Mục Lục
- 10. Naruto: Clash Of Ninja 2 (2006) – Điểm MetaScore: 74
- 9. Naruto: Clash Of Ninja Revolution (2007) – 74
- 8. Naruto: Ultimate Ninja Storm (2008) – 75
- 7. Naruto: Ultimate Ninja 3 (2008) – 75
- 6. Naruto: Ultimate Ninja (2006) – 75
- 5. Naruto Shippuden: Ultimate Ninja Storm 2 (2010) – 77
- 4. Naruto: Rise Of A Ninja (2007) – 78
- 3. Naruto Shippuden: Ultimate Ninja Storm 4 (2016) – 80
- 2. Naruto Shippuden: Ultimate Ninja Storm 3 Full Burst (2013) – 80
- 1. Naruto: The Broken Bond (2008) – 80
Naruto là một trong những manga ăn khách nhất mọi thời đại và thuộc “bộ ba kinh điển” của tạp chí Shonen Jump, cùng với những cái tên lừng danh như One Piece và Dragon Ball. Tác phẩm do ông Masashi Kishimoto chấp bút đã luôn duy trì sự nổi tiếng đáng nể, kể từ lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1999 và nhanh chóng trở thành một thương hiệu truyền thông khổng lồ.
Bên cạnh manga và anime, các phiên bản trò chơi điện tử dựa trên thế giới Nhẫn Giả kỳ ảo cũng đóng vai trò lớn tạo nên thành công vang dội cho đế chế truyền thông này. Mặc dù không được đánh giá cao như “người anh em” Dragon Ball, series vẫn mang đến rất nhiều trò chơi chất lượng, đáp ứng sự kỳ vọng từ các fan trung thành.
Tuy nhiên, đâu mới là tựa game Naruto hay nhất từ trước đến nay? Theo trang tổng hợp xếp hạng Metacritic, bên dưới là 10 cái tên tiêu biểu. Liệu danh sách này có thiếu vắng bất kỳ đại diện nào đáng chú ý khác hay không?
10. Naruto: Clash Of Ninja 2 (2006) – Điểm MetaScore: 74
Trước thời Ultimate Ninja Storm, đã từng xuất hiện một thương hiệu khác về các chiến binh Naruto mang tên Clash of Ninja. Dòng game đối kháng này lấy bối cảnh quãng thời gian đầu truyện, chủ yếu xoay quanh cuộc sống của Naruto tại Học viện Ninja cho đến lúc kỳ thi Chunin kết thúc.
Đúng như tên gọi, Clash Of Ninja 2 là phiên bản kế nhiệm Clash of Ninja, được phát hành tại Nhật Bản vào ngày 4 tháng 12 năm 2003 và bao gồm 22 nhân vật khi cập bến thị trường Bắc Mỹ vào ngày 26 tháng 9 năm 2006. Phiên bản này cho phép bốn người chơi chiến đấu trong chế độ multiplayer cùng lúc.
Bằng cách hoàn thành một số nhiệm vụ nhất định, các nhẫn giả có thể mở khóa những tính năng mới (ví dụ như sàn thi đấu, chế độ,…) tại cửa hàng Anko, sau đó sử dụng số tiền thu thập từ các trận chiến để đổi lấy quyền truy cập chúng.
9. Naruto: Clash Of Ninja Revolution (2007) – 74
Revolution là phiên bản Clash of Ninja thứ ba cập bến Bắc Mỹ và được phát hành vào ngày 23 tháng 10 năm 2007. Trò chơi bao gồm 20 nhân vật xoay quanh các sự kiện từ nửa sau cuộc thi Chunin đến khi kết thúc hành trình tìm kiếm Tsunade.
Thực chất, đây là một bản nâng cấp từ Naruto: Gekitou Ninja Taisen 3, nhưng dùng bộ công cụ gameplay tương tự Gekitō Ninja Taisen! EX. Không giống như phần nói trên, trò chơi này bao gồm cả cao thủ làng Sương Mù Kisame, vốn không thể chơi được trong series Nhật Bản mãi cho đến phần Gekitō Ninja Taisen! 4.
Trò chơi sử dụng phụ kiện Nunchuk cho bộ điều khiển từ xa Wii Remote để thi triển các pha tấn công cơ bản và đặc biệt, vốn yêu cầu một số chuyển động cụ thể từ cả hai thiết bị. Game từng được đề cử ở hạng mục trò chơi đối kháng xuất sắc nhất năm 2007 của hệ máy Wii.
8. Naruto: Ultimate Ninja Storm (2008) – 75
Vào năm 2008, trò chơi đầu tiên trong loạt Naruto: Ultimate Ninja Storm đã chính thức xuất hiện. Tách ra khỏi series Ultimate Ninja, dòng Ninja Storm nhanh chóng vượt qua thành công của bản gốc, đưa thế giới Nhẫn giả tiến vào đấu trường 3D hoàn chỉnh.
Ultimate Ninja Storm được phát triển bởi CyberConnect12, công ty vốn nổi tiếng về chất lượng hình ảnh tuyệt vời ở các trò chơi anime, bao gồm 25 nhân vật có thể chơi được và rất nhiều đấu trường. Phiên bản này đã giới thiệu một “chế độ thức tỉnh” (Awakening Mode), giúp nhân vật gia tăng sức mạnh đáng kể sau khi chịu nhiều sát thương, rất hữu ích cho những ai thích lội ngược dòng.
7. Naruto: Ultimate Ninja 3 (2008) – 75
Phần thứ ba trong dòng Ultimate Ninja đã bắt đầu cho thấy “dấu hiệu tuổi tác”, nhưng vẫn được đánh giá tốt hơn so với phiên bản tiền nhiệm. Tuy chỉ dừng lại ở phong cách đối kháng 2D (nhân vật và môi trường vẫn được dựng 3D), nhưng nó cũng sở hữu nhiều yếu tố hấp dẫn của Naruto – ví dụ như dàn nhân vật đồ sộ lên đến 45, và nội dung kéo dài đến tập phim anime thứ 135. Tại Nhật Bản, trò chơi còn được bán với một OVA anime dài 30 phút.
Bên cạnh đó, Ultimate Ninja 3 còn mang đến một vài cơ chế mới đáng chú ý. Chẳng hạn như tùy chỉnh bất kỳ đòn tuyệt kỹ Jutsu nào của nhân vật, cùng những thước phim cutscene nhỏ diễn ra khi hai chiêu thức đặc biệt va chạm nhau. Trò chơi cũng được xây dựng dựa trên chế độ cốt truyện của phiên bản tiền nhiệm, bổ sung thêm các đoạn cắt cảnh CGI.
6. Naruto: Ultimate Ninja (2006) – 75
Ultimate Ninja, trò chơi bắt đầu dòng game Naruto dài hơi nhất cung cấp một danh sách nhân vật khá khiêm tốn chỉ gồm 12 người. Tuy khó so bì với những phần tiếp theo, nhưng nó đã thiết lập nên nền tảng cơ bản khi cho phép người chơi điều khiển các nhẫn giả thi triển đủ loại Jutsus và các đòn dứt điểm.
Ultimate Ninja cũng có dàn nhân vật phụ hỗ trợ (chẳng hạn như Iruka hỗ trợ Naruto, Kakashi Hatake hỗ trợ của Sasuke) khi cần thiết và chế độ câu chuyện tái hiện lại từ manga. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy góc nhìn của các nhân vật khác về những sự kiện đó, dẫn đến các kịch bản khác nhau và thậm chí phân kỳ (ví dụ như Neji được tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc chiến với Naruto).
Yếu tố gây sốc nhất là các màn biến hình. Trong khi ở bản Nhật Narutimate Hero, Naruto và Sasuke có thể hóa thành Cửu Vĩ Naruto và Sasuke bị nguyền rủa giữa trận chiến, thì ở bản phát hành tại Mỹ, đây lại là hai nhân vật riêng biệt.
5. Naruto Shippuden: Ultimate Ninja Storm 2 (2010) – 77
Sau thành công của Naruto: Ultimate Ninja Storm, quá trình phát triển phần tiếp theo đã bắt đầu thu hút sự chú ý từ người hâm mộ. Nhà phát triển CyberConnect2 cũng rất tinh tế, khi chủ động tiếp thu những phản hồi từ cộng đồng về trò chơi đầu tiên để hoàn thiện bản kế nhiệm. Bên cạnh các nhân vật Naruto, trò chơi còn có cả khách mời Lars Alexandersson từ series Tekken nổi tiếng.
Gameplay của Naruto Shippuden: Ultimate Ninja Storm 2 vẫn giữ nguyên nhiều yếu tố của phần đầu tiên và có 23 màn đấu cùng 9 chương, bao gồm phần mở đầu và một chương phụ.
Phản ứng của giới phê bình đối với trò chơi dao động từ mức trung bình đến tốt. Tuy không hài lòng về việc thiếu các sự kiện trên bản đồ thế giới sau khi hoàn thành chế độ câu chuyện, nhưng các chuyên gia vẫn dành lời khen ngợi cho chất lượng hình ảnh và các trận đánh trùm, so sánh chúng một cách tích cực với loạt phim hoạt hình. Storm 2 đạt mức doanh số khả quan, thuộc một trong những trò chơi bán chạy nhất năm 2010 của Bandai.
4. Naruto: Rise Of A Ninja (2007) – 78
Rise of a Ninja là trò chơi đầu tiên trong series Naruto do một công ty không phải của Nhật Bản phát triển (Ubisoft). Nó độc đáo ở chỗ kết hợp cả yếu tố nhập vai, chiến đấu và platforming 3D, cho phép Naruto chạy quanh làng Lá, nhảy từ mái nhà này sang mái nhà khác.
Bối cảnh game diễn ra từ lúc đầu truyện đến hết cuộc Xâm lược Konoha (tập 1-80 của anime), với các nhiệm vụ phụ đi kèm. Trò chơi cũng hỗ trợ online, bảng xếp hạng trực tuyến và bao gồm 16 nhân vật điều khiển được, bao gồm cả dạng DLC.
Trò chơi đã nhận về nhiều đánh giá tích cực từ các nhà phê bình. Ví dụ điển hình như trang IGN dành tặng game điểm số 8,4/10, kèm theo lời nhận xét rằng đây là “trò chơi Naruto tuyệt vời đầu tiên”. Bên cạnh đó, nó còn giành giải game đối kháng hay nhất tại sự kiện E3 2007. Hơi tiếc rằng do chỉ độc quyền trên hệ máy Xbox 360, nên các fan sử dụng nền tảng khác không có dịp trải nghiệm Rise Of A Ninja.
3. Naruto Shippuden: Ultimate Ninja Storm 4 (2016) – 80
Đây là phần thứ sáu và cuối cùng trong series Naruto: Ultimate Ninja Storm, bao gồm phần truyện về Đại chiến Shinobi lần thứ tư, với nhiều nhân vật và tính năng hơn bao giờ hết. Tương tự Storm 3, trò chơi vẫn sử dụng hệ thống chiến đấu đối kháng quen thuộc; tuy nhiên, người chơi có thể chuyển đổi giữa một nhóm gồm 3 chiến binh có thể hỗ trợ lẫn nhau.
Bên cạnh đó, Storm 4 cũng bao gồm cả những màn đánh trùm, các phân đoạn hack & slash và QTE (bấm đúng phím hiện trên màn hình), cũng như một bản mở rộng mang tên Road to Boruto, phỏng theo các sự kiện của bộ phim Boruto. Trò chơi nhận được những đánh giá tích cực về cốt truyện và đồ họa, nhưng chưa thỏa mãn về thời lượng câu chuyện cũng như chiều sâu ở cơ chế điều khiển.
Tính đến tháng tháng 12 năm 2021, cả trò chơi gốc lẫn bản mở rộng đã bán được 8,7 triệu bản.
2. Naruto Shippuden: Ultimate Ninja Storm 3 Full Burst (2013) – 80
Dù tựa đề cực kỳ dài nhưng bù lại Ultimate Ninja Storm 3 Full Burst cũng chứa đựng lượng nội dung vô cùng lớn. Trò chơi bao gồm 81 nhân vật có thể chơi được và 7 nhân vật hỗ trợ, với câu chuyện tập trung vào cuộc xung đột giữa các ninja từ tất cả các làng và tổ chức khủng bố Akatsuki.
Về cách chơi, hệ thống chiến đấu nay đã được sửa đổi với chế độ Thức tỉnh (Awakening Mode), cho phép nhân vật tăng cường kỹ năng khi thanh sức khỏe xuống thấp. Hệ thống vật phẩm cũng được sắp xếp lại để người chơi lựa chọn giữa vật phẩm hồi máu và tấn công. Bên cạnh đó, nó còn có một chế độ “Ultimate Decision”, thách thức người chơi chinh phục độ khó cao hơn để nhận về nhiều phần thưởng hơn.
Ultimate Ninja Storm 3 Full Burst được khen ngợi ở các trận đánh trùm và cốt truyện sâu sắc, mặc dù một số nhà phê bình nhận xét rằng câu chuyện có thể khó theo dõi đối với người mới. Có lẽ đây là lý do tại sao trò chơi thường đi kèm với các tựa game Ninja Storm khác.
1. Naruto: The Broken Bond (2008) – 80
The Broken Bond là trò chơi Naruto thứ hai và cuối cùng do Ubisoft phát hành. Mặc dù xuất hiện chỉ sau phiên bản tiền nhiệm một năm do giấy phép bản quyền sắp… hết hạn, nhưng trò chơi được đánh giá thậm chí còn tốt hơn Rise of a Ninja.
The Broken Bond bắt đầu từ nơi phần trước dừng lại, diễn ra giữa các tập 81-135 của anime và bao gồm tình tiết về cuộc truy tìm Tsunade, quá trình ngăn Sasuke đến với Orochimaru, cũng như một số đoạn hồi tưởng từ Rise of a Ninja.
Trò chơi có tổng cộng 30 nhân vật có thể chơi được (bao gồm cả DLC), một hệ thống tag-team mới, phần lồng tiếng và nhạc nền từ anime Naruto gốc. Nó cũng mang đến một giao diện màu nước mới cho môi trường, giúp cho các nhân vật thêm phần nổi bật.
Theo Screen Rant