Mục Lục
Đồ họa là một trong những chủ đề quen thuộc ở các buổi tranh luận về game và chủ yếu chia làm hai luồng ý kiến. Một bên cho rằng “Trò chơi trông như thế nào không quan trọng, tôi chỉ quan tâm đến lối chơi,” trong khi phía còn lại nghĩ rằng đây là yếu tố đóng vai trò then chốt để trải nghiệm trở nên hấp dẫn.
Dĩ nhiên, phần hình ảnh không chỉ dừng lại ở những công nghệ tân tiến như dò tia Ray Tracing, bắt chuyển động Motion Capture hay mô phỏng hình chụp từ đời thực Photorealsim. Không ít trò chơi dù sử dụng đồ họa công nghệ thấp, thậm chí lỗi thời vẫn giành được tình cảm từ cộng đồng nếu sở hữu định hướng nghệ thuật và khái niệm tổng thể xuất sắc.
Dù sao đi nữa, thế giới trò chơi vẫn đang ngày càng bứt phá và phát triển về đồ họa. Với sự trợ giúp của công nghệ phần cứng mạnh mẽ, hình ảnh đẹp mắt và chân thực hiện đã trở nên phổ biến. Danh sách này sẽ liệt kê những đại diện tiêu biểu nhất năm qua do trang COGconnected bình chọn.
10. The Ascent
Trò chơi hành động nhập vai theo phong cách cyberpunk của hãng Neon Giant, The Ascent, là một màn trình diễn đẳng cấp về khả năng thiết kế và xây dựng thế giới.
Dưới góc quay camera hướng từ trên cao xuống, mọi khung hình đều chứa đầy chi tiết, ánh sáng bắt mắt và nhiều lớp thông tin trực quan. Về nghệ thuật và đồ họa, đây là một trong những game khoa học viễn tưởng hay nhất trong vài năm trở lại đây.
9. It Takes Two
Ngoài việc đưa người chơi lên một chuyến tàu lượn siêu tốc đầy cung bậc cảm xúc, It Takes Two còn đạt thành tựu tuyệt vời về mảng nghệ thuật, biến “thế giới thực” trở thành một câu đố đầy thử thách cần được giải quyết bởi cặp vợ chồng đang không hạnh phúc.
Ngay từ vẻ bề ngoài, It Takes Two đã mang nét quyến rũ rất riêng và sáng tạo. Ngoài dàn nhân vật đầy biểu cảm, nó còn gây ấn tượng thông qua sự chú ý đến những chi tiết nhỏ nhặt, ẩn chứa nhiều hàm ý về ý nghĩa của cuộc sống.
8. Halo Infinite
Một số người sẽ phản đối việc Halo Infinite xuất hiện trong danh sách này, nhưng không thể phủ nhận đội ngũ 343 Industries đã xây dựng một thế giới mở ấn tượng và một số ý tưởng thiết kế nội thất thú vị.
Rút kinh nghiệm sau khi gây thất vọng ở những đoạn trailer phát hành vào năm ngoái, nhà phát triển đã không ngại ngần thừa nhận sai sót và thậm chí lùi ngày xuất xưởng để tập trung cải thiện hiệu suất. Kết quả cuối cùng khá mỹ mãn, với những nâng cấp đáng kể về hiệu ứng ánh sáng, tính năng tán xạ, vân phủ chi tiết hơn giúp nâng tầm trải nghiệm.
7. Deathloop
Bên cạnh diễn xuất, lồng tiếng cùng âm nhạc xuất sắc, Deathloop còn sở hữu nền tảng đồ họa và thiết kế nghệ thuật thể hiện rất tốt bối cảnh cổ điển những năm 1960.
Giống như series Dishonored của cùng nhà phát triển, game không thiên về đồ họa đẹp rực rỡ, mà tập trung vào các chi tiết giúp xây dựng thế giới. Khả năng bắt chuyển động nhân vật của nó rất đáng nể, nhưng cảm giác thời gian như ngừng trôi trong khung cảnh môi trường mới là ấn tượng nhất.
6. Final Fantasy VII Remake: Intergrade
Không giống như phiên bản làm lại của Demon’s Souls vốn giữ phần lớn những yếu tố cốt lõi,Final Fantasy VII là sản phẩm được cải tiến gần như triệt để, từ một tựa game kinh điển nhưng đã phần nào lỗi thời, và khiến nó trở nên hấp dẫn đối với những người chơi mới.
Mọi phần tử đều được làm lại, sử dụng đồ họa đa giác thời gian thực trái ngược với môi trường kết xuất trước của bản gốc. Nhờ đó, hiệu ứng hình ảnh trở nên chân thực hơn gấp bội và với sự trợ giúp từ hệ thống phần cứng mạnh mẽ trên PS5 (cũng như PC), trò chơi trông vừa đẹp vừa mượt mà.
5. Returnal
Là một sản phẩm thuộc dạng cao cấp trên PS5, Returnal dĩ nhiên đứng trước áp lực rất lớn phải vừa hay vừa trông thật tuyệt vời. Rất may, trò chơi đã làm được cả hai điều đó.
Mặc dù môi trường có một chút hạn chế, nhưng bù lại bằng việc dịch chuyển qua nhiều cảnh quan khác nhau. Tính năng bắt chuyển động và hiệu ứng ánh sáng cũng rất tốt, thậm chí thuộc hàng tốt nhất mà chúng tôi đã thấy cả năm.
3. Kena: Bridge of Spirits (hòa)
Thoạt nhìn, Kena: Bridge of Spirits không khác gì một bộ phim hoạt hình đến từ hãng Disney, Pixar, Dreamworks: Đầy màu sắc, hấp dẫn và sáng tạo. Thành quả này còn ấn tượng hơn khi biết rằng game được tạo bởi một đội ngũ phát triển tương đối nhỏ.
Kena là bằng chứng cho thấy định hướng nghệ thuật xuất sắc và hình ảnh đẹp chưa chắc chỉ có ở những nhà phát triển lớn, với ngân sách ngang bằng với các quốc gia nhỏ.
3. Resident Evil Village (hòa)
Nếu Kena mang lại cảm giác thư thái và nhẹ nhàng, thì Resident Evil Village lại ở một thái cực hoàn toàn khác. Nó sử dụng đồ họa và môi trường chi tiết để thiết lập bối cảnh mang đậm tính chất căng thẳng và kinh hoàng.
Từ phong cách nghệ thuật, chi tiết bối cảnh và kiến trúc cho đến thiết kế nhân vật, khả năng diễn xuất đều đầy thu hút theo cách đầy ám ảnh, không dành cho những ai yếu tâm lý.
2. Forza Horizon 5
Xét về đồ họa mà không kể đến Forza Horizon 5 thì quả vô cùng thiếu xót. Ngoài việc chăm chút vào từng bộ phận linh kiện trên xe, nhà sản xuất còn mang đến bối cảnh thế giới mở vô cùng ấn tượng và sinh động.
Kết hợp cùng hiệu ứng thời tiết, thời gian linh động trong ngày và các hiệu ứng ánh sáng cao cấp,… tất cả đã tạo nên một trong những trò chơi đẹp nhất từ trước đến nay.
1. Ratchet and Clack Rift Apart
Mọi thứ về Ratchet và Clank Rift Apart đều cho thấy sự “đánh bóng”, “đẽo gọt”, “mài giũa” cẩn thận từ hãng Insomniac. Cơ chế bay nhảy platforming được hiệu chỉnh hoàn hảo. Câu chuyện hấp dẫn. Lồng tiếng tuyệt vời. Cuối cùng, đồ họa và thiết kế nghệ thuật đã nâng trò chơi này lên đầu danh sách của chúng tôi.
Ratchet and Clank Rift Apart mang cảm giác trông giống một bộ phim kinh phí lớn của Hollywood mà bằng cách nào đó chúng ta có thể tương tác một cách sinh động. Bất kỳ ai tranh luận rằng đồ họa không quan trọng nhiều khả năng chưa có dịp thử qua Rift Apart.
Theo COGconnected