Mục Lục
Mặc dù hầu hết các trò chơi đều cho bạn lựa chọn độ khó trước khi bắt đầu phần chiến dịch, nhưng một số tựa game lại có cách tiếp cận khác độc đáo hơn: dùng “độ khó thích ứng”. Đây là một tính năng thú vị bởi nó sẽ thay đổi mức độ thử thách theo đúng trình độ mà bạn thể hiện.
Có khá nhiều trò chơi đã triển khai độ khó thích ứng trong những năm qua, và bạn thậm chí có thể không biết rằng một số tựa game yêu thích của bạn đã sử dụng nó ở một số hình thức nhất định. Điều này cho phép bạn trải nghiệm trọn vẹn hơn, vì bạn có cảm giác như đang thực sự tiến bộ và phát triển song song với nhân vật yêu thích của mình.
Resident Evil 4
Đầu tiên, không thể không nhắc đến Resident Evil 4, một ví dụ rất nổi tiếng về cách độ khó vận hành linh động trong trò chơi. Mặc dù đã đưa tùy chọn độ khó ngay từ menu chính, nhưng Capcom không quên “chu đáo” tích hợp thêm một cơ chế thích ứng liên tục hoạt động dưới nền.
Một trong những trường hợp điển hình và đáng chú ý nhất nằm ở căn phòng nước (water room) của trò chơi. Nhiều người trong số các bạn hẳn đã từng bị mắc kẹt ở đó, cho đến khi một số nhóm kẻ thù bỗng dưng ngừng xuất hiện. Những yếu tố khác bị ảnh hưởng bao gồm độ hung hãn của kẻ thù nói chung và những vật phẩm nhặt được mỗi lúc khác nhau.
Left 4 Dead
Tương tự như Resident Evil 4, Left 4 Dead cũng cung cấp hẳn một bảng chọn độ khó rất chi tiết trước khi bắt đầu mỗi chiến dịch. Vấn đề là Valve còn đệm thêm một chút công nghệ tiên tiến để chống lại nhóm người còn sống sót, thường được gọi bằng cái tên The Director.
Ẩn dưới nền của cả hai phiên bản Left 4 Dead, The Director liên tục thực hiện những thay đổi tinh tế đối với trải nghiệm chơi của bạn. Từ chặn các tuyến đường, triệu hồi bầy quái vật, thiết lập nhiều vị trí hú còi báo động cho đến tăng độ “trâu” của Tank, v.v… tất cả đều tùy thuộc vào phong độ bạn đang thể hiện.
Oblivion
Có thể nhiều bạn chưa biết, Oblivion cũng có một cơ chế điều chỉnh độ khó hoạt động khá đáng nể. Những ai “chây ì”, không chịu hoàn tất các hoạt động nhất định hiện tại có thể gặp thử thách ở mức cao hơn về sau.
Nguyên do chính là bởi kẻ thù và vật phẩm của trò chơi sẽ được điều chỉnh (scale) theo nhân vật của bạn. Càng mạnh mẽ, bạn càng có nhiều khả năng chạm trán các mối đe dọa lớn và thu nhặt chiến lợi phẩm tốt hơn. Điều này có thể khiến việc hoàn thành các nhiệm vụ đầu game trở nên khó khăn hơn rất nhiều, khi bạn trì hoãn chúng và cứ để lần lữa về sau.
Mario Kart 64
Bạn thực sự có thể đặt phần lớn các trò chơi đua xe vào vị trí này, nhưng nổi bật hàng đầu thì phải kể tới Mario Kart 64. Công tắc bật độ khó thích ứng mà nhà sản xuất áp dụng thường được gọi bằng cái tên rubber-banding (dải cao su).
Nếu bạn đang đạt thành tích đặc biệt tốt trên đường đua yêu thích của mình, những tay đua do máy tính điều khiển ở phía sau thường sẽ tăng tốc để thử tài lái của bạn nghiêm túc hơn. Còn nếu bạn tụt về phía sau, chúng sẽ giảm tốc độ phần nào. Tuy nhiên, cơ chế này có thể gây bực bội khi máy tính bỗng dưng “xé gió” lao thẳng về đích ngay trước bạn vài mi-li giây.
Half-Life 2
Half-Life 2 thường nằm trong top những trò chơi điện tử đỉnh cao nhất mọi thời đại, nên không có gì ngạc nhiên khi nó cũng áp dụng một số cơ chế điều chỉnh độ khó tinh tế. Trò chơi được đánh giá là gần như hoàn hảo, và những thứ độc đáo diễn ra dưới nền có thể góp phần vào điều đó.
Rất nhiều bạn đọc từng trải hẳn còn nhớ về các trường đoạn căng thẳng của trò chơi, nơi bạn bị hao hụt đáng kể về đạn dược lẫn sức khỏe, mặc dù đã chơi rất tốt trước đó. Điều đó không hề ngẫu nhiên và là một phần của trò chơi. Vì nó cố tình kéo giãn khoảng cách các điểm tiếp tế vũ khí, túi cứu thương để làm tăng sự lo lắng tổng thể của bạn.
Metal Gear Solid 5
Một ví dụ gần đây hơn và tương đối nổi tiếng về độ khó thích ứng đến từ Metal Gear Solid 5. Ở đây, các kẻ thù khác nhau trong trò chơi sẽ biết cách thích nghi với chiến thuật của bạn, nếu bạn làm điều gì đó lặp đi lặp lại quá thường xuyên.
Đơn cử như nếu bạn dành nhiều thời gian ngắm vũ khí vào đầu đối thủ thì sau này chúng sẽ bắt đầu đội mũ giáp. Điều này cũng đúng với nhiều chiến lược khác trong trò chơi, tạo ra trải nghiệm hành động ẩn thân khá phong phú.
Mega Man Zero
Mega Man Zero là một series trong loạt trò chơi Mega Man của Capcom do hãng Inti Creates phát triển, với sự tham gia của nhà đồng sản xuất Keiji Inafune và đạo diễn Yoshinori Kawano. Loạt game bao gồm bốn trò chơi được phát hành lần đầu trên Game Boy Advance và sau đó là Nintendo DS và Virtual Console (Wii U).
Hầu hết những ai đã chơi qua dòng Mega Man Zero đều biết là các trò chơi mang tính thử thách cao, không cần thêm cơ chế độ khó linh động nào. Nhưng vấn đề nằm ở hệ thống chấm điểm theo từng nhiệm vụ là thứ có thể gây thêm nhiều rắc rối.
Bạn càng chơi tốt ở các màn, thứ hạng của bạn sẽ càng cao. Điều này không chỉ dẫn đến các tùy chọn vật phẩm tốt hơn, mà còn tăng độ khó cho các con trùm lên một chút. Điểm đánh giá càng cao, bạn càng có nhiều khả năng chứng kiến các chiêu thức độc đáo từ boss.
The Legend Of Zelda: Breath Of The Wild
Hầu hết mọi người có lẽ không bao giờ nghĩ về độ khó thích ứng khi đề cập đến Breath Of The Wild, bởi nó được áp dụng một cách rất tự nhiên. Dĩ nhiên, bạn có thể đến ngay Lâu đài Hyrule và nhận những vật phẩm tốt nhất trong trò chơi sớm nếu đủ giỏi, nhưng có cả một hệ thống ẩn đang hoạt động trong nền.
Xuyên suốt quá trình chiến đấu, Link sẽ nhận một loại điểm kinh nghiệm ẩn để từ đó tạo nên những kẻ thù khó nhằn hơn, dựa trên những loại đã bị đánh bại từ trước. Ví dụ, bạn giỏi chiến đấu với loại lính A, thì phiên bản lính A mà bạn gặp sau này sẽ trở nên mạnh hơn hẳn những loại lính khác.
Mortal Kombat
Các phiên bản arcade (máy thùng) của Mortal Kombat nổi tiếng mang lại những trải nghiệm “tàn bạo”. Mặc dù các trò chơi đã tích hợp độ khó động suốt nhiều năm, nhưng trường hợp nổi tiếng nhất phải kể tới những phiên bản arcade ngốn tiền xu này.
Độ khó mà bạn chọn thường chỉ làm mức độ hung hãn của đối thủ tăng lên nhanh hay chậm. Chiến thắng một trận đấu sẽ làm tăng độ hung hãn cho đến khi nó đạt mức tối đa và độ khó cao hơn sẽ đảm bảo điều đó xảy ra nhanh hơn. Điều này có nghĩa là ngay cả trong chế độ dễ, bạn cũng có thể đối mặt với các đối thủ CPU cấp chuyên gia.
Pokémon Yellow
Đúng vậy, ngay cả một trò chơi Pokémon cũng áp dụng cơ chế độ khó thích ứng mà không phải ai cũng biết. Trường hợp được đề cập cụ thể ở đây chính là Yellow, phiên bản nâng cao của Red & Blue và thuộc thế hệ đầu tiên của loạt trò chơi điện tử nổi tiếng.
Ở Pokémon Yellow, thay vì chọn giữa 3 loại Pokémon như truyền thống, bạn buộc phải sử dụng Pikachu do giáo sư Oak bắt được ngay từ đầu. Trong khi đó, đối thủ chính của bạn thì sở hữu một chú Eevee cực kỳ linh hoạt, với khả năng tiến hóa thành 1 trong 8 hình thái khác nhau.
Việc Eevee phát triển theo hướng nào sẽ tùy thuộc vào cách bạn thể hiện trong các trận đấu với đối thủ. Thua quá nhiều thì nó sẽ trở thành Vaporeon (hệ nước kỵ điện/sét) và thắng quá nhiều thì nó sẽ trở thành một Jolteon (hệ sấm sét).
Theo Thegamer