Mục Lục
- Tác phẩm Everydays The First 5000 Days của nghệ sĩ Winkelmann
- Ảnh: Rhett / Mankind
- Ảnh: Hackernoon
- Nhà đấu giá Christie’s trước đó đã bán một chiếc NFT nằm trong tác phẩm “Block 21” của Robert Alice từ series “Chân dung của một tâm trí.” Ảnh: Christie’s Images Ltd.
- Những hình ảnh mèo được bán trên CryptoKitties
- Ảnh: Billboard
Vài ngày trước, ông Mike Winkelmann (hay còn được biết đến với nghệ danh Beeple) vừa bán một chiếc NFT có tên Everydays – The First 5000 Days (tạm dịch: Mỗi ngày – 5000 ngày đầu tiên) với giá kỷ lục 69,3 triệu đô la Mỹ – tức khoảng 1.598 tỷ đồng tiền Việt. Đây là mức giá cao thứ ba mà một nghệ sĩ còn sống đạt được.
Cuộc giao dịch kỷ lục diễn ra tại Christie’s là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy NFT đang chiếm lĩnh thị trường nghệ thuật, tạo bước nhảy vọt từ việc buôn bán tác phẩm kỹ thuật số trên những trang web chuyên nghiệp sang các nhà đấu giá hàng đầu.
Điều đáng nói, Beeple là một người mới đến với thế giới mỹ thuật (Fine art) và lần đầu tiên nghe về NFT cách đây vỏn vẹn 5 tháng. Thế nhưng, ông lại đang kiếm được lợi nhuận kết sù từ sự bùng nổ về giá trị của những mặt hàng cực hot này.
Vậy NFT là gì?
NFT (viết tắt của “nonfungible tokens” – tạm dịch: “token không thể thay đổi”) là một loại tài sản được xác minh bằng công nghệ blockchain, trong đó một mạng lưới máy tính ghi lại các giao dịch và cung cấp cho người mua bằng chứng về tính xác thực và quyền sở hữu.
Về cơ bản, NFT làm cho các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số trở nên độc nhất và do đó có thể bán được. Một vài mặt hàng, tài sản kỹ thuật số đang thu hút nhiều sự chú ý nhất hiện này bao gồm các hình ảnh tĩnh, GIF, bài hát hoặc video.
Giờ đây, các nghệ sĩ, nhạc sĩ, người có ảnh hưởng và thương hiệu thể thao đang sử dụng NFT để thu lợi từ những món hàng hóa kỹ thuật số trước đây vốn có giá rẻ hoặc thậm chí miễn phí.
Công nghệ này cũng đáp ứng nhu cầu của giới nghệ thuật về tính xác thực và xuất xứ của tác phẩm trong thời đại kỹ thuật số lên ngôi, khi liên kết vĩnh viễn một tệp tin với người đã sáng tạo ra nó.
Tại sao người ta chi nhiều tiền cho NFT? Nếu mua nó rồi thì tôi có sở hữu tác phẩm nghệ thuật không?
Đại loại là như thế. Người mua NFT sẽ không nhất thiết phải nắm hoàn toàn bản quyền, hoặc thậm chí sở hữu quyền truy cập duy nhất vào tác phẩm (vì chúng vẫn hiện hữu trên mạng cho bất kỳ ai có kết nối internet chiêm ngưỡng và tải về bình thường).
Ảnh: Hackernoon
Tuy nhiên, một số người sẵn sàng trả ra số tiền hậu hĩnh để yêu cầu quyền sở hữu “vật có thật có thể kiểm chứng được” và đó là thứ mà NFT cung cấp trong thế giới nghệ thuật số.
Lấy ví dụ: Ai cũng có thể dễ dàng tạo ra bản sao copy từ bức “Everydays – The First 5000 Days” giá 1,59 nghìn tỷ nói trên của Beeple bằng cách tải xuống thông qua trình duyệt. Thế nhưng, dù nội dung y hệt nhau, họ rõ ràng không hề sở hữu tác phẩm bởi không được xác minh qua blockchain.
Tóm lại, NFT được thiết kế để cung cấp cho bạn thứ không thể sao chép: quyền sở hữu tác phẩm (mặc dù tác giả vẫn có thể giữ bản quyền và quyền sao chép giống như những tác phẩm nghệ thuật ngoài đời thực) nên những sản phẩm đi kèm với nó sẽ mang giá trị sưu tầm nhất định.
Kết hợp với độ hot từ công nghệ blockchain đang trở thành trào lưu phổ biến ở thời điểm hiện tại, không quá khó hiểu khi có người sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đô để mua những tác phẩm NFT.
Vậy ai là người bán? Có phải chính là nghệ sĩ tạo ra tác phẩm?
Trong trường hợp của Winkelmann thì ông đã tự mình bán tác phẩm nghệ thuật thông qua nhà đấu giá Christie’s.
Đây có phải là chiếc NFT đầu tiên mà nhà đấu giá Christie’s bán ra không?
Nhà đấu giá Christie’s trước đó đã bán một chiếc NFT nằm trong tác phẩm “Block 21” của Robert Alice từ series “Chân dung của một tâm trí.” Ảnh: Christie’s Images Ltd.
Không phải. “Everydays – The First 5000 Days” chỉ là NFT kỹ thuật số hoàn toàn đầu tiên. Còn NFT đầu tiên mà nhà đấu giá bán được là một phần của tác phẩm nghệ thuật gồm hai phần – bao gồm token và bức tranh vật lý: “Block 21” của Robert Alice trong series “Portraits of a Mind (tạm dịch: Chân dung của một tâm trí”).
Nhưng… đây có phải là nghệ thuật không?
Tác phẩm của Beeple được so sánh với tác phẩm của KAWS hoặc Banksy, hai nghệ sĩ khác đã vượt qua những người gác cổng thế giới nghệ thuật để thiết lập giá bán cao ngất ngưởng.
Nhưng chốt lại thì NFT chỉ là một công nghệ được sử dụng để xác thực một tác phẩm nghệ thuật. Việc xác định một tác phẩm có phải là nghệ thuật hay không tùy thuộc vào người thưởng thức nó.
Công nghệ này cũng có thể được sử dụng để xác thực các loại đối tượng khác. Jack Dorsey, người đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Twitter, hiện đang bán dòng tweet đầu tiên của mình dưới dạng NFT trong một cuộc đấu giá từ thiện giới hạn thời gian. Giá thầu đã đạt 2,5 triệu đô la vào thứ Năm.
Từ khi nào mà nó lại trở nên phổ biến đến như vậy?
Những hình ảnh mèo được bán trên CryptoKitties
Công nghệ dành cho NFT đã xuất hiện từ giữa những năm 2010, nhưng phải đến cuối năm 2017 mới trở thành xu hướng chủ đạo thông qua CryptoKitties, một trang web cho phép mọi người mua và “nhân giống” những chú mèo kỹ thuật số phiên bản giới hạn bằng tiền điện tử.
Giờ đây, khi giá trị của những đồng tiền kỹ thuật số đang đạt mức cao kỷ lục chưa từng có, một số nhà đầu tư từ thị trường này cũng chuyển sang mua và giao dịch NFT (thường với giá cao ngất ngưởng).
Beeple là nghệ sĩ nổi tiếng nhất kiếm được khoản tiền khổng lồ, nhưng hiện nay có rất nhiều họa sĩ minh họa, nghệ sĩ video và đồ họa khác cũng đang mở bán tác phẩm với giá cao.
Thị trường này lớn như thế nào?
Ảnh: Billboard
Theo bài “Báo cáo NFT 2020”, được xuất bản bởi L’Atelier BNP Paribas và Nonfungible.com, giá trị thị trường NFT đã tăng 299% vào năm 2020, khi nó được định giá trên 250 triệu đô la. Nhưng vài tháng đầu năm 2021 đã có những bước nhảy vọt đáng kinh ngạc về doanh số, ngay cả trước cuộc đấu giá kỷ lục.
Theo nytimes.com