Ngày nay, NFT (hoặc mã thông báo không thể thay thế) đang tạo nên một trào lưu sưu tầm vô cùng thịnh hành. Về cơ bản, chúng đóng vai trò như một công cụ chứng nhận quyền sở hữu cho các món đồ, vật phẩm hoặc các đối tượng trong thế giới thực, nhưng cũng có thể đại diện cho các đối tượng chưa tồn tại.
Do sự phổ biến ngày càng tăng của NFT trong thế giới công nghệ, các nhà xuất bản lớn như EA, Ubisoft, Square Enix đã lần lượt bày tỏ sự quan tâm đến việc đưa chúng vào các dòng game của họ, hoặc thậm chí tạo ra các trò chơi hoàn toàn dựa trên NFT.
Điều đó có xảy ra thật hay không thì còn phải chờ xem. Nhưng bất chấp tất cả các nghi ngại và tranh cãi xoay quanh, NFT vẫn đang thu hút rất nhiều sự chú ý và đầu tư từ cộng đồng.
Gần đây, trang tin GAMINGbible báo cáo rằng một chiếc du thuyền NFT trong trò chơi metaverse nọ vừa được bán với giá 650.000 đô la, trở thành một trong những NFT game điện tử đắt tiền nhất.
Cụ thể hơn, đó chính là chiếc siêu du thuyền “Metaflower Super Mega Yacht” tồn tại độc quyền trong The Sandbox, một dự án metaverse dựa trên NFT hiện đang ở giai đoạn alpha có thể chơi được.
Theo báo cáo, du thuyền kỹ thuật số này có đến 4 tầng với khu vực tiếp khách, 2 chỗ đỗ trực thăng, một gian hàng DJ, một sàn nhảy và một bể sục Jacuzzi.
Danh tính người mua vẫn còn là một bí ẩn. Chỉ biết vị này có biệt danh “35D0CA” và sử dụng Ethereum, đồng tiền truyền cảm hứng cho việc tạo ra NFT, để thực hiện giao dịch.
Mặc dù trò chơi chỉ mới đạt trạng thái có thể chơi được gần đây, nhưng The Sandbox đã huy động được 93 triệu đô la vốn đầu tư. Hơn 200 thương hiệu nổi tiếng đã đóng góp vào nó, bao gồm các nghệ sĩ như DeadMau5 và Snoop Dogg, các chương trình như The Walking Dead và The Smurfs, cùng các nhà xuất bản trò chơi như Square Enix và Atari.
Mặc dù không ít nhà xuất bản trò chơi bày tỏ sự thích thú với NFT, cũng có những công ty khác tỏ ra khá thận trọng. Ví dụ như Valve vài tuần trước đã quyết định xóa tất cả các trò chơi NFT khỏi cửa hàng Steam, còn Epic Games thì chưa muốn tích hợp chúng do lo ngại tình trạng lừa đảo.
Hầu hết mọi người có lẽ sẽ cảm thấy khó hiểu, tại sao lại chi số tiền điện tử tương đương 650.000 USD để mua một chiếc thuyền kỹ thuật số? Nó có thể là mô hình độc nhất vô nhị, nhưng không ai thực sự có thể cảm nhận được làn gió biển mát lạnh hoặc bọt thư giãn từ bể tắm sục trên đó cả. Ở trường hợp này, người mua phải có rất nhiều niềm tin vào tương lai của NFT, tiền điện tử và bản thân dự án The Sandbox để đưa ra quyết định.