Công nghệ Ray Tracing là gì: Nó có thực sự quan trọng với trò chơi điện tử không?

Người đăng: Ngày đăng: 03/01/2022 Game PC & Console

Ray Tracing (tạm dịch: Dò tia sáng) là một công nghệ mang tính cách mạng nhằm thay đổi cách mô phỏng ánh sáng trong video game và nó sẽ có sẵn trên các thiết bị console thế hệ tiếp theo.

Thế hệ console mới hứa hẹn sẽ đem lại cho người chơi chất lượng đồ họa đỉnh cao nhất từng thấy và nhờ vào công nghệ dò tia sáng (Ray Tracing – RT) trên Xbox Series X cũng như PlayStation 5, chúng có thể hiện thực hóa điều đó.

Hiểu một cách đơn giản, tính năng RT cho phép mô phỏng ánh sáng trong các trò chơi điện tử theo thời gian thực. Mặc dù nghe có vẻ nhỏ nhặt, nhưng nó giúp thay đổi đáng kể chất lượng hình ảnh của trò chơi, mang đến trải nghiệm gaming và mô phỏng thực tế hơn.

Đúng như tên gọi, RT là một kỹ thuật cho phép các nhà phát triển trò chơi truy theo (trace) hành vi của các tia sáng ảo, giống như cách chúng di chuyển trong thế giới thực. Nói cách khác, RT hoạt động bằng cách mô phỏng một chùm ánh sáng thông qua một thuật toán theo dõi đường đi của tia sáng trong đời thật, cho phép các nhà thiết kế tạo nên những tia sáng ảo phản chiếu các vật thể và tạo bóng đổ y hệt như ngoài đời, giúp mang đến trải nghiệm sinh động và chân thực hơn.

Microsoft Flight Simulator Screenshot Game Cuối

Nhiều game thủ sẽ tự hỏi liệu RT có xứng đáng để đầu tư không, đặc biệt khi nó yêu cầu một card đồ họa mới cho PC, hoặc một chiếc console thế hệ tiếp theo có giá vài trăm đô la. Nhưng khi so sánh các phương pháp hiện tại nhằm mô phỏng ánh sáng thực tế trong trò chơi điện tử với công nghệ RT, kỹ thuật này cho thấy nó mang tính cách mạng ra sao đối với ngành công nghiệp.

Tại sao dò tia sáng RT lại quan trọng đối với trò chơi điện tử

Tính năng dò tia là một cải tiến lớn so với cách ánh sáng đang hoạt động trong trò chơi điện tử. Hiện tại, mặc dù các nhà thiết kế trò chơi có thể kết xuất trước (pre-render) các hình ảnh phản chiếu và bóng đổ trông như thật, nhưng hầu hết chúng chỉ dừng ở dạng tĩnh được tích hợp vào cảnh quan xung quanh.

Nói cách khác, các hiệu ứng ánh sáng luôn diễn ra theo cùng một cách, khiến cho các hiệu ứng ánh sáng trở nên tĩnh tại và không thay đổi, bất kể người chơi tương tác như thế nào. Trong khi đó, RT hứa hẹn mang lại khả năng mô phỏng chân thật hơn, bằng cách cho phép ánh sáng di chuyển theo các mô hình thực tế, tùy thuộc vào chuyển động của người chơi.

Ray Tracing Game Cuối

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng công nghệ này đòi hỏi sức mạnh xử lý đáng kể, điều mà chỉ các chip đồ họa của thế hệ console tiếp theo và một số PC nhất định mới có khả năng. “Một trò chơi cần chạy ở tốc độ 60 khung hình/giây hoặc 120 khung hình/giây, vì vậy nó cần tính toán từng khung hình trong vòng 16 mili giây”, Tony Tamasi, phó chủ tịch tiếp thị kỹ thuật tại Nvidia, giải thích trên trang tin Wired. “Trong khi đó, một khung hình phim tiêu biểu được kết xuất trước và chúng có thể mất từ 8 đến 24 giờ chỉ để kết xuất một khung hình.”

Nhiều trò chơi hiện có hỗ trợ công nghệ RT, bao gồm Battlefield V và Shadow of the Tomb Raider. Để tận dụng tối đa hiệu ứng ánh sáng, người chơi sẽ cần một chiếc PC có card đồ họa RTX mà Nvidia đã giới thiệu ra thị trường vào cuối năm 2018. Bên cạnh đó, các máy PlayStation 5 và Xbox Series X sắp tới sẽ hỗ trợ khả năng dò tia sáng và hứa hẹn mang lại những trải nghiệm đồ họa đỉnh cao nhất từ trước đến nay.

Không cần phải bàn cãi, RT đang trở thành tiêu chuẩn mới trên thị trường và khi công nghệ phần cứng tiếp tục được cải thiện, các game thủ (đặc biệt là PlayStation 5 và Xbox Series X) sẽ thấy tính năng dò tia thực sự mang tính cách mạng như thế nào.

Theo ScreenRant

Theo dõi Google News của Game Cuối để cập nhật tin tức nhanh và mới nhất
Chia sẻ bài viết trên:
Xem thêm: