Mục Lục
- The Incredibles: The Rise Of The Underminer (2005)
- LEGO The Incredibles (2018)
- WALL-E (2008)
- Toy Story 3: The Video Game (2010)
- Monsters, Inc. Scream Team (2001)
- Cars 2 (2011)
- Toy Story Racer (2001)
- Finding Nemo: The Video Game (2003)
- Up: The Video Game (2009)
- Toy Story 2: Buzz Lightyear To The Rescue (1999)
Trong những năm qua, Pixar vẫn miệt mài cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, mang đến những câu chuyện hấp dẫn và chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc.
Cho dù đó là bộ phim thiên về giải trí hài hước hay khai thác về nội tâm mang tính hàn lâm, công ty đều biết cách biến hóa để thu hút nhiều đối tượng khán giả. Điều này phần lớn là nhờ vào cách xây dựng dàn nhân vật nổi bật, giàu chiều sâu được triển khai tinh tế xuyên suốt các câu chuyện.
Tất nhiên, thành công mà những bộ phim này đạt được cũng kéo theo sự xuất hiện của nhiều sản phẩm phụ trợ khác, giúp mang lại nhiều nguồn doanh thu hơn. Trong đó, dĩ nhiên bao gồm cả các trò chơi điện tử.
Song song với việc thưởng thức những bộ phim, người hâm mộ cũng muốn được tự mình bay nhảy trong các thế giới kỳ ảo. Đây chính là tiền đề để những trò chơi tuyệt vời dựa trên các thương hiệu Pixar xuất hiện và bên dưới là Top 10 cái tên nổi bật nhất.
The Incredibles: The Rise Of The Underminer (2005)
Các siêu anh hùng luôn là những nhân vật lý tưởng trong thế giới game, bởi sự hấp dẫn đến từ nguồn sức mạnh phi thường của họ. Gia đình The Incredibles dĩ nhiên cũng không nằm ngoài số này, và họ quả thực hoàn hảo để làm hạt nhân xây dựng nên một trò chơi điện tử.
Nếu như bạn vẫn còn nhớ thì bộ phim đầu tiên đã khép lại với cảnh nhân vật phản diện The Underminer xuất hiện. Mặc dù Pixar phải mất đến hơn 1 thập niên để tạo ra phần tiếp theo, người hâm mộ không phải đợi lâu như vậy để tự mình chiến đấu với gã tội phạm này.
Năm 2005, The Incredibles: Rise Of The Underminer chính thức cập bến PS2, Xbox, GC, PC và nhiều nền tảng khác. Trò chơi cho phép các fan vào vai Mr. Incredible hoặc Frozone để ngăn chặn kế hoạch của The Underminer và bè lũ tay sai của hắn.
Dù không mang đến những yếu tố naò quá đột phá, nhưng tựa game hành động vui nhộn thực sự đã lấp đầy khoảng trống giữa hai phần phim cho nhiều người hâm mộ.
LEGO The Incredibles (2018)
Khác với The Rise Of The Underminer, trong trò chơi này, các nhân vật trong gia đình siêu nhân sẽ thể hiện theo phong cách LEGO ngộ nghĩnh. Gameplay của nó kết hợp giữa việc giải các câu đố, chiến đấu với kẻ thù và cho phép hai người chơi cùng hợp tác.
LEGO The Incredibles cho phép người chơi điều khiển nhiều siêu anh hùng và phản diện khác nhau từ cả hai bộ phim. Danh sách này bao gồm cả những nhân vật không xuất hiện trong phim, nhưng được liệt kê ở cơ sở dữ liệu của National Supers Agency.
Ngoài ra, những cái tên nổi tiếng từ những bộ phim Pixar khác như Flik từ A Bug’s Life, Merida từ Brave, Lightning McQueen từ Cars và Woody từ Toy Story cũng xuất hiện.
Mỗi nhân vật sở hữu những khả năng và siêu năng lực đặc biệt khác nhau. Ví dụ như Mr. Incredible có siêu sức mạnh và khả năng bất khả xâm phạm, Elastigirl thì biến dạng cơ thể theo nhiều cách, hay Violet có thể tàng hình và tạo ra trường lực….
Câu chuyện của trò chơi bám sát cốt truyện của cả The Incredibles và Incredibles 2, nhưng không quên thêm thắt những tình tiết biến tấu đầy hài hước và thậm chí còn có một số thay đổi lớn. Thế giới mở của trò chơi lấy bối cảnh tại hai thành phố hư cấu, Municiberg và New Urbem nằm rất gần nhau.
LEGO The Incredibles đã được đề cử là “Game nhiều người chơi thân thiện với gia đình được fan yêu thích” tại giải thưởng Gamers’ Choice Awards, “Trò chơi điện tử được yêu thích” tại sự kiện Kids’ Choice Awards năm 2019, và hạng mục “Gia đình” tại Giải thưởng British Academy Games Awards lần thứ 15 do học viện Anh quốc tổ chức.
WALL-E (2008)
Trò chơi điện tử này dẫn dắt người chơi trải nghiệm lại những tình tiết trong bộ phim cùng tên, bằng cách hoàn thành các nhiệm vụ và thử thách khác nhau xuất hiện trên chuyến hành trình.
Đó là một tựa game platformer thú vị, hoàn hảo cho bất kỳ ai yêu thích câu chuyện đầy cảm xúc của WALL-E và EVE, cả hai đều được thể hiện dưới dạng các nhân vật có thể điều khiển.
Mặc dù không có nhiều trường đoạn hành động như một số trò chơi Pixar khác (bởi bản thân bộ phim cũng không có nhiều cảnh như vậy), nhưng tính cách thú vị của dàn nhân vật sẽ bù đắp cho sự thiếu sót đó.
Toy Story 3: The Video Game (2010)
Các nhân vật trong Toy Story là một trong những gương mặt mang tính biểu tượng nhất trong lịch sử phim hoạt hình, kết hợp với chủ đề về đồ chơi, thương hiệu rõ ràng rất hoàn hảo để chuyển thể thành trò chơi điện tử.
Toy Story 3: The Video Game là một trò chơi hành động platform với chế độ cốt truyện tái hiện các sự kiện trong phim. Woody, Buzz và Jessie là những nhân vật điều khiển được. Mỗi người đều sở hữu những khả năng riêng cần thiết để vượt qua các thử thách đặt ra để tiếp tục tình tiết câu chuyện.
Tuy nhiên, điểm sáng lớn nhất của game nằm ở chế độ Toy Box, lấy bối cảnh trong vũ trụ của loạt phim truyền hình hư cấu Woody’s Roundup. Nó mang đến rất nhiều yếu tố có thể tùy chỉnh, cho phép mọi người thực sự đi sâu vào thế giới mở và vui chơi nhiều nhất có thể với dàn nhân vật.
Monsters, Inc. Scream Team (2001)
Monsters, Inc. Scream Team có thể không sở hữu nền tảng đồ họa hào nhoáng như các trò chơi Pixar sau này, nhưng nó cũng có một số yếu tố hấp dẫn riêng giúp làm nên sự khác biệt.
Tựa game platformer cho phép người chơi vào vai cả hai nhân vật chính Sulley và Mike, trải qua khóa đào tạo để trở thành những nhân viên thu thập tiếng hét xuất sắc nhất. Mỗi chú quái vật đều có những bước di chuyển và kỹ năng hù dọa khác nhau.
Bộ đôi được gửi đến Đảo Scare, nơi họ đi khắp nơi để tạo ra năng lượng cho thành phố sử dụng. Tuy nhiên, người chơi phải cẩn thận vì kỳ thực trẻ em rất nguy hiểm đối với loài quái vật. Sự trớ trêu này giúp cho cuộc đối đầu trở nên thú vị hơn rất nhiều.
Cars 2 (2011)
Cars 2 có thể là một trong những tác phẩm yếu nhất của Pixar, nhưng lại là một trong những trò chơi điện tử chuyển thể hay nhất. Bối cảnh của series rất phù hợp cho một trò chơi tốc độ, và nhà phát triển chỉ việc đưa dàn nhân vật từ thương hiệu vào thế giới game.
Mục tiêu chính mà trò chơi đề ra là về đích ở thứ hạng cao nhất tại mỗi cuộc đua, mở khóa các cấp độ mới và đạt số điểm lớn nhất có thể. Game cũng đưa vào một số vật phẩm trợ lực (power-up) trên đường chạy tương tự như series Mario Kart, giúp trải nghiệm thêm phần thú vị – đặc biệt là ở chế độ nhiều người chơi.
Mặc dù không ở cùng cấp độ với tác phẩm nhà Nintendo, nhưng nó vẫn đem lại trải nghiệm khá thú vị cho các fan của Cars.
Toy Story Racer (2001)
Khá bất ngờ khi Toy Story lại có thể được chuyển thể thành game đua xe nhưng hãng Activision cùng các đối tác của mình đã làm được điều đó.
Toy Story Racer phát hành trên PlayStation mang đến 12 nhân vật điều khiển được từ phần phim đầu tiên, nhưng ban đầu chỉ có sẵn Woody, Buzz, Bo Peep, và RC. Số còn lại yêu cầu mở khóa bằng cách kiếm đủ lượng lính cần thiết cho từng nhân vật tương ứng. Game có tổng cộng 200 binh lính để thu thập bằng cách tranh tài ở các thể loại đua khác nhau.
Bên cạnh đó, trò chơi cũng cung cấp sẵn 18 đường đua ở nhiều địa điểm khác nhau như nhà của Andy, khu phố Andy ở, trung tâm mua sắm, bến tàu, nhà hàng Pizza Planet, bãi đậu xe ngầm, nhà của Sid, sân bóng rổ, sân chơi bowling, rạp chiếu phim, trạm xăng và sân trượt băng.
Gamer có thể sử dụng 8 vật phẩm được tìm thấy trong bốn hộp màu khác nhau nằm trên mỗi đường chạy, bao gồm con quay, tên lửa, bộ tăng tốc độ.. để chống lại đối thủ và giành lợi thế về đích trước tiên.
Toy Story Racer là một sản phẩm mà khó ai ngờ tới, nhưng cũng thật thú vị khi nhìn thấy những chiếc xe khác nhau mà các nhân vật sở hữu đều mang chủ đề đặc trưng về tính cách và đặc điểm riêng của họ.
Finding Nemo: The Video Game (2003)
Trò chơi được phát triển dựa trên nền tảng từ bộ phim gốc từng là một hiện tượng vào những năm đầu thiên niên kỷ mới. Dory, Marlin và Nemo đều là những nhân vật có thể điều khiển được và họ sẽ tham gia vào các nhiệm vụ, thử thách khác nhau trong lòng đại dương bao la.
Finding Nemo: The Video Game cũng bao gồm nhiều đoạn phim cảnh cắt liên kết với tác phẩm điện ảnh, cho phép người hâm mộ trải nghiệm lại các tình tiết câu chuyện mà họ đã biết, và mang đến những thử thách mới lạ để tránh bị nhàm chán do lặp đi lặp lại.
Up: The Video Game (2009)
Diễn biến của trò chơi điện tử này đi theo câu chuyện của bộ phim cùng tên, mang đến cho người chơi cơ hội vào vai Carl, Russell và Dug tại các thời điểm khác nhau. Với những đoạn hội thoại vui nhộn, màu sắc rực rỡ và đồ họa tươi sáng – đây là một trò chơi rất dễ thưởng thức.
Bộ phim vốn tràn ngập những điều thú vị và bất ngờ, nên phiên bản trò chơi cũng rất nỗ lực để thể hiện những khía cạnh đó. Up: The Video Game thậm chí còn hỗ trợ chơi nhiều người và mang lại những trường đoạn hành động trên không đúng như tinh thần của tác phẩm gốc.
Toy Story 2: Buzz Lightyear To The Rescue (1999)
Trong số tất cả các trò chơi Pixar từng được sản xuất từ trước đến nay, Toy Story 2: Buzz Lightyear To The Rescue vẫn luôn nổi bật nhất.
Đúng như tên gọi, trọng tâm của tựa game chính là anh chàng Buzz Lightyear. Người chơi sẽ điều khiển anh ta để vượt qua 15 level lấy cảm hứng từ các địa điểm trong phim để giải cứu Woody.
Xuyên suốt quá trình, nhân vật chính phải thu thập thêm các Token Pizza Planet nằm rải rác, bằng cách hoàn thành các mục tiêu khác nhau.
Ví dụ như chiến đấu với mini-boss, giải câu đố, hoàn thành một thử thách với thời gian giới hạn, gìanh chiến thắng ở một cuộc đua, hoặc giúp một nhân vật tìm ra 5 vật phẩm nào đó. Điều này rất quan trọng vì game yêu cầu phải có Token để qua màn và mở khóa những level nhất định.
Toy Story 2: Buzz Lightyear To The Rescue sở hữu các yếu tố platforming thú vị với những khoảnh khắc không kém phần thử thách. Nhưng nhờ đó mà nó mới để laị ấn tượng đáng nhớ cho ai từng trải nghiệm qua.
Theo screenrant