Among Us, một trong những trò chơi điện tử phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, hầu như không có người chơi cách đây vài tháng.
Among Us là một trò chơi theo nhóm ra mắt vào tháng 6 năm 2018 và hiện đã cán mốc hơn 100 triệu lượt tải xuống, theo lới nhà phát triển InnerSloth có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Hơn 60 triệu người chơi trò chơi mỗi ngày và từng đạt đỉnh 3,8 triệu người chơi đồng thời cách đây vài tuần.
Khi mới ra mắt, tựa game chỉ có khoảng 30 người chơi thường xuyên trên Steam và điều đó hoàn toàn bình thường cho một trò chơi quy mô nhỏ được phát triển độc lập.
Tuy nhiên, tình hình đó kéo dài suốt vài tháng liền, khiến cho Among Us ngày càng bị chìm dần trong vô số trò chơi khác đã và đang được tung ra.
Mặc dù vậy, vì nhiều yếu tố cộng hưởng – bao gồm cả việc dễ làm quen và đại dịch coronavirus, buộc cả thế giới phải chủ động cách ly tại nhà phải và tìm cách mới để giải trí, tương tác với bạn bè – đã giúp trò chơi đạt thành công bùng nổ chỉ trong thời gian ngắn.
Kể từ tháng 4, thời gian chơi game trên nhiều nền tảng đã đạt mức cao kỷ lục do các lệnh các ly tại nhà. Đó là môi trường lý tưởng để một trò chơi indie nhỏ bé có thể mở cửa bước vào hàng triệu ngôi nhà chỉ trong khoảng thời gian vỏn vẹn vài tuần.
Người chơi được chia thành hai đội: nhóm phi hành đoàn Crewmates có nhiệm vụ phải thực hiện các hoạt đợng bảo trì trên một con tàu vũ trụ và những kẻ mạo danh Imposters âm thầm trừ khử nhóm phi hành đoàn, cũng như phá hoại hệ thống của con tàu.
Khi các thi thể được phát hiện, những người chơi còn sống sẽ tập họp để thảo luận về vụ án và bỏ phiếu cho những người mà họ nghi ngờ nhất.
Nhóm phi hành đoàn sẽ giành chiến thắng khi họ hoàn thành tất cả các nhiệm vụ hoặc loại trừ thành công những kẻ mạo danh.
Ngược lại, phe mạo danh giành chiến thắng bằng cách hạ đủ số thuyền viên sao cho số lượng kẻ mạo danh bằng số thuyền viên, hoặc phá hoại hệ thống của tàu đến mức các thuyền viên không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình nữa.
Đồ họa của trò chơi rất đơn giản, dễ nhìn với những chuyển động hài hước. Nó không hề có các chế độ chơi phức tạp, hoặc các tính năng tiên tiến đạt tầm “next-gen” hào nhoáng như nhiều trò chơi nổi tiếng khác như Call of Duty hay Assassin’s Creed.
Chính vì vậy, sự thành công của Among Us chủ yếu đến từ những điểm tưởng chừng như bình thường, nhưng lại rất cần thiết để phổ biến một trò chơi đến với đông đảo đối tượng người dùng nhất. Cụ thể như sau:
Mức giá
Thành thật mà nói, vấn đề tiền nong dù sao cũng là một yếu tố quan trọng trong thế giới trò chơi. Với việc phát hành miễn phí trên các thiết bị di động (nhưng chịu khó xem quảng cáo) hoặc chỉ 5 đô la trên Steam, Among Us đã tạo thuận lợi gần như tối đa để mọi người chơi thử.
Cấu hình phổ thông
Trò chơi không cần những hệ thống máy tính mạnh và mới nhất để chạy. Nó chỉ yêu cầu bộ nhớ RAM 1 GB, dung lượng ổ cứng 250 MB và PC đủ sức xử lý Windows 7.
Để có trải nghiệm tối ưu nhất, bạn sẽ cần một chiếc micrô chất lượng để quá trình trò chuyện và trao đổi thông tin diễn ra trơn tru, nhưng ngoài điều đó ra, nó không bắt buộc phải có thêm thứ gì khác.
Crossplay – Chơi chéo hệ máy
Fortnite có lẽ là tựa game đầu tiên cho cả thế giới thấy một trò chơi có thể thu về lượng người dùng lớn như thế nào, nếu không bị giới hạn ở một nền tảng duy nhất và cho phép người chơi trên nhiều hệ máy cùng trải nghiệm với nhau.
Không còn rào cản giữa những người đang sử dụng thiết bị di động, console hay PC, bạn có thể chơi với tất cả họ. Among Us cũng cho phép chơi chéo giữa PC và di động (chưa có trên console) nên việc kết nối với bạn bè trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Không đòi hỏi kỹ năng chơi game cao
Chắc chắn, một trong những điều khó nhất đối với một số trò chơi nhất định là yêu cầu đòi hỏi về mặt kỹ năng. Đối với những người mới chơi, nhiều tựa game hoặc quá khó hoặc đòi hỏi phản xạ nhanh hoặc kỹ năng chơi game bẩm sinh để thành công.
Nhưng nếu đơn giản hóa các trò chơi này, chúng lại trở nên quá dễ dàng cho những game thủ chuyên nghiệp.
Tuy nhiên điều này không đúng với trường hợp của Among Us. Bởi ý tưởng chính yếu mà trò chơi xoay quanh vô cùng dễ hiểu, giao diện người dùng trực quan và không cần kỹ năng chơi game cao siêu để giành chiến thắng.
Trào lưu chế ảnh (Memes)
Sẽ rất có lợi nếu như sản phẩm mà bạn tạo ra đủ “hay ho” để cho cộng đồng chế ảnh quan tâm đến nó. Among Us là một trong những ví dụ như thế.
Chỉ cần dành vài phút để tìm kiếm từ khóa liên quan đến trò chơi trên bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào, bạn sẽ thấy có rất nhiều meme khác nhau xoay quanh chủ đề Among Us, góp phần quảng bá và tăng mức độ nổi tiếng của game.
Các ván game liên tục thay đổi
Bởi vì lối chơi của Among Us tập trung khai thác chính bản thân người chơi và cá tính của họ để làm nên sự hấp dẫn, chứ không phải bản thân game.
Nên mỗi khi bạn bắt đầu một ván đấu mới, trò chơi cũng thay đổi. Chỉ cần có đủ người chơi, Among Us sẽ tiếp tục mang lại những khoảnh khắc, tình huống mới lạ để giữ cho gameplay luôn mới mẻ, hấp dẫn và năng động.
Sức ảnh hưởng từ các streamer/youtuber
Bắt đầu từ một vài streamer trên Twitch trải nghiệm trực tiếp trò chơi, cộng đồng bắt đầu cảm thấy thích nó, kéo theo nhiều những nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng khác như Youtube hay Facebook tham gia.
Hiện tại, nó đã trở thành một hiện tượng bùng nổ với rất nhiều kênh YouTube liên tục đăng tải các video liên quan, cũng như Twitch có lượng người xem ổn định thường xuyên vào khoảng 100 nghìn.
Các Youtuber nổi tiếng nhất hiện tại như Pewds, Jack, hay Mark hiện tại cũng tham gia vào trào lưu Among Us và đạt hàng triệu lượt view cho mỗi video.
Sự thành công của Among Us trong tình hình đại dịch lớn đến nỗi InnerSloth phải hủy bỏ kế hoạch tung ra phần tiếp theo, mà thay vào đó sẽ lên lịch bổ sung nội dung, tính năng mới cho trò chơi hiện có.
Các nhà phát triển tin rằng sự gia tăng về độ nổi tiếng của trò chơi bắt đầu bên ngoài Hoa Kỳ. Nhà thiết kế Marcus Bromander chia sẻ với trang tin Kotaku rằng “Among Us đã được một ai đó khám phá ra ở Hàn Quốc”, tiếp đến là các cộng đồng ở Mexico và Brazil.
Nhưng phải chờ đến khi một số streamer có tầm ảnh hưởng lớn trên nền tảng Twitch tìm thấy và chia sẻ đến cộng đồng người hâm mộ, nó mới thực sự bắt đầu bùng nổ vào tháng 7. Đến tháng 8, các nhà phát triển cho biết hơn 100.000 người chơi trò chơi mỗi giờ. Phần lớn trong số đó là trên thiết bị Android, nhưng nền tảng iOS và PC cũng tăng đáng kể trong tháng 9 này.
Bromander thừa nhận với Kotaku, nhóm InnerSloth “thực sự kém trong việc tiếp thị”. Đó có lẽ là lý do tại sao bạn chưa từng thấy qua những clip quảng cáo truyền hình, hay các bài đăng được tài trợ trên mạng xã hội.
Nhưng trong nền kinh tế đại dịch ngày nay, một trò chơi không cần ngân sách quảng cáo “khủng” để phát triển. Tất cả những gì nó cần là một streamer, một Youtuber hay một người có sức ảnh hưởng trên internet để mở ra thành công bùng nổ.