Trailer chính thức của Star Ocean Till the End of Time
Nhắc tới cái tên Square Enix trong ngành công nghiệp game ta thường liên tưởng ngay đến series Final Fantasy đã và đang thu hút đông đảo fan hâm mộ. Có lẽ đây là một trong số ít những game hay có mặt trên thị trường lại làm hài lòng cả phái nữ, vốn chỉ thích những game nhẹ nhàng, tình cảm, lẫn các gamer “đầu đinh” hiếu động vốn say mê các game hành động, chiến thuật hơn.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Square Enix chỉ chú trọng phát triển riêng một thương hiệu Final Fantasy cho mình, bằng chứng là các tựa game nổi tiếng khác như Chrono Cross, Chrono Trigger, Parasite Eve I&II, Sword of Mana… đều được khai sinh dưới bàn tay điêu luyện, thành thạo của đội ngũ nhân viên đầy sáng tạo và tài năng của hãng.
Nếu bạn là fan khá lâu đời của dòng game nhập vai từ thời Super Nintendo, lúc Square còn sống khá hòa thuận với Nintendo cho đến khi cả hai đều nghỉ chơi vì series Final Fantasy ăn khách bị chuyển thành độc quyền cho hệ Playstation của ông trùm Sony, thì có lẽ cái tên Star Ocean không còn lạ lẫm nữa.
Nếu không, bạn cũng đừng lo lắng vì mỗi phần của Star Ocean là một câu chuyện độc lập không liên quan mật thiết với nhau. Phiên bản Star Ocean: Till the End of Time phát hành cho hệ Playstation 2 cũng không nằm ngoài quy luật trên.
Bạn đừng lầm tưởng rằng Star Ocean sao chép y chang những gì độc đáo, thâm thúy nhất mà Final Fantasy đã làm được; Square đặc biệt tối kị kiểu “ăn theo’ tạm bợ, thiếu sáng tạo. Star Ocean khoác trên mình tấm áo mới, từ gameplay, đồ họa cho đến âm nhạc, vẫn sâu sắc ấn tượng nhưng với phong cách hoàn toàn Star Ocean.
Điều đầu tiên khiến tôi khá hứng thú và bât ngờ là cách mở đầu rất dí dỏm và ngộ nghĩnh của Star Ocean. Trong một chuyến nghỉ mát, nhân vật chính của chúng ta anh chàng Fayt Leingod gặp lại người bạn thời thơ ấu của mình, cô nàng Sophia, tại một khách sạn sang trọng. Chuyện bất ngờ xảy ra khi mọi người cư trú trong khách sạn được lệnh phải di tản khẩn cấp.
Trong lúc lộn xộn, cả Fayt và Sophia đều bị lạc mất cha mẹ của mình. Cả hai kịp thời tẩu thoát trên một con tàu cứu nạn, nhưng trớ trêu thay con tàu đó bị tấn công dữ dội nên bị đắm. Fayt và Sophia, gặp lại nhau chưa được bao lâu đã phải chia tay. Fayt trôi dạt vào một hòn đảo chứa đựng những bí mật lạ lùng đang chờ anh khám phá.
Một trong những cách tân mà Star Ocean làm được chính là đổi mới hoàn toàn hệ thống gameplay. Những trận đánh ngẫu nhiên trên đường đi, từng làm bạn phải bực mình mỗi khi thực hiện nhiệm vụ (quest), đã được dẹp sang một bên.
Giờ đây, bạn có thể tùy thích chọn lựa đánh hay không đánh. Dù vậy, bạn cũng nên lưu ý là lũ quái vật khi đánh hơi thấy mùi chiến thắng sẽ tự động tìm bạn và ngược lại, vì vậy nên cẩn thận mỗi khi đi ngang chúng. Cách đánh theo lượt quen thuộc giờ đây được thay bằng cách đánh real-time (thời gian thực) nhanh gọn và thực hơn.
Điều này có nghĩa bạn phải nhanh chóng phán đoán tình huống và lựa chọn đối sách thích hợp cho từng đối thủ, bởi sẽ có rất ít thời gian để bạn suy ngẫm, so với việc ung dung lựa chọn cách đối phó từng nhân vật mỗi khi đến lượt như trước đây.
Mỗi trận đánh sẽ diễn ra với tối đa là ba thành viên trong nhóm của bạn cùng với đối thủ máy, bạn có thể dễ dàng chuyển đổi các nhân vật của mình bằng phím R1 và L1. Trong khi bạn bận rộn điều khiển một nhân vật trong nhóm, thì hai nhân vật còn lại sẽ do máy hoàn toàn kiểm soát.
Tất nhiên bạn có thể điều chỉnh AI cho hai nhân vật của mình để đạt hiệu quả cao nhất bằng cách xác lập AI cung cấp như hỗ trợ, tấn công bằng vật lý, phép thuật…Về điểm này thì tôi khá hài lòng vì máy làm việc khá hiệu quả. Nhân vật do tôi điều khiển vài lần suýt bỏ cuộc chơi nếu không có phép hồi phục “HP” được tung ra kịp thời hay nhờ phép “Fire Ball” dội trúng tên trùm đang sắp giải quyết nốt lượng HP khiêm tốn sót lại…
Tất cả đều nhờ vào sự trợ giúp của các thành viên bình thường được máy điều khiển nhưng nhờ thiết lập hợp lý nên đã trở nên rất hữu dụng. Chỉ tiếc Star Ocean xác lập trận địa hơi nhỏ, điều này có thể làm bạn bị rối mắt khi ta và địch “choảng nhau loạn xạ” ở những cự ly gần – màn hình đầy những số và số, thay vì những chiêu thức đẹp mắt.
Để thêm phần hào hứng, Square còn bổ sung nhiều quest phụ và các món đồ “biếu thêm” (unlocked) cho bạn tha hồ tìm kiếm ngay trong những trận đấu mà bạn tham gia. Các yêu cầu này khá đa dạng, từ việc hoàn thành trận đấu trong thời gian giới hạn, đến mức khó hơn là chỉ được phép sử dụng các chiêu tấn công yếu, hoặc phải đạt được hơn mười “hit combo” khi đối đầu với những tên trùm thuộc loại khó nuốt nhất.
Vượt qua những thử thách trên, bạn có thể khoe cùng bạn bè những bộ đồ “độc” của mỗi nhân vật, những kĩ năng mới về phép thuật, sức tấn công, sự cải thiện về AI…đến những món đồ hiếm giúp chế tạo các loại vũ khí, giáp… mà chỉ có người tham gia cuộc chơi mới có thể khám phá.
Cũng như nhiều trò chơi nhập vai ăn khách khác, Star Ocean có một hệ thống phép thuật tuyệt vời và đồ sộ. Từ phép thuật trạng thái như slow, poison, haste…đến các phép thuật yếu tố như lửa, sấm sét…được thể hiện sống động và đầy màu sắc. Đặc biệt, bạn có thể chiêm ngưỡng sự lộng lẫy của chúng khi các nhân vật thi triển cùng một lúc, điều mà dòng game nhập vai theo lượt không thể làm được.
Combo trong game cực kỳ mãn nhãn và đã tay
Trong game bạn sẽ gặp một khái niệm mới có tên là Fury, Fury được tính dựa trên hệ số tấn công, chống đỡ bằng vật lí thông thường hoặc các phép thuật mạnh mẽ. Khi lượng MP và HP của nhân vật cùng rơi nhanh xuống mức zero, Fury sẽ tăng lên một cách nhanh chóng, lúc này nhân vật của bạn sẽ nổi giận thật sự, họ có thể tấn công và phản đòn mạnh mẽ, nhanh nhẹn hơn bình thường (khá giống các Limit Break được sử dụng trong Final Fantasy).
Nếu trước đây các game nhập vai thường bỏ sót hoặc ít chú thích cặn kẽ cho người chơi về sự xuất hiện của các chủng tộc trong game, thì với Star Ocean bạn sẽ không còn phải băn khoăn đặt các câu hỏi này hay cất công lên các website chính thức của trò chơi để tìm hiểu.
Trong phần menu của game có sẵn cuốn từ điển bách khoa, giới thiệu tường tận đặc điểm của những người hay nơi chốn mà bạn đã từng gặp và đặt chân đến.
Như thường lệ, game cho bạn lựa chọn chơi lại những phần đã hoàn tất (save game). Những điều khiến người chơi nản lòng như không được lựa chọn cấp độ chơi khó hơn, bỏ qua đoạn phim không cần thiết đã được Square khắc phục, bạn sẽ không bị bắt xem những đoạn phim dài, có cơ hội thử thách mình trong ba cấp độ khó khác nhau cùng với vô số bí mật mới
Trong Star Ocean, Square tạo hình nhân vật bằng nét vẽ sinh động, đầy máu sắc và rất có hồn chứ không đơn thuần là những hình vẽ đẹp nhưng vô cảm như Final Fantasy. Bạn có thể cảm nhận các trạng thái phức tạp của từng nhân vật qua đôi mắt to tròn long lanh (phong cách vốn có của anime).
Bạn sẽ không thể nhầm lẫn các nhân vật bởi trang phục của họ được thiết kế rất “xì tin”, phù hợp với tính cách, cá tính của từng người. Các nhân vật được lồng ghép khéo léo vào khung cảnh hữu tình của một làng chài ven biển, trong không khí trong lành của một thành thị, ở những vùng núi âm u hoang vắng, hoặc một không gian hồi hộp căng thẳng, trong các tháp canh tăm tối…
Các đoạn cắt cảnh (cut-scene) đều được xây dựng trên engine đồ họa thiết kế riêng cho game. Chỉ có một điều duy nhất làm tôi không hài lòng là các đoạn hội thoại khá lê thê, đôi khi không cần thiết (Square hình như mắc “tật” này hơi nhiều), và bạn chỉ có thể nhấn X đều đều mà không có cách nào qua nhanh hơn (trừ phi bạn đã hoàn tất game một lần và tiếp tục chơi lại).
Cũng như đồ họa, phần âm thanh trong game không có gì để bạn phàn nàn, vì từ nhân vật chính đến các vai phụ (NPC) đều được lồng tiếng khá chuẩn, đan xen là phần nhạc nền du dương được đầu tư khá kĩ lưỡng, được hỗ trợ chuẩn âm thanh Dolby Pro-Logic II.
Việc du lịch đến những hòn đảo xanh tươi sau một ngày làm việc mệt nhọc là điều bạn mong chờ, thì “lạc vào” thế giới của Star Ocean là điều không nên bỏ qua. Nhất là khi bạn muốn chuyến du lịch kéo dài hơn thường lệ với rất nhiều tình tiết thú vị, độc đáo chờ đón. Hãy bật máy và ta lên đường thôi!