Tuần vừa qua, nhà sản xuất Krafton đã kiện Apple và Google về một tựa game battle royale, được bán trên các cửa hàng di động của họ. Tựa game này bị cáo buộc vi phạm bản quyền của PUBG. Vụ kiện cũng nêu tên nhà sản xuất ứng dụng sao chép – Garena, cũng như YouTube để lưu trữ các video chơi trò chơi mà nguyên đơn cho là vi phạm.
Krafton và PUBG Santa Monica, cả hai đều đã đưa vụ kiện ra tòa án liên bang Hoa Kỳ, cho biết trước đây họ đã đưa đơn kiện Garena tại quê nhà Singapore về việc bán Free Fire: Battlegrounds vào năm 2017. Trò chơi tương tự, hiện được gọi là Free Fire, là trọng tâm của khiếu nại tại Hoa Kỳ. Mặc dù Krafton cho biết khiếu nại năm 2017 đã được giải quyết, nhưng nó không bao gồm bất kỳ giấy phép nào cho Garena liên quan đến các yếu tố của Free Fire ‘đạo nhái’ của PUBG.
Theo cáo buộc của vụ kiện, Garena đã bắt đầu đưa Free Fire trên Google Play và iOS App Store vào năm 2017. Sau đó, vào tháng 9/2021, Garena đã xuất bản Free Fire Max, một trò chơi battle royale khác mà Krafton cho rằng vi phạm bản quyền của PUBG.
Đơn kiện của Krafton không nêu rõ những thiệt hại được yêu cầu, ngoài 150.000 đô la tiền bồi thường thiệt hại theo luật định ‘cho mỗi hành vi vi phạm’. Ngoài Garena, Apple và Google (cũng sở hữu YouTube) cũng phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại này. Đơn khiếu nại lưu ý rằng “Garena đã kiếm được hàng trăm triệu đô la từ việc ‘bán’ các ứng dụng vi phạm trên toàn cầu”, trong đó phần lớn đến từ chợ ứng dụng của Google và Apple.
Free Fire hiện có trên Google Play với tên gọi Garena Free Fire Max với hơn 100 triệu lượt cài đặt, và trên iOS App Store, tựa game này đang đứng vị trí thứ 48 trong số các trò chơi phiêu lưu.
Đơn khiếu nại dài 100 trang của Krafton bao gồm một số ảnh chụp màn hình cáo buộc Free Fire sao chép các yếu tố cụ thể liên quan đến PUBG kể từ khi trò chơi đó trở nên phổ biến vào năm 2017. Chúng bao gồm một khu vực tập hợp trước trò chơi; cách bắt đầu trò chơi bằng cách nhảy dù; cách ‘vòng bo’ thu hẹp; hay ngay cả việc ‘máy bay thả thính’. Nhiều tính năng trong số này cũng đã xuất hiện hoặc bắt chước trong Fortnite, Call of Duty Warzone và các tựa game battle royal khác
Đơn khiếu nại cũng cho thấy một số vật phẩm và vũ khí liên quan đến PUBG – như mũ bảo hiểm kiểu thợ hàn (mũ level 3) và khẩu trang xuất hiện trên biểu tượng của PUBG, cũng như ‘chảo rán’ – cũng được đưa thẳng vào Free Fire.
PUBG Corp., với tư cách là nhà phát triển chính của PlayerUnknown’s Battlegrounds được biết đến vào thời điểm đó (và công ty mẹ của họ, Bluehole, hiện đã trở thành Krafton) đã kiện nhà sản xuất Fortnite Epic Games vào tháng 5 năm 2018, cáo buộc vi phạm tương tự đối với tài sản trí tuệ của họ. Vụ kiện đó, được đưa ra tại quốc gia có trụ sở chính của Krafton là Hàn Quốc, đã bị rút lại một tháng sau đó vì lý do không được tiết lộ.