Mục Lục
Ngày nay, thể loại game indie (chỉ những trò chơi độc lập với kinh phí sản xuất khiêm tốn) đang phát triển rất mạnh và phổ biến hơn bao giờ hết.
Với chúng, các nhà phát triển không cần sở hữu những khoảng tiền đầu tư khổng lồ, nhưng phải tận tâm và có niềm yêu thích to lớn dành cho những dự án. Thậm chí, nhiều trò chơi chỉ cần một nhà thiết kế cũng đủ sức tạo được tiếng vang lớn trong cộng đồng và thậm chí còn phát triển thành thương hiệu lớn.
Cần lưu ý rằng, một số cái tên trong danh sách này có sự hỗ trợ nhất định ở khâu xuất bản, nhạc nền hay ảnh minh họa từ nguồn lực bên ngoài. Nhưng điều quan trọng nhất là quá trình lập trình, viết code, thiết lập bộ khung nền tảng hoàn toàn chỉ do một người phụ trách.
Axiom Verge
Được phát triển bởi Thomas Happ, đây là một trong những trò chơi đánh dấu sự trở lại của thể loại Metroidvania trong cộng đồng indie. Cốt truyện của nó xoay quanh nhà khoa học Trace, khi anh tỉnh dậy sau một vụ nổ và xuất hiện trong một thế giới cổ đại sở hữu nền tảng công nghệ tiên tiến.
Gameplay diễn ra theo lối cuộn cảnh, tập trung vào cơ chế hành động và khám phá, đồng thời cung cấp hơn 60 vật phẩm cùng đồ trợ lực khác nhau. Những ai từng gắn bó cùng chiếc máy NES những năm 80, 90 chắc sẽ nhận ra ngay rằng Axiom Verge lấy cảm hứng rất lớn từ các thương hiệu thuộc hàng kinh điển như Metroid, Contra, Blaster Master, Bionic Commando bên cạnh nhiều trò chơi khác.
Braid
Braid được phát triển bởi Jonathan Blow. Lúc đầu, đây có vẻ giống như một trò chơi giải đố đơn giản với tông màu tươi sáng. Tuy nhiên, những ấn tượng ban đầu ấy sẽ dần thay đổi theo thời gian, về cả độ khó cũng như tình tiết cốt truyện.
Các yếu tố cơ bản của câu chuyện trong Braid mở ra khi nhân vật chính Tim cố gắng giải cứu một nàng công chúa thoái khỏi một con quái vật. Bằng cách hoàn thành các màn chơi, những manh mối tiết lộ một sự thật gây bất ngờ từ từ hé mở.
Điểm độc đáo của trò chơi đến từ sự kết hợp độc đáo các yếu tố cốt lõi của thể loại platforming truyền thống với khả năng thao túng thời gian. Nhờ đó, người chơi phải suy ngẫm tìm cách vượt qua thử thách và lắp ráp những thông tin rời rạc lại thành bức tranh hoàn chỉnh.
Cave Story
Cave Story được nhà thiết kế Daisuke Amaya phát triển vào thời gian rảnh trong suốt hơn 5 năm. Có thể nói, đây là trò chơi đánh dấu sự khởi đầu cho cả thị trường indie vô cùng phong phú hiện nay. Bên cạnh đó, nó còn cho thấy sự nỗ lực cùng tâm huyết từ một nhà phát triển duy nhất cũng đủ sức tạo nên trò chơi thuộc hàng kinh điển.
Tương tự như những game kể trên, Cave Story cũng đi theo cơ chế hành động platforming 2D và gợi nhớ đến các trò chơi mà Amaya từng trải nghiệm thời trẻ (chẳng hạn như Metroid và Castlevania – cả hai đều được phát hành vào năm 1986).
Nhân vật chính của Cave Story là chú người máy Quote, vừa tỉnh dậy với chứng mất trí nhớ. Vì thế, người phải giúp đỡ cậu ta khám phá, vượt qua các khu vực hiểm trợ để tìm lại lý lịch của bản thân mình và trốn thoát khỏi hang động. Trên đường đi, Quote sẽ có dịp trò chuyện với các nhân vật NPC để tìm hiểu thêm về thế giới xung quanh.
Sau khi tự xuất bản lần đầu, trò chơi dần trở nên phổ biến trên internet và thu về nhiều lời khen ngơi từ giới phê bình nhờ dàn nhân vật, bối cảnh, câu chuyện và lối chơi hấp dẫn. Cave Story còn được đánh giá là trò chơi độc lập tinh túy vì đội ngũ phát triển chỉ vỏn vẹn một người và tạo ra tầm ảnh hưởng lớn đến thế giới game.
Đây là tất cả những gì đã xảy ra vào năm 2004, trước khi các nền tảng kỹ thuật số cho console tồn tại. Kể từ đó, Amaya đã tiếp tục phát hành nhiều sản phẩm khác đáng chú ý – ví dụ như Kero Blaster. Tuy chưa hoàn toàn đạt đến đỉnh cao của Cave Story nhưng vẫn rất hay.
Dust: An Elysian Tale
Dust lấy bối cảnh trong một thế giới bao gồm nhiều loài sinh vật được nhân hóa, nơi nhân vật chính Dust lên đường tìm lại ký ức về quá khứ của mình. Nhờ sự trợ giúp của thanh kiếm có tri giác Blade of Ahrah, và người giám hộ Fidget, Dust hỗ trợ người dân chống lại các lực lượng do Tướng Gaius lãnh đạo.
Về cơ bản, Dust là một trò chơi hành động phiêu lưu khám phá theo phong cách Metroidvania, sở hữu nghệ thuật đồ họa theo dạng vẽ tay đẹp mắt. Tuy tạo hình nhân vật dễ thương và gần gũi, nhưng câu chuyện lại khá tăm tối.
Với Dust: An Elysian Tale, nhà thiết kế Dean Dodrill đã tự mình biên soạn gần như toàn bộ nội dung của trò chơi và chỉ dựa vào sự trợ giúp từ bên ngoài cho việc lồng tiếng, tường thuật câu chuyện và nhạc nền.
Iconoclasts
Iconoclasts được phát triển bởi nhà thiết kế Joakim Sandberg, dựa trên bộ công cụ Construct Classic trong suốt 8 năm kể từ 2010. Nhân vật chính là Robin, một người thợ máy chất phác thích giúp đỡ người khác.
Tuy nhiên, ở một thế giới nơi cơ quan One Concern độc ác cai trị, Robin lại bỗng dưng trở thành “tội phạm” bởi sự rộng lượng và sở thích tự học nghề thợ máy. Điều này buộc cô phải trốn chạy cùng với các đồng minh và tìm cách chống lại One Concern.
Về cơ bản, đây cũng là một tựa game platforming 2D với các yếu tố metroidvania kết hợp giữa cơ chế khám phá, chiến đấu và giải các câu đố về môi trường. Trò chơi đặc biệt tập trung vào các trận đấu boss, với hơn 20 con trùm khác nhau xuất hiện trong game.
Iconoclasts rõ ràng là một dự án đầy thử thách của Sandberg, với nhiều lần sửa đổi diễn ra trong gần 1 thập niên phát triển. Rất may, công việc khó khăn đó đã được đền đáp xứng đáng bởi sự đón nhận nồng nhiệt từ cộng đồng.
Minecraft
Chắc không phải nói gì nhiều về Minecraft nữa, bởi trò chơi sandbox này đã nổi tiếng và chiếm lĩnh thế giới hơn một thập niên nay. Ban đầu, nó được phát triển bởi Markus “Notch” Persson bằng ngôn ngữ lập trình Java qua và sau một số phiên thử nghiệm riêng tư thì được công bố lần đầu tiên vào tháng 5 năm 2009, trước khi phát hành hoàn toàn trên Windows, macOS, Linux vào tháng 11 năm 2011.
Kể từ đó, game tiếp tục chuyển sang nhiều nền tảng khác và không lâu sau cũng trở thành trò chơi điện tử bán chạy nhất mọi thời đại, đạt doanh số 200 triệu bản và 126 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tính đến năm 2020.
Ngày nay, Persson không còn tham gia vào quá trình phát triển và Minecraft cũng đã là một sản phẩm hợp tác bao gồm rất nhiều nguồn nhân lực, với quy mô vượt xa dự án một người ngày nào.
Rollercoaster Tycoon
Rollercoaster Tycoon là tựa game mô phỏng tàu lượn siêu tốc đánh dấu sự bắt đầu cho cả một thương hiệu dài kỳ nổi tiếng. Nhà phát triển Chris Sawyer người Scotland đã tự thiết kế và lập trình nên trò chơi trong suốt hai năm tại một ngôi làng nhỏ gần Dunblane.
Sawyer viết 99% mã cho RollerCoaster Tycoon bằng hợp ngữ x86, với 1% còn lại viết bằng C. Phần đồ họa được thiết kế bởi nghệ sĩ Simon Foster bằng cách sử dụng một số chương trình mô hình hóa, kết xuất và vẽ 3D.
Ban đầu, Sawyer nhờ đến gia đình và bạn bè để giúp test thử trò chơi, sau đó ông mới chuyển sang nhà phát hành Hasbro Interactive để giúp hoàn thành quá trình kiểm tra lỗi và thu nhận nhiều ý kiến phản hồi hơn. Thành quả cuối cùng đạt được là doanh thu game gần 180 triệu đô la cho nhà xuất bản, và 30 triệu trong đó thuộc về Sawyer.
Stardew Valley
Stardew Valley là tựa game nhập vai mô phỏng do Eric “ConcernedApe” Barone phát triển trong hơn bốn năm. Người chơi vào vai một nhân vật tiếp quản trang trại đổ nát của người ông đã khuất ở Thung lũng Stardew.
Tại đó, họ có thể tham gia các hoạt động đa dạng khác nhau như trồng trọt, chăn nuôi, chế tạo hàng hóa, khai thác quặng, buôn bán sản phẩm và giao lưu với người dân thị trấn (bao gồm cả kết hôn và sinh con).
Stardew Valley lấy cảm hứng rất nhiều từ series Harvest Moon nổi tiếng. Tuy nhiên, Barone không sao chép hoàn toàn thương hiệu trên, mà bổ sung thêm những tính năng riêng để khỏa lấp một số thiếu sót của những trò chơi đi trước.
Giữa quá trình phát triển, công ty Chucklefish của Anh đã tiếp cận Barone để bàn về việc xuất bản trò chơi và giúp anh tập trung hơn vào việc hoàn thành nó. Đến tháng 2 năm 2016, game chính thức xuất hiện trên Microsoft Windows đầu tiên, rồi mới đến macOS, Linux, PlayStation 4, Xbox One, Nintendo Switch, PlayStation Vita, iOS và Android.
Stardew Valley là một thành công cả về mặt thương mại lẫn phê bình, với doanh số đạt hơn 10 triệu bản vào năm 2020.
Tetris
Thật khó tin nhưng thương hiệu game giải đố nổi tiếng toàn cầu này đã khởi đầu bởi một người đàn ông ở Nga, Alexey Pajitnov.
Vào năm 1984, Pajitnov tạo ra Tetris cho hệ thống máy tính Electronika 60 và thu về thành công đáng kể. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự bùng nổ khi xuất hiện trên các hệ máy Nintendo.
Trong Tetris, người chơi di chuyển (sang trái/phải) hoặc xoay các mảnh ghép Tetromino có hình dạng khác nhau xuống sân chơi để tạo thành những hàng đều tăm tắp không có khe hở. Khi lấp đầy một hàng “gạch” nhất định được lấp đầy, chúng sẽ biến mất và thưởng điểm cho người chơi.
Dù dựa trên những quy tắc cực kỳ đơn giản nhưng Tetris vẫn đòi hỏi ở người chơi trí thông minh và kỹ năng ứng biến đáng nể để đạt thành tích cao nhất. Theo Wikipedia, nó đã bán được hơn 202 triệu bản tính đến tháng 12 năm 2011 và trở thành một trong những thương hiệu trò chơi điện tử bán chạy nhất mọi thời đại. Chưa hết, trò chơi còn lập kỷ lục Guinness thế giới cho tựa game điện tử được chuyển lên nhiều nền tảng nhất (hiện đạt đến hơn 65).
Tetris cũng trở thành biểu tượng trong nền văn hóa đại chúng và sự phổ biến của nó vượt ra ngoài phạm vi trò chơi điện tử, ảnh hưởng đến cả các ngành kiến trúc, âm nhạc và cosplay.
Undertale
Giữa muôn ngàn những tựa game nhập vai ngập tràn thị trường, nhà thiết kế Toby Fox vẫn biết cách tạo ra dấu ấn bằng cách mang đến một trải nghiệm RPG “chẳng giống ai” đúng nghĩa.
Ngoài một số ảnh nghệ thuật, Fox đã tự mình phát triển toàn bộ trò chơi, bao gồm cả kịch bản và âm nhạc. Dĩ nhiên, anh đã mượn cảm hứng từ rất nhiều trò chơi nhập vai cổ điển thời 16-bit và thậm chí cả… chương trình hài Mr Bean của Anh, nhưng nhờ đó mới nhào nặn nên một Undertale độc đáo khó ai sánh bằng.
Dưới góc nhìn 2D từ trên xuống, người chơi sẽ dõi theo chuyến hành trình tìm đường trở về nhà của một đứa trẻ tại Underground – một vùng đất rộng lớn, hẻo lánh dưới bề mặt Trái đất, được ngăn cách bởi kết giới ma thuật.
Tại đó, nhân vật chính sẽ gặp gỡ với nhiều loại quái vật khác nhau và một số có thể giao chiến với người chơi. Tuy nhiên, họ hoàn toàn có thể lựa chọn những phương án hòa bình như làm bạn, cứu giúp quái vật thay vì giết chúng. Những lựa chọn này gây ảnh hưởng đến toàn bộ trò chơi – từ lời thoại, nhân vật và tình tiết cốt truyện đều thay đổi.
Nhờ những yếu tố đặc sắc riêng không lẫn lộn với bất kỳ game nhập vai nào khác, trò chơi đã nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình, xuất hiện ở nhiều danh sách đề cử trò chơi hay nhất của năm. Nó cũng đạt thành công về thương mại khi đạt mốc hơn một triệu bản bán ra.
Tổng hợp