Mục Lục
Trò chơi thể thao đã phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích trong những năm gần đây. Nhiều người hâm mộ đã trở nên mệt mỏi bởi sự thiếu đổi mới, cách tân giữa các bản phát hành hàng năm, trong khi các chế độ hấp dẫn như Ultimate Team thì lại quá tập trung vào các giao dịch vi mô.
Điều này hoàn toàn trái ngược nếu ta quay trở về một, hai thập niên trước với những sản phẩm đạt thành công cả về mặt thương mại lẫn chuyên môn. Vậy thì theo các chuyên gia trên trang tổng hợp Metacritic, đâu là những game thể thao hay nhất mọi thời đại?
10. Madden NFL 2004 (Điểm Meta: 94)
Ấn tượng thay, Madden NFL 2004 là một trong ba phiên bản Madden xuất hiện ở BXH này. Loạt game Madden vốn thuộc sở hữu của EA, công ty từng phát hành rất nhiều trò chơi xuất sắc dựa trên thương hiệu Madden, Tiger Woods PGA Tour và FIFA vào những năm 2000, nhưng hiện được coi là nguồn gốc của nhiều vấn đề nảy sinh ở thể loại thể thao.
Madden NFL 2004 được nhớ đến nhiều nhất, khi lần đầu tiên cho phép người chơi kiểm soát nhượng quyền thương mại với tư cách là chủ sở hữu. Trong chế độ này, người chơi đảm nhận mọi trách nhiệm liên quan đến việc sở hữu một đội bóng chuyên nghiệp – ví dụ như điều chỉnh giá hot dog, thuê mướn và sa thải ban huấn luyện, .v.v… Sau khi phát hành, trò chơi đã bán được hơn 2 triệu bản chỉ trong ba tuần.
9. Madden NFL 2002 (94)
Madden NFL 2002 không giới thiệu quá nhiều tính năng mới, nhưng nó đã thiết lập nên những bước tiến lớn về đồ họa và hoạt ảnh cho series. Đóng vai trò sản phẩm ra mắt cho hệ máy GameCube cũng như Xbox, và mặc dù không phải là game đầu tiên phát hành trên PlayStation 2, nhưng nó là trò chơi đầu tiên tạo cảm giác “next-gen” thực sự.
Madden NFL 2002 từng được đề cử cho giải Trò chơi Xbox hay nhất của GameSpot nhưng vẫn phải đứng sau Halo: Combat Evolved kinh điển.
8. Tony Hawk’s Pro Skater 4 (94)
Giống như series Madden, thương hiệu Tony Hawk’s Pro Skater nổi tiếng có đến 3 phiên bản game nằm trong số các trò chơi thể thao được đánh giá cao nhất của Metacritic.
Tony Hawk’s Pro Skater 4 ban đầu được phát hành vào tháng 10 năm 2002 và là trò chơi cuối cùng sử dụng tên Pro Skater trước thảm họa Tony Hawk’s Pro Skater 5 vào năm 2015. Pro Skater 4 đã thay đổi đáng kể lối chơi cốt lõi của series, bằng cách loại bỏ giới hạn thời gian ở các màn để người chơi thoải mái tìm ra những vị trí thực hiện kỹ thuật tốt nhất.
7. ISS Pro Evolution (94)
ISS Pro Evolution là phần thứ ba trong dòng ISS Pro do Konami phát triển và phát hành độc quyền trên PlayStation 1 vào năm 1999. Sau này, công ty đã tiếp tục tạo ra Winning Eleven / Pro Evolution Soccer lừng danh, trước khi thay thế bằng eFootball vào năm ngoái.
ISS Pro Evolution đáng chú ý vì đây là phiên bản đầu tiên giới thiệu chế độ Master League đặc trưng của nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, bản phát hành này lại gặp phải những vấn đề về cấp phép bản quyền, khiến các tên đội và cầu thủ hiển thị không chính xác.
6. Super Stickman Golf 3 (95)
Super Stickman Golf 3 là một trò chơi đánh gôn tuyệt vời, đặc biệt nổi bật trong danh sách này vì một số lý do. Thay vì là một bản phát hành AAA dành cho máy console gia đình từ một studio lớn, Super Stickman Golf 3 là một trò chơi di động đến từ nhà phát triển độc lập Noodlecake Studios.
Giống như những phần tiền nhiệm, Super Stickman Golf 3 có lối chơi đơn giản nhưng lại dễ gây nghiện với những màn chơi được thiết kế đẹp mắt và độc đáo, lôi cuốn người chơi hoàn thiện chúng bằng cú hole-in-one.
5. Madden NFL 2003 (95)
Madden NFL 2003 là phần thứ ba và cuối cùng trong loạt Madden được giới thiệu ở bài viết này. Thực tế, việc xuất hiện cả ba phiên bản được phát hành liên tiếp đã minh chứng cho phong độ ấn tượng của EA Sports trong những năm 2000 và lý giải tại sao người tiêu dùng lại thất vọng vì những sản phẩm gần đây của công ty.
NFL 2003 là phiên bản đầu tiên trong series có EA Trax, thương hiệu được Electronic Arts sử dụng cho phần nhạc nền trong một số trò chơi điện tử của họ, và giới thiệu chế độ Mini Camp, cho phép bạn thử sức ở một loạt mini-game và các tình huống khác nhau để trau dồi kỹ năng và thu thập Thẻ Madden.
4. Out of the Park Baseball 2007 (96)
Out of the Park Baseball khác biệt với các trò chơi thể thao khác trong BXH ở chỗ: series này đặt người chơi vào vị trí Tổng Giám đốc hoặc Nhà quản lý của một đội tuyển, thay vì chỉ đơn thuần kiểm soát các cầu thủ trên sân.
Trò chơi quản lý dựa trên văn bản (text) có nhiều điểm tương đồng với thương hiệu Football Manager vô cùng nổi tiếng của Sports Interactive. Đáng chú ý, Sports Interactive từng ký hợp đồng với OOTP Developments vào năm 2004, nhưng hai công ty đã chia tách chỉ hai năm sau đó.
3. NFL 2K1 (97)
Điểm Metascore đáng nể của NFL 2K1 đặt nó ngang hàng với các trò chơi điện tử đỉnh cao của mọi thời đại như Super Mario Galaxy, Grand Theft Auto 5 và The Legend of Zelda: Breath of the Wild.
NFL 2K1 được phát triển bởi Visual Con Concept và phát hành độc quyền trên hệ máy Dreamcast vào tháng 9 năm 2000. Trò chơi đã giành được nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm cả “Trò chơi Dreamcast của năm” và “Trò chơi thể thao hay nhất” do GameSpot bình chọn.
2. Tony Hawk’s Pro Skater 3 (97)
Tony Hawk’s Pro Skater 3 cập bến trên PlayStation 1 và PlayStation 2 vào tháng 10 năm 2001, trước khi đến với nhiều hệ máy khác một quãng thời gian không lâu sau đó.
Phiên bản này đánh dấu sự ra đời của tính năng revert, cho phép kéo dài các combo hơn so với hai trò chơi trước, và lần đầu tiên cung cấp trải nghiệm trực tuyến trong series.
Bên cạnh đó, hãng Neversoft còn tận dụng quá tốt sức mạnh phần cứng được cải tiến của PlayStation 2 để tạo ra bước nhảy vọt đúng chất “next-gen” cho dòng Pro Skater. Vì vậy, không khó hiểu khi phiên bản này giành được số điểm Metascore 97 vô cùng ấn tượng.
1. Tony Hawk’s Pro Skater 2 (98)
Chỉ có hai trò chơi khác sở hữu điểm Metascore ngang bằng Tony Hawk’s Pro Skater 2 là Grand Theft Auto 4 và SoulCalibur. Hơn nữa, tựa game thể thao này chỉ chịu xếp sau “huyền thoại” The Legend of Zelda: Ocarina of Time, với số điểm gần như hoàn hảo là 99.
Tony Hawk’s Pro Skater 2 đã lấy những tinh hoa, nền tảng vững chắc của phiên bản tiền nhiệm và cải tiến chúng ở hầu hết mọi khía cạnh. Bên cạnh đó, nhà sản xuất còn bổ sung một số tính năng mới, bao gồm cả trình chỉnh sửa màn chơi. Hai phần Pro Skater đầu tiên gần đây đã được làm lại trong Tony Hawk’s Pro Skater 1 + 2 cho những ai muốn thưởng thức lại các trò chơi cổ điển theo tiêu chuẩn hiện đại.
Theo gamerant