Esports hay còn gọi là “Thể thao điện tử” đang nhanh chóng trở thành thế lực mới của ngành công nghiệp giải trí. Theo Newzoo, vào năm 2024, lượng khán giả esports sẽ đạt 557 triệu người trên toàn thế giới.
Vào năm 2020, khi tình hình toàn cầu buộc chúng ta phải tạm gác các sự kiện thể thao truyền thống sang một bên, thể thao điện tử đã chứng kiến một động lực mới cho sự phát triển của nó. Các công ty hàng đầu trong ngành cũng nỗ lực phát triển cộng đồng và cố gắng thu hút người xem bằng các ý tưởng sáng tạo.
Gần đây, ban tổ chức WePlay Academy League đã khiến cộng đồng không khỏi tò mò, khi quyết định triển khai giải pháp hiển thị nhịp tim của các tuyển thủ trẻ tuổi xuyên suốt giải đấu để giúp họ duy trì phong độ đỉnh cao.
Ý tưởng sử dụng cảm biến nhịp tim bắt nguồn từ đâu?
Thành thật mà nói, sử dụng hệ thống nhịp tim không phải ý tưởng hoàn toàn mới trong thế giới thể thao. Các câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng vẫn đang duy trì những bài tập với sự hỗ trợ của cảm biến đo BPM (số nhịp đập mỗi phút) và các chỉ số sức khỏe quan trọng khác từ nhiều năm nay.
Cách tiếp cận này cho phép các huấn luyện viên (HLV) đánh giá khối lượng công việc thực tế của cầu thủ, nắm bắt thông tin chi tiết về phong độ của họ, giúp họ đối phó với nỗi căng thẳng, v.v… Vì thế, mọi quyết định của HLV đều dựa trên dữ liệu thực tế, chứ không phải phỏng đoán suôn.
Dữ liệu thu được trong Giải WePlay Academy League đã mang đến cơ hội cho khán giả thấu hiểu phần nào sự căng thẳng mà những người tham gia trải nghiệm, đặc biệt là trong những khoảnh khắc quyết định cục diện thắng/thua.
Hóa ra nhịp tim của họ có thể tăng đến 160 BPM, cao hơn rất nhiều so với chuẩn nhịp tim lý tưởng (60-100 BPM) của người 18 tuổi trở lên do Cơ quan y tế quốc gia tại Vương quốc Anh nghiên cứu.
Tuy nhiên, những kết quả này không thể chỉ xuất phát từ mỗi hoạt động thể chất. Chúng chủ yếu là một phản ứng với sự căng thẳng về tinh thần. Để bạn có thể so sánh, nhịp tim trung bình của một cầu thủ bóng rổ trong những thời điểm cường độ cao nhất là 165 BPM, theo một bài báo trên Chron của tác giả John Shea.
Đây là một lập luận mạnh mẽ ủng hộ việc coi Esport ngang hàng các môn thể thao truyền thống. Áp lực, căng thẳng, ý chí chiến thắng là tất cả những phần thiết yếu của giới thể thao và Esport không hề thiếu đi những điều đó.
Tương lai nào cho cảm biến nhịp tim trong thể thao điện tử?
Trong thể thao điện tử, cảm biến nhịp tim có thể được sử dụng giống như trong thể thao truyền thống. Mỗi người chơi đều dễ bị ảnh hưởng bởi một tập hợp các yếu tố gây căng thẳng nhất định và có thể trở thành chướng ngại vật trên con đường dẫn đến chiến thắng.
Một tuyển thủ khi bị căng thẳng sẽ trở nên lo lắng nhiều hơn, thậm chí giảm khả năng phản ứng trước tình huống cấp bách, buộc phải đứng nhìn đồng đội chiến đấu. Nhịp tim của các tuyển thủ cũng tăng lên đột ngột khi họ phải đối mặt với nhiều kẻ thù một mình. Có những người nhịp tim không giảm xuống dưới mức 130 BPM trong toàn bộ series.
Những chi tiết này có thể giúp các HLV nhận biết giai đoạn nào của trận đấu là khó khăn nhất với người chơi và hỗ trợ kịp thời. Bản thân các tuyển thủ cũng có cơ hội chiêm nghiệm, từ đó khắc phục những điểm yếu và nâng cao hiệu suất chung của cả đội. Vì vậy, việc áp dụng cảm biến nhịp tim vào Esports không phải thứ gì đó quá xa vời hay thiếu thực tế.
Theo WePlay Holding