Mục Lục
Không siêu anh hùng nào khác trên thế giới sở hữu lượng trò chơi điện tử phong phú và đặc sắc như Người Nhện. Spidey đã xuất hiện trong game từ nhiều thập kỷ trước và trải dài trên nhiều nền tảng khác nhau.
Một số rất tuyệt vời nhưng cũng không ít sản phẩm để lại dư vị đắng ngắt. Tuy nhiên, bài viết này sẽ chỉ liệt kê ra những cái tên đặc sắc nhất đã để lại trải nghiệm đẹp trong lòng cộng đồng mà thôi.
Lưu ý rằng danh sách này chỉ bao gồm những trò chơi mà Người Nhện là ngôi sao chính chứ, không phải chỉ một phần trong dàn siêu anh hùng như Marvel: Ultimate Alliance. Bạn sẽ tìm thấy một số tác phẩm kinh điển, hoặc mới nổi tiếng gần đây, và thậm chí cả một số trò chơi mà có thể bạn đã quên.
Spider-Man: The Video Game (1991)
Năm 1991, Spider-Man: The Video Game đã được phát hành cho Hệ thống Sega 32. Cốt truyện cũng rất đơn giản: Người Nhện và các đồng minh của anh ta đang thực hiện một nhiệm vụ để lấy lại một cổ vật. Trong quá trình đó, họ sẽ gặp phải những nhân vật phản diện quen thuộc như Kingpin, Venom, Green Goblin và Doctor Doom.
Mặc dù trò chơi Arcade chủ yếu xoay quanh Spider-Man, nhưng chức năng multiplayer vẫn cho phép nhiều người cùng tham gia trong vai những vị anh hùng khác như Black Cat, Hawkeye và Sub-Mariner,… Điều này rất tuyệt vì họ chưa xuất hiện nhiều ở thế giới trò chơi điện tử.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Spider-Man: The Video Game là một trong những trò chơi siêu anh hùng hay nhất thời bấy giờ.
Spider-Man (2002)
Trong khi Spider-Man 2 đã gặt hái gần như mọi vinh quang trong thể loại game dựa theo phim, phiên bản tiền nhiệm của nó cũng mang đến những khoảng thời gian giải trí vô cùng thú vị.
Dựa trên phần phim đầu tiên do ông Sam Raimi đạo diễn, trò chơi này là sự phát triển tiếp theo từ tựa game Spider-Man trên PS1 nổi tiếng từ hãng Neversoft, với cơ chế chiến đấu và chất lượng đồ họa được cải thiện đáng kể.
Trò chơi này cần được tôn trọng đặc biệt vì có các trận đánh trùm Green Goblin hay nhất từng có trong một trò chơi điện tử. Những màn giao đấu trên bầu trời hay dưới đất với vị ác nhân kinh điển này đều rất thử thách, nhưng nếu vượt qua sẽ mang đến cảm giác hài lòng khó tả.
Chưa hết, game còn chứa một mã… gian lận cho phép bạn vào vai Harry Osborn để trải nghiệm một câu chuyện thay thế. Cậu sẽ phải đối đầu với một Goblin giấu tên, người tuyên bố được thuê bởi Norman, cha của chính Harry. Điều đó giúp cho trò chơi này trở thành một viên ngọc độc nhất vô nhị trong thư viện game Người Nhện.
Ultimate Spider-Man (2005)
Trò chơi này dựa trên loạt phim Ultimate Spider-Man rất được yêu thích, với phần kịch bản đến từ người chấp bút cho chính series, ông Brian Michael Bendis. Trong đó, người chơi điều khiển cả Spider-Man và Venom, mang đến trải nghiệm đối lập vô cùng khác biệt.
Lấy bối cảnh trong vũ trụ Ultimate Marvel, câu chuyện của trò chơi diễn ra 3 tháng sau arc Venom, xoay quanh cuộc điều tra của Người Nhện về công ty Trask Industries mờ ám, cùng mối liên hệ của nó với việc tạo ra loài sinh vật Symbiote và cái chết của cha mẹ anh ta. Trong khi đó, Venom liên tục phải tránh né những nỗ lực vây bắt của Bolivar Trask, người muốn tái tạo khả năng của Symbiote.
Với cả hai nhân vật, bạn có thể tự do đi lang thang khắp thành phố Manhattan và một số địa điểm của quận Queens để làm công việc cá nhân, hoặc thực hiện các nhiệm vụ giúp phát triển tình tiết câu chuyện. Đây cũng là trò chơi điện tử Spider-Man thế giới mở thứ hai, sau Spider-Man 2 năm 2004.
Spider-Man: Web Of Shadows (2008)
Cốt truyện của Web Of Shadows diễn ra khi Venom tiến hành lây nhiễm chủng sinh vật symbiote ra toàn thành phố Manhattan, buộc Người Nhện phải hợp sức với những “đồng minh bất đắc dĩ” để ngăn chặn hắn ta. Song song đó, anh còn phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn có thể thay đổi cuộc đời mãi mãi. Câu chuyện của trò chơi đặc biệt đen tối hơn so với các trò chơi Spider-Man trước đó.
Spider-Man: Web Of Shadows tạo nên hiệu ứng khá tốt trên PlayStation 3, Nintendo Wii, Xbox 360 nhờ sở hữu nhiều yếu tố thú vị. Chẳng hạn như cung cấp các lựa chọn có thể làm thay đổi cốt truyện, cho phép Người Nhện chiêu nạp đồng minh để tham gia các trận chiến và một câu chuyện đầy cảm xúc. Nhiều người vẫn coi đây là trò chơi Spider-Man yêu thích của họ, với sự xuất hiện của những khách mời tuyệt vời như Moon Knight, Luke Cage và Wolverine.
Spider-Man 2 (2004)
Được phát hành cho PlayStation 2, Xbox, Nintendo GameCube và các hệ máy khác vào năm 2004, trò chơi thế giới mở này dựa trên bộ phim bom tấn Spider-Man 2 ra rạp cùng thời điểm.
Điều thú vị về trò chơi này là nó chuyển thể các yếu tố trong cuộc sống của cả Spider-Man và Peter Parker, yêu cầu nhân vật chính phải khéo léo thu xếp, cân bằng mọi thứ từ nhiệm vụ chống tội phạm cho đến duy trì các mối quan hệ.
Ngoài ra, nó còn mang lại một trong những cơ chế di chuyển, bay nhảy bằng tơ nhện xuất sắc nhất mọi thời đại. Kết hợp điều đó cùng với một bản đồ Manhattan khổng lồ, người chơi được cung cấp rất nhiều cơ hội và không gian để làm gần như mọi thứ họ muốn.
Giống như bộ phim mà nó dựa trên, trò chơi này cũng nhận được sự hoan nghênh vô cùng nồng nhiệt.
Spider-Man And Venom: Maximum Carnage (1994)
Spider-Man and Venom: Maximum Carnage dựa trên câu chuyện nổi tiếng từ cuốn truyện tranh cùng tên. Trò chơi ra mắt vào năm 1994, đúng vào thời điểm bộ phim hoạt hình Spider-Man thành công vang dội.
Được phát hành cho cả hai hệ máy phổ biến hàng đầu Sega Genesis và SNES, Maximum Carnage là một trong những trò chơi hành động theo lối cuộn cảnh nổi bật nhất trong thời đại của nó.
Game thủ sẽ có cơ hội điều khiển Spidey, Venom và các đồng minh của họ từ vũ trụ Marvel Comics như Captain America, Black Cat, Iron Fist, Cloak & Dagger, Deathlok, Morbius và Firestar, tất cả cùng hợp sức để ngăn chặn kế hoạch của các nhân vật phản diện bao gồm Shriek, Doppelganger, Demogoblin và Carrion do Carnage dẫn đầu.
Ban đầu, game nhận về nhiều bình luận đánh giá trái chiều. Nhưng ở những năm sau đó, các ý kiến dần trở nên tích cực hơn và nó được coi là một trong những trò chơi Spider-Man hay nhất thuộc kỷ nguyên 16-bit.
Spider-Man: Shattered Dimensions (2010)
Điểm thu hút nhất của Shattered Dimensions nằm ở việc nó cho phép game thủ vào vai nhiều phiên bản Spider-Man khác nhau. Cụ thể hơn, họ có thể điều khiển một trong 4 Người Nhện là Ultimate Spider-Man, Amazing Spider-Man, Spider-Man Noir và Spider-Man 2099.
Cốt truyện xoay quanh một cổ vật huyền bí mang tên Tablet of Order and Chaos. Khi nó bị vỡ thành nhiều mảnh trong cuộc chiến giữa Spider-Man và Mysterio, đã gây ra vấn đề với nhiều thực tại trong vũ trụ Marvel Multiverse.
Vì thế, Madame Web bèn kêu gọi bốn phiên bản Spider-Man từ bốn thực tại để hỗ trợ đưa mọi thứ trở lại cân bằng. Người chơi sẽ điều khiển từng người để lấy lại các mảnh vỡ từ những nhân vật phản diện trong chiều không gian tương ứng của họ.
Trò chơi này thú vị bởi các phong cách chơi khác nhau cho mỗi Spider-Man. Ví dụ, Noir tập trung về khả năng hành động ẩn thân, còn 2099 thì sở hữu các tiện ích công nghệ cao. Bên cạnh đó, nó cũng mang đến những trận trận đánh trùm đáng nhớ.
Spider-Man (2000)
Đối với nhiều người, bản phát hành cho PlayStation (và sau đó là N64) này thực sự đánh dấu một thời kỳ đỉnh cao của các trò chơi Spider-Man.
Câu chuyện của trò chơi xoay quanh Người Nhện khi anh ta cố gắng chứng minh sự trong sạch của mình sau khi bị một doppelgänger vu oan và trở thành tội phạm bị truy nã. Chưa hết, Spidey còn đồng thời phải chống lại một cuộc xâm lược symbiote do Doctor Octopus và Carnage dàn dựng.
Nhiều nhân vật phản diện quen thuộc sẽ xuất hiện dưới dạng boss như Scorpion, Rhino, Venom, Mysterio, Carnage và Doctor Octopus, bên cạnh Monster-Ock, nhân vật được tạo ra dành riêng cho trò chơi với tư cách là “trùm cuối”.
Nó đã thiết lập nên tiêu chuẩn cho một trò chơi Spider-Man 3D chất lượng, khi biến cơ chế phóng tơ thành một tính năng thực sự đặc biệt và giới thiệu một số khía cạnh chiến đấu tuyệt vời. Vì thế, dù đã trở nên cũ kỹ so với thời nay, nhưng Spider-Man vẫn luôn giữ vị trí quan trọng trong lòng các fan.
Spider-Man: Miles Morales (2020)
Đây là tựa game Spider-Man mới nhất xuất hiện trên PS5 và PS4. Mặc dù được xây dựng chủ yếu dựa trên nền tảng của phiên bản Marvel’s Spider-Man năm 2018, Miles Morales vẫn biết cách tạo nên sự khác biệt để tỏa sáng.
Câu chuyện kể về cuộc đấu tranh của Miles để bảo vệ mái ấm Harlem thoát khỏi sự đe dọa từ cuộc chiến giữa Tập đoàn năng lượng Roxxon và đội quân tội phạm công nghệ cao của Tinkerer, the Underground.
Insomniac Games đã cẩn thận bổ sung thêm các cơ chế mới để giúp Miles thoát khỏi cái bóng của Peter, nhưng cũng không làm thay đổi hoàn toàn những gì mọi người yêu thích ở phiên bản tiền nhiệm.
Điểm trừ đáng kể nhất của nó có lẽ là thời lượng phần cốt truyện khá ngắn, nhưng bù lại bằng chất lượng tuyệt vời đến mức khiến điều đó không còn quá quan trọng.
Marvel’s Spider-Man (2018)
Marvel’s Spider-Man thực sự đã tạo ra một cuộc cách mạng về ý tưởng bay nhảy và tương tác với thế giới xung quanh bằng tơ nhện. Game thực hiện nó một cách mượt mà đến mức người chơi có thể dễ dàng dành hàng giờ để vi vu khắp thành phố New York City và thực thi công lý.
Ngoài ra, trò chơi còn mang đến một câu chuyện tuyệt vời, nhiều nhiệm vụ phụ, thông tin tiểu sử nhân vật, tiện ích hỗ trợ đa dạng, trang phục mới và hơn thế nữa.
Một số nhà phê bình đã gọi nó là một trong những trò chơi siêu anh hùng hay nhất từng được thực hiện và không ngại ngần so sánh nó với series Batman: Arkham lừng danh. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Marvel’s Spider-Man giành được những giải thưởng xứng đáng từ các lễ trao giải danh giá.
Game cũng rất thành công về doanh số, khi xuất hiện ở danh sách những trò chơi bán chạy nhất trong năm, cũng như một trong những trò chơi PlayStation 4 bán chạy nhất mọi thời đại và là trò chơi siêu anh hùng bán chạy nhất tại Hoa Kỳ.
Theo gamerant