Ưu điểm mạnh nhất của Nintendo Switch nằm ở khả năng chuyển đổi linh hoạt giữa việc chơi một trò chơi trực tiếp trên tay và trải nghiệm nó trên màn hình lớn chỉ trong vài giây. Tuy nhiên, nếu bạn gặp phải tình trạng tối đen màn hình (Blackouts) khi ghép nối với TV thì sao? Bài viết này sẽ cung cấp cách khắc phục điều đó.
Trên diễn đàn Reddit, tài khoản Ramen-Noodle-Bear chia sẻ đã gặp sự cố Blackouts. Không hiểu lý do tại sao chiếc Switch OLED của họ thỉnh thoảng lại hiển thị màn hình đen từ 4 đến 5 giây mỗi khi cắm vào TV OLED LG C9.
Trong những lần đen màn hình này, không có âm thanh nào phát ra. Thế nhưng màn hình cầm tay của Switch cũng không hoạt động. Lạ lùng thay, chiếc máy vẫn nhận dạng được rằng nó đã gắn vào đế. Ngoài ra, Joy-Cons vẫn hoạt động trong thời gian hình ảnh bị gián đoạn, cho thấy hệ thống vẫn hoạt động xuyên suốt.
Vốn là một kỹ thuật viên thiết bị y sinh, Ramen-Noodle-Bear quyết định tận dụng kiến thức sẵn có để khắc phục sự cố. Họ đã cập nhật đầy đủ phần sụn (firmware) cho cả TV và Switch; đảm bảo rằng TV đang mở chứ không tắt, chuyển đổi đầu vào (input), hoặc điều chỉnh cài đặt HDR. Ramen-Noodle-Bear cam đoan rằng đã thử hết những cách thức chia sẻ trên mạng hòng tìm kiếm giải pháp.
Cách khắc phục thứ nhất: Dùng cáp HDMI 1.4
May mắn thay, Ramen-Noodle-Bear cuối cùng đã tìm ra cách “cứu rỗi” những ai đang gặp phải sự cố tối đen màn hình của Switch. Rất đơn giản, bạn chỉ cần chuyển sang dùng cáp HDMI 1.4.
Bạn biết đấy, Nintendo đã tặng kèm cáp HDMI 2.0 với Switch OLED cho phù hợp với cổng xuất hình đầu ra, vốn cũng đã được nâng cấp lên tiêu chuẩn mới. Switch dường như có thể xử lý cả HDMI 1.4 và HDMI 2.0, nên bạn sẽ không thấy sự khác biệt về lối chơi hoặc hiệu suất khi sử dụng cái này so với cái kia.
Tuy nhiên, vì một số lý do, tiêu chuẩn mới hơn có thể dẫn đến trục trặc về đầu ra video, đặc biệt là với chiếc TV LG cụ thể này. Rất khó để nói tại sao HDMI 2.0 có thể gây ra sự cố trong khi HDMI 1.4 thì không. Phải chăng là do sự không tương thích nhẹ giữa TV LG C9 và đầu ra HDMI 2.0 của Switch?
Ramen-Noodle-Bear phỏng đoán rằng vấn đề có thể nằm ở đầu ra dữ liệu tối đa của 2.0 tăng lên 18 gbps so với 10,2 gbps của 1.4, mặc dù những mức tối đa lý thuyết đó không có tác động bổ sung đến trò chơi hoặc hiệu suất. Đáng nói, HDMI 2.0 vốn không phải công nghệ gì mới mẻ, bởi nó đã xuất hiện từ năm 2015. Vì vậy, việc không tương thích với một chiếc TV hiện đại là điều khá kỳ lạ.
May thay, dù nguyên nhân là gì thì việc hoán đổi cáp vẫn là một giải pháp hữu ích và rẻ tiền. Bạn có thể tìm thấy nhiều tùy chọn cáp trên các ứng dụng bán hàng trực tuyến, với giá chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Cách khắc phục thứ hai: Thay đổi thiết lập RGB của TV
Bên cạnh đó, một số Redditor cũng báo cáo hiện tượng tắt màn hình khi sử dụng thiết bị khác và đã tìm ra cách giải quyết vấn đề. Cụ thể, những game thủ này đang sử dụng chiếc Switch gốc, thay vì phiên bản OLED và gặp phải sự cố khi gắn với TV Samsung.
Cách khắc phục? Chỉ cần thay đổi thiết lập cài đặt RGB của TV thành “Limited Spectrum” (tạm dịch: Quang phổ giới hạn). Nếu bạn cũng vướng phải vấn đề này khi sử dụng các thiết bị tương tự, hãy thử làm như trên trước khi mua cáp mới.
Thực chất, việc phát sinh những vấn đề A / V này không phải điều gì lạ lẫm. Bởi khi kết nối các thiết bị từ hai công ty khác nhau, tình trạng không tương thích đôi lúc sẽ xảy ra. Có lẽ Nintendo nên cân nhắc tự sản xuất TV của riêng mình để cải tiến hệ sinh thái.
Theo Lifehacker