Mục Lục
So với chuột và màn hình thì bàn phím chơi game ít được quan tâm hơn. Bởi keyboard loại phổ thông hoặc đi kèm với laptop thường cũng cũng dùng rồi. Tuy nhiên, chỉ đến khi thực sự đầu tư vào một chiếc thì mới biết nó có thể nâng tầm trải nghiệm như thế nào.
Mỗi model sẽ có các tính năng nổi bật riêng, nhưng loại phụ kiện này thường sử dụng công tắc cơ học (mechanical) hơn là công tắc màng (membrance) được tìm thấy ở bàn phím truyền thống.
Các phím này yêu cầu ít lực hơn để nhận dữ liệu đầu vào (input), giúp tăng tốc độ tiếp nhận thông tin. Do đó, bên cạnh việc giúp game thủ nâng cao trải nghiệm, bàn phím cơ học cũng rất được giới chuyên viết lách và văn phòng ưa chuộng.
Hiện tại, trên thị trường xuất hiện rất nhiều sản phẩm keyboard tuyệt vời ở nhiều mức giá khác nhau. Vì vậy, nếu chịu khó thì người dùng sẽ tìm được một sự lựa chọn phù hợp ngân sách. Hãy cùng điểm qua một số bàn phím chơi game tốt nhất do trang tin Game Rant biên soạn.
Redragon K552 RGB
- Giá tham khảo (tùy theo cửa hàng phân phối): Khoảng 1 triệu đồng
Cái tên Redragon không được biết đến nhiều như một số thương hiệu bàn phím chơi game nổi bật khác. Bù lại, các sản phẩm của công ty thường cung cấp chất lượng tốt với mức giá cả cạnh tranh.
Dù không phải sản phẩm mới nhất từ Redragon, K552 vẫn là một trong những chiếc keyboard được đánh giá cao nhất, nhờ chất lượng switch dạng clicky (phát ra tiếng lách cách), đèn nền, phím đa phương tiện và thiết kế nhỏ gọn của nó.
K552 thuộc loại TenKeyLess nên không có bàn phím số. Đây có thể là một điểm trừ với ai cần nhập liệu nhiều. Nhưng với những người khác, sự “thiếu vắng” này cho phép họ đặt bàn phím thoải mái trên một chiếc bàn nhỏ gọn, giúp tiết kiệm diện tích. Tóm lại, đây là một bàn phím chơi game rất “thực dụng”, đáp ứng tốt những điều cơ bản.
RK Royal Kludge RK61
- Giá tham khảo: Khoảng 700 nghìn đồng
Một tùy chọn không dây nhỏ gọn, giá cả phải chăng và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Với kích thước dài 29.1 cm, rộng 10.1 cm, cao 3.9 cm và chỉ nặng 0.6 kg, bạn dễ dàng bỏ vào balo/ túi xách mang theo mọi lúc, mọi nơi.
Phiên bản này đi kèm switch blue clicky, nhưng RK61 cũng có sẵn tùy chọn phím linear (cho cảm giác nhấn mượt mà, ổn định và không có nấc) hoặc tactile (cảm giác nhấn có nấc, tương đối êm ái và cung cấp phản hồi tốt khi đánh chữ).
Đáng chú ý, sản phẩm này còn đi kèm với các phím có thể thay thế và hỗ trợ đến 3 chế độ kết nối (Bluetooth, dongle 2.4GHz và dây USB-C). Qua Bluetooth, phụ kiện có thể được kết nối với 3 thiết bị cùng một lúc.
Chưa hết, RK61 cũng có phần mềm chuyên dụng cho phép người dùng lập trình lại bàn phím cho phù hợp với nhu cầu cá nhân, có thể bằng cách thiết lập macro và thay đổi đèn nền.
HyperX Alloy Origins 60
- Giá niêm yết: 99,99 USD (khoảng 2,3 triệu đồng)
Nói đến phân khúc giá tầm trung nhưng chất lượng cao cấp thì HyperX Alloy Origins 60 đặc biệt xuất sắc. Chiếc bàn phím chơi game này tận dụng switch linear, vốn êm hơn các biến thể clicky hoặc tactile. Do đó, đây là một lựa chọn tuyệt vời cho các văn phòng làm việc hoặc dàn PC được thiết lập ở những khu vực chung.
Đúng như tên gọi của sản phẩm này đề cập, nó có kích thước chỉ khoảng 60% so với bàn phím tiêu chuẩn, giúp đây trở thành một trong những lựa chọn di động tốt nhất trên thị trường (tuy chưa bằng HyperX Alloy Origins 65).
Đi kèm với đèn nền RGB có thể tùy chỉnh và bộ khung nhôm, Alloy Origins 60 trông rất đẹp và tạo cảm giác dễ chịu. Người dùng Windows có thể cài đặt ứng dụng NGENUITY của HyperX để tùy chỉnh bàn phím thêm, bao gồm cả việc cá nhân hóa chế độ Game Mode của nó.
Razer Huntsman Elite
- Giá tham khảo: Khoảng 5 triệu đồng
Danh sách bàn phím chơi game tốt nhất mà không đề cập đến sản phẩm nhà Razer thì quả vô cùng thiếu sót. Nhờ các switch cơ – quang học có khoảng cách truyền động chỉ 1,5mm, Huntsman Elite tiếp nhận dữ liệu đầu vào nhanh hơn những bàn phím cơ tiêu chuẩn. Các phím vừa nhẹ vừa nhạy, và có hai tùy chọn switch linear hoặc clicky.
Trong khi đó, bộ khung nhôm và phần tựa cổ tay từ tính thì mang lại sự chắc chắn, thoải mái. Huntsman Elite cũng tích hợp bộ nút điều khiển media chuyên dụng và cho phép lập trình macro bất kỳ phím nào.
Về khả năng RGB, Razer tiếp tục thể hiện kinh nghiệm dày dặn ở lĩnh vực này với hệ thống Chroma 16,8 triệu màu lộng lẫy hỗ trợ nhiều hiệu ứng ánh sáng. Người dùng Windows nên cài đặt phần mềm Razer Synapse 3 để cá nhân hóa thêm chức năng của bàn phím.
SteelSeries Apex Pro RGB
- Giá tham khảo: Khoảng 4,7 triệu đồng
SteelSeries Apex Pro là một chiếc bàn phím linh hoạt, hứa hẹn đáp ứng nhiều yêu cầu đa dạng khác nhau. Bàn phím sử dụng các switch cơ học điều chỉnh được, cho phép người dùng quyết định khoảng cách mà một phím cần di chuyển trước khi kích hoạt tín hiệu.
Khi chơi game, hành trình phím ngắn thường được ưu tiên để đổi tăng tốc độ nhận lệnh. Ngược lại, khi nhập liệu thì lại ưu tiên độ chính xác, nên hành trình phím có thể dài hơn (dù vẫn phải nằm trong vùng chấp nhận được). Sản phẩm này phục vụ cho cả hai tình huống ấy.
Khả năng của Apex Pro vẫn chưa dừng lại ở đó. Vì nó còn bao gồm màn hình OLED nho nhỏ ở góc trên bên phải, giúp đơn giản hóa quá trình điều chỉnh cài đặt và hoán đổi cấu hình. Chiếc bàn phím cũng đi kèm với một đế nghỉ tay từ tính. Tuy nhiên, nếu cảm thấy mức giá của Apex Pro hơi quá tầm với thì SteelSeries Apex 3 TKL có thể là một sự thay thế tuyệt vời.
Logitech G915 LIGHTSPEED RGB
- Giá tham khảo: 6 triệu đồng
Là một sản phẩm thuộc phân khúc đắt tiền, Logitech G915 sử dụng các switch “low-profile” mỏng, với hành trình phím ngắn và điểm truyền động thấp hơn so với những mẫu switch dùng trên các chiếc bàn phím cơ tiêu chuẩn.
Điều này giúp switch kích hoạt nhanh hơn, vì chỉ phải di chuyển một khoảng cách ngắn hơn và đạt độ trễ cực kỳ thấp. Bên cạnh đó, G915 còn tích hợp bộ phím điều khiển media, các nút G có thể lập trình và cấu hình ánh sáng tùy chỉnh được.
G915 có cả phiên bản dùng dây hoặc không dây với thời lượng pin khoảng 40 giờ. Biến thể TenKeyLess cũng có sẵn cho kiểu không dây và người dùng có thể quyết định xem họ muốn dùng phím linear, tactile hay clicky.
Tóm lại,G915 có gần như đầy đủ mọi thứ bạn đòi hỏi ơ một chiếc bàn phím, mang đến sự kết hợp tuyệt vời giữa tốc độ và sự thoải mái. Chỉ hơi khó hiểu tại sao ở mức giá này nhà sản xuất lại không tặng kèm theo đế nghỉ tay?
Corsair K100 RGB Optical-Mechanical
- Giá tham khảo: Khoảng 5,3 triệu đồng
Corsair K100 RGB là chiếc bàn phím chơi game hàng đầu mang lại hiệu suất xứng đáng với mức giá đắt đỏ của nó. Các switch cơ học-quang học có khoảng cách tác động 1mm và cho cảm giác tương tự các biến thể linear, giúp tăng độ nhạy phím và tiếng bấm tương đối yên tĩnh.
Một tính năng nổi bật khác là bánh xe điều khiển nằm ở trên nút ESC. Nút này có thể dùng thay đổi độ sáng RGB, điều khiển phương tiện hoặc tạo macro qua một số chế độ đi kèm. Bằng cách cài đặt phần mềm iCUE, người dùng có thể thay đổi chế độ của bánh xe điều khiển hoặc tinh chỉnh lại các phím, cùng với một số tùy chọn tùy chỉnh khác.
Nếu bạn muốn một chiếc bàn phím cung cấp nhiều tính năng và tùy chọn điều khiển nhất, K100 hứa hẹn phù hợp với nhu cầu đó. Rào cản lớn nhất có lẽ chỉ năm ở mức giá mà thôi.