescom chứ không phải ChinaJoy…
Và rồi, những giây phút cuối cùng của expo là lễ giải thưởng game Việt Nam, tôi nhìn thấy giải thưởng cuối cùng của nó là “Nhà Phát Hành Game của năm”. Điều đó làm tôi bật cười, nhưng lại vô cùng hợp lý. Nó hợp lý trong một bối cảnh vô lý một cách nghiệt ngã, và điều đó phản ánh những gì mà thị trường game Việt Nam đang tồn tại.
Sẽ không có một Oscar hay TGA nào, hay vô vàn các lễ trao giải nước ngoài lại chọn giải thưởng nhà phát hành phim hay nhà phát hành game là giải thưởng cuối cùng, giải thưởng quan trọng nhất của lễ trao giải và cũng có khi là chẳng có giải thưởng nào như thế tồn tại trên đời. Và rồi khi giải thưởng “Game của năm” của Vietnam Gameverse đến rồi đi một cách chóng vánh để giải thưởng cuối cùng “Nhà Phát hành của năm” với màn ánh sáng, âm nhạc, hiệu ứng tưng bừng, ta mới thấy ai là kẻ quan trọng nhất ở đây. Đó chính là những người về lý thuyết sẽ là nắm quyền quyết định sự phát triển của nền công nghiệp game đầy non trẻ và tranh cãi này…
Tôi bước ra khỏi expo với nhiều suy nghĩ, tôi sẽ không phải game thủ – khách hàng của những tựa game mà VTC hay VNG Games hay những nhà phát hành nội địa này. Để rồi những game thủ vui vẻ, háo hức cũng những khoảng khắc kỷ niệm đẹp đẽ ở expo đó, họ được công nhận và có hẳn một triễn lãm game dành cho chính họ.
Vietnam Gameverse là gaming expo đầu tiên và đúng nghĩa ở Việt Nam, nhưng nó còn hơn thế nữa. Trong vòng nửa thập kỷ này, Việt Nam đã tin rằng việc có những hội chợ triển lãm game như này sẽ giúp nền công nghiệp của nó trở nên phát triển. Nhưng ngày nay, những triển lãm kiểu Vietnam Gameverse là cách nền công nghiệp game có thể đi theo kịch bản không tưởng và cách những tham vọng đó có thể đối lập với những con đường phát triển khác như Steam, PC Game Pass, vv.
Hai nhà phát hành game thuộc hàng nổi tiếng nhất thế giới là Bandai Namco và SEGA đã bắt đầu xuất hiện ở những triển lãm game ở các nước láng giềng Việt Nam thuộc Đông Nam Á như Thailand Game Show (Thái Lan), Electronic Sports and Gaming Summit (Philipines), Indonesia Comic Con (Indonesia) và Comic Fiesta (Malaysia). Và rồi… hàng chục nghìn người vui vẻ khi thấy tựa game và cộng đồng của mình ở Vietnam Gameverse. Nhưng sau khi bữa tiệc kết thúc, và những cái tên đã xướng lên. Thì Vietnam Gameverse sẽ vẫn là lời nhắc nhở rằng đây vẫn tiếp tục là sân chơi riêng của hàng nội địa, và viễn cảnh như Bandai Namco, hay SEGA hay bất kỳ nhà phát hành mang danh “Offline” có mặt sẽ vẫn là tương lai xa vời. Nhất là khi Vietname Gameverse nói rằng bản thân nó muốn tương lai sẽ thành China Joy, G-Star chứ không phải E3, Tokyo Game Show hay Gamescom.
436330789 1402049410511913 5591017234203912560 n 1 Game Cuối
 Ảnh: Hoàng Phong 



P/s: Ảnh chụp một gian hàng của VTC Game tại Vietnam Gameverse, nơi rất đông người đến tham gia.

 

Theo dõi Google News của Game Cuối để cập nhật tin tức nhanh và mới nhất
Chia sẻ bài viết trên:
Xem thêm: Steam VTC