Mục Lục
- Hấp thụ khói – Infamous: Second Son
- Truyền máu ngẫu nhiên – Bloodborne
- Bình xịt – Resident Evil 5
- Đi tắm hơi – River City Ransom
- Khuyến khích & động viên – Gears of War
- Nhặt xu – Super Mario 64
- Chạy trốn và nấp thật kỹ – Hầu hết các FPS hiện đại
- Nốc… rượu – Red Dead Redemption 2
- Thu thập nhẫn – Sonic The Hedgehog
- Ủ sữa chua – Brave Fencer Musashi
Thế giới trò chơi có nhiều cách để giúp cho nhân vật của bạn khôi phục sức khỏe. Từ bộ dụng cụ y tế, băng gạc, và thậm chí cả mẩu thức ăn đều rất phổ biến. Đa số trường hợp, tính năng này có thể tạo nên thành công hoặc phá vỡ nội dung game.
Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất còn sử dụng thêm những phương pháp khác biệt và sáng tạo hơn. Chúng có thể tạo nên sự hài hước, thú vị nhưng đôi khi
Hấp thụ khói – Infamous: Second Son
Mặc dù người hâm mộ đã không ngừng kêu gọi Sony đưa dòng Infamous quay trở lại suốt nhiều năm, nhưng series vẫn cứ im hơi lặng tiến đến tận ngày nay. Nếu phần đầu chứng kiến nhân vật chính Cole McGrath hấp thụ và sử dụng năng lượng từ điện, thì hậu bản Second Son lại cho Deslin Rowe nuốt… đèn neon, video, bê tông và khói.
Càng đi sâu vào câu chuyện chính, các lực lượng đối lập săn lùng Deslin cũng dần mạnh lên. Vì vậy, thanh sức khỏe của người chơi có thể nhanh chóng sụt giảm mỗi khi gặp kẻ địch. Trong những trường hợp như thế, tất cả những gì người ta cần làm là đứng trên nóc lỗ thông hơi có khói bốc lên và hút chúng để hồi phục sức khỏe. Trải nghiệm trở thành một máy hút khói di động chưa bao giờ tuyệt vời đến thế.
Truyền máu ngẫu nhiên – Bloodborne
Mặc dù truyền máu là một thao tác y khoa thực sự, nó thường được thực hiện tại bệnh viện bởi một nhóm chuyên gia và hiệu quả chữa bệnh thì diễn ra từ từ. Tuy nhiên, ở tựa game hành động kinh dị Bloodborne, bạn thường có thể tìm thấy những lọ máu dùng trị thương tức thời từ kẻ thù bị đánh bại.
Để tự chữa lành, nhân vật chính chỉ cần tiêm chúng trực tiếp vào đùi là xong. Ở đời thật thì điều này rất nguy hiểm, vì cơ thể người sẽ bị sốc vì nó không tiếp nhận máu lạ truyền vào dễ dàng như thế. May mắn thay, việc có cùng nhóm máu với con quái vật khủng khiếp mà bạn vừa hạ gục hay không dường như chẳng hề quan trọng trong thế giới này.
Bình xịt – Resident Evil 5
Bên cạnh việc nhai thảo dược, các nhân vật chính trong series kinh dị sinh tồn Resident Evil còn có thể sử dụng bình xịt để trị thương. Đây là món vật phẩm cực kỳ hữu dụng và luôn mang lại niềm vui mỗi khi tìm được, bởi nó hồi 100% lượng máu tiêu hao. Bị trúng tên từ địch? Xịt. Bị zombie cắn? Xịt. Bị chém? Xịt. Bị xe cộ tung phải? Xịt. Trừ trúng độc, gần như mọi vấn đề về sức khỏe đều chỉ cần xịt phát là xong.
Hữu dụng là vậy, nhưng một số trò chơi Resident Evil thế hệ cũ sẽ trừng phạt người chơi sử dụng nó bằng cách giảm đánh giá xếp hạng xuống 1 bậc. Tuy nhiên, xu hướng này đã bị loại bỏ trên các phiên bản mới hơn và cho phép sử dụng thoải mái mà không gây ảnh hưởng. Đáng chú ý, cũng nhờ loại sản phẩm đặc biệt này mà tập đoàn Umbrella tạo nên thảm họa virus đã trở nên nổi tiếng.
Đi tắm hơi – River City Ransom
Khi bạn gái bị bọn xấu bắt cóc, nhân vật chính đã quyết lật tung mọi ngõ ngách ở thành phố để tìm bằng được cô. Tuy nhiên, nhiệm vụ ấy không hề dễ dàng, đặc biệt khi chỉ có vỏn vẹn hai người bạn đối đầu với hàng trăm thành viên băng đảng. Vậy làm thế nào để thư giãn và lấy lại tinh thần sau một ngày mệt mỏi với việc đá đít địch? Tất nhiên là đi đến phòng tắm để xông hơi rồi.
Mặc dù đây là một ý tưởng đậm chất hài hước, đặc biệt khi kèm theo hình ảnh cặp mông vuông vức của Alex. Nhưng phòng tắm hơi thực sự rất hợp lý cho việc chữa lành bởi nó giúp khiến cơ thể thư giãn, đồng thời làm dịu cơn đau nhức cơ bắp.
Việc đi tắm để hồi máu hơi lạ vì đây không phải là một vật dụng để bạn nhận lấy và sử dụng, mà là một địa điểm cần phải đi đến giống như một bệnh viện. Tuy nhiên, nó lại có ý nghĩa hơn nhiều so với chuyện nhặt một miếng thịt trong thùng rác để trị thương.
Khuyến khích & động viên – Gears of War
Khi chạm trán với những lực lượng xấu xa ngoài hành tinh, việc có thêm một người bạn hỗ trợ bên cạnh luôn là điều tốt. Đặc biệt khi họ có thể cổ vũ tinh thần và giúp bạn trị thương. Thế nhưng, ý tưởng hồi phục sức khỏe chỉ bằng những lời động viên, những cái xốc vai thì hơi hoang đường.
Cơ chế đồng đội hồi sinh lẫn nhau này không hề mới lạ, bởi nó xuất phát từ các trò chơi đặt nặng việc quản lý nhóm – đơn cử như hầu hết JRPG chẳng hạn. Tuy nhiên, ở bối cảnh đó thì chuyện hồi sinh thông qua một người bạn lại rất hợp lý, đặc biệt nếu nhân vật thông thạo phép thuật hoặc kỹ năng chữa bệnh.
Còn ở những trò chơi nghiên về hành động như Gears of War, nhà sản xuất đã chọn cách đi tắt đến mức khó tin. Cụ thể, nếu ai đó bị hạ gục trong cuộc đọ súng, đồng đội họ chỉ cần chạy đến gần để nói lời động viên tinh thần và xốc anh ta dậy.
Dĩ nhiên, với một hình thức giải trí thì hầu hết thời gian các nhà thiết kế sẽ chọn cơ chế đơn giản thay vì logic. Thế nhưng điều này không thể thay đổi thực tế là một cái vỗ nhẹ vào lưng sẽ không giúp đối tác của bạn phục hồi vết thương trên cơ thể ngay lập tức được.
Nhặt xu – Super Mario 64
Trong cuộc phiêu lưu 3D đầu tiên của Mario, phương pháp chính để chữa thương cho người thợ sửa ống nước Ý là thu thập các đồng xu để nạp một lượng máu nhất định vào thanh sức khỏe. Điều này khá lạ, bởi tiền xu làm gì có tính chất chất chữa bệnh và nhà sản xuất cũng không giải thích lý do tại sao.
Cần lưu ý rằng ý tưởng này chưa bao giờ nảy sinh trong các phiên bản Mario trước, vì hệ thống nấm và hoa đã làm tốt vai trò bồi bổ sức khỏe cho Mario. Thế nhưng, cả hai vật phẩm trên đều không xuất hiện ở Super Mario 64. Có lẽ chúng ta đang thấy một khía cạnh mới của người thợ sửa ống nước, rằng tình yêu tiền của anh ấy thực sự có năng lực chữa lành chăng?
Chạy trốn và nấp thật kỹ – Hầu hết các FPS hiện đại
Cách hiển nhiên nhất để điều trị vết thương do đạn bắn là nhận sự chăm sóc y tế từ bác sĩ hoặc bất kỳ ai là chuyên gia về lĩnh vực này. Tuy nhiên, nếu tuân theo logic trò chơi điện tử, bạn chỉ cần tìm chỗ nấp thật kỹ và đợi một lúc để máu tự hồi. Dù bị thương ở bất cứ đâu, chỉ cần bạn chạy thoát khỏi vùng nguy hiểm, hít thở thật sâu rồi uống một tách trà, ăn một cái bánh thì bạn sẽ ổn thôi.
Vâng, vụ ăn uống chỉ là nói quá. Nhưng không thể phủ nhận rằng cơ chế hồi máu tiện lợi này nếu xét kỹ thì rất nực cười. Vào đầu những năm 2000, khi thể loại game hành động góc nhìn thứ nhất phát triển cực thịnh thì công nghệ trị thương của nó cũng vậy. Những hộp y tế, gói cứu thương cực kỳ quen thuộc dần dần bị loại bỏ để thay bằng siêu năng lực tự tái tạo. Trong tất cả những cách kỳ quái và lố bịch mà các nhà thiết kế trò chơi đã nghĩ ra để phục hồi sức khỏe, đây chắc là phương pháp thiếu thực tế nhất.
Ngoài đời thật, nếu viên đạn xuyên qua một cơ quan hoặc gây chảy máu nhiều thì việc để lâu không cứu chữa chỉ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn chứ không tốt hơn. Còn từ góc độ chơi game, nó cũng không phải một tính năng khuyến khích việc trau dồi kỹ năng hay sự tháo vát, mà chỉ đơn thuần là một bài kiểm tra sự kiên nhẫn để xem bạn sẵn sàng đợi bao lâu. Chưa kể, nó còn thường xuyên được sử dụng như một cách sửa chữa và cân bằng game nhanh chóng.
Tóm lại, khả năng tư tái hồi máu trong các trò chơi hiện đại là một khái niệm vô lý trong hầu hết mọi tình huống mà nó được áp dụng và thường dẫn đến lối chơi đại trà, thiếu thử thách hoặc thậm chí tẻ nhạt.
Nốc… rượu – Red Dead Redemption 2
Có rất nhiều thứ để làm trong thế giới mở rộng lớn của Red Dead Redemption 2 và dĩ nhiên, không thể thiếu việc vào quán rượu giải sầu. Kỳ lạ ở chỗ, món rượu rum lâu năm Moonshine lại có thể hồi đầy máu (theo cách khá buồn cười) nếu nhân vật chính uống nhiều.
Lúc đó, Arthur sẽ bắt đầu lảm nhảm với chính mình, hoặc la mắng ngẫu nhiên những người lạ. Nếu vẫn bất chấp tiếp tục uống thêm thì nam chính thường sẽ xỉn “quắc cần câu” cho đến sáng hôm sau, kèm theo cơn đau đầu tồi tệ nhất mọi thời đại. Một điểm rất thực trong trò chơi điện tử.
Thu thập nhẫn – Sonic The Hedgehog
Sonic the Hedgehog bắt đầu với tư cách là đối trọng của anh chàng Mario nổi tiếng. Vì thế, chú nhím xanh vừa mang một số điểm tương đồng, mà cũng vừa khác biệt với thợ sửa ống nước để tạo nét riêng. Đơn cử như việc Mario thu thập tiền xu thì ưu tiên của Sonic nằm ở những chiếc nhẫn vàng đặc biệt.
Trong series, những chiếc nhẫn đóng cả hai vai trò: tiền tệ và sinh lực của Sonic. Khi bị trúng đòn, Sonic sẽ quay cuồng rồi làm rơi hàng loạt chiếc nhẫn mà bản thân đã cẩn thận thu thập. Nhưng chỉ cần còn lại dù chỉ một chiếc, cậu ta vẫn đủ sức tiếp tục nhiệm vụ chặn đứng kế hoạch thôn tính hành tinh của tiến sĩ Robotnik. Dĩ nhiên, những ai cẩn thận hơn vẫn nên thu thập thêm nhiều vòng vàng để dự phòng trước những thử thách phía trước.
Ủ sữa chua – Brave Fencer Musashi
Phần lớn hệ thống trị thương của Brave Fencer Musashi là những thứ mà bạn đã thấy hàng triệu lần trước đây trong các trò chơi. Nó thường dựa trên thực phẩm, với một số loại sẽ hữu ích hơn những loại khác và có tác dụng khác nhau tùy theo những gì bạn có.
Tuy nhiên, nhà sản xuất của Brave Fencer Musashi đi xa hơn bình thường một chút, khi cho phép bạn “tăng cường” hiệu quả ở một số món đồ ăn theo cách khá bất ngờ (dù chưa chính xác).
Ví dụ tốt nhất về điều này chính là món sữa chua. Nếu bạn để sữa trong thùng đồ quá lâu nó sẽ bị chua và giảm hiệu quả sử dụng. Thế nhưng, nếu bạn tiếp tục giữ nó mặc cho tác dụng giảm dần, thì tới một lúc nó sẽ chuyển hóa một lần nữa thành sữa chua với hiệu quả gấp 5 lần loại sữa ban đầu.
Đó là một điều nhỏ nhặt, nhưng lại rất thú vị nếu bạn tự mình khám phá, ngay cả khi việc sữa quá hạn chưa chắc trở thành sữa chua ăn được ở thế giới thực.