Mục Lục
- 10. Marvel: Ultimate Alliance (2006) – Điểm Metacritic: 82
- 9. The Incredible Hulk: Ultimate Destruction (2005) – 83
- 8. X-Men Legends II: Rise of Apocalypse (2005) – 84
- 7. City of Heroes (2004) – 85
- 6. inFAMOUS (2009) – 85
- 5. Marvel vs. Capcom 2: New Age of Heroes (2000) – 85
- 4. Spider-Man (2000) – 87
- 3. Freedom Force (2002) – 90
- 2. Viewtiful Joe (2003) – 90
- 1. Batman: Arkham Asylum (2009) – 91
Những người hâm mộ trò chơi điện tử lấy đề tài siêu anh hùng chắc hẳn đang rất mong đợi những tựa game Superheroes thế hệ tiếp theo như Spider-Man 2 hay Gotham Knights. Nhờ sở hữu đồ họa mỹ mãn, cơ chế hấp dẫn và cốt truyện không kém gì phim ảnh, chúng đã thu hút một lượng lớn fan trên toàn thế giới.
Nhìn lại hai thập niên qua của thế giới trò chơi, có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy những tựa game siêu anh hùng lừng lẫy một thời đã bị lãng quên theo thời gian. Rất may, bảng xếp hạng của Metacritic cho phép người hâm mộ đi ngược dòng ký ức để tìm lại một số trò chơi SAH hay nhất từ thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ mới.
10. Marvel: Ultimate Alliance (2006) – Điểm Metacritic: 82
Năm 2006 chứng kiến sự ra mắt của trò chơi đầu tiên trong dòng Marvel: Ultimate Alliance được người hâm mộ yêu thích. Điểm gây chú ý đầu tiên ở M:UA là nó quy tụ nhiều vị anh hùng khác nhau của Vũ trụ Marvel. Với hơn 22 nhân vật, người chơi có thể lựa chọn họ vào một đội gồm bốn thành viên để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ thế giới.
Khác nhiều trò chơi khác cùng đề tài, M:UA không đi theo hướng hành động mà thuộc thể loại nhập vai. Thay vì tập trung vào việc nhảy tránh các đòn đánh từ kẻ địch, người chơi cần phải lên sách lược và đường đi nước bước cẩn thận khi đối đầu các ác nhân.
Activision và Raven Software đã phát triển nên trò chơi đầu tiên có cốt truyện gốc đặt nhóm Avengers, Fantastic Four, X-Men, Spider-Man và những SAH khác chống lại Doctor Doom cùng các đồng minh của ông ta. Thành công này đã truyền cảm hứng cho hai phần tiếp theo trong vài năm tới.
9. The Incredible Hulk: Ultimate Destruction (2005) – 83
Mặc dù các fan đã thấy khá nhiều tựa game có sự tham gia của gã khổng lồ màu ngọc bích không thể ngăn cản, nhưng phải đến The Incredible Hulk: Ultimate Destruction năm 2005, người chơi mới thực sự cảm nhận được sức mạnh khủng khiếp khi hóa thân thành con quái vật chạy bằng gamma này.
Ultimate Destruction đưa người chơi vào một thế giới mở có tính năng phá hủy môi trường hàng đầu ở thời điểm đó, khi Hulk đang đối phó với một băng nhóm mang tên Division và những nhân cách thay thế đen tối của chính anh ta.
Bên cạnh cốt truyện hấp dẫn, trải nghiệm “Hulk-out” mà Ultimate Destruction đem lại rất độc đáo. Yhậm chí đến tận ngày nay, không nhiều trò chơi hiện đại có thể ngang ngửa vời UD về mảng này.
8. X-Men Legends II: Rise of Apocalypse (2005) – 84
Kỳ thực, Marvel: Ultimate Alliance là sản phẩm nối tiếp thành công trước đó của dòng X-Men Legends, có cùng lối chơi theo đội bốn nhân vật và mang đến nhiều lựa chọn về dị nhân Marvel. Hãng Raven Software cũng đảm nhận việc sản xuất chính cho cả hai series.
Trong phần này, hai phe siêu anh hùng X-Men và phản diện Brotherhood of Mutants sẽ phải kết hợp chống lại siêu ác nhân Apocalypse cùng bè lũ tay sai của hắn – một cốt truyện gốc lấy nhiều cảm hứng từ bộ truyện tranh Ultimate X-Men .
Ngoài việc giới thiệu nhiều nhân vật hơn, cho phép người chơi điều khiển các thành viên của cả X-Men và Brotherhood thì Rise of Apocalypse còn cải tiến thêm về các tính năng gameplay từ trò chơi đầu tiên. Chỉ bất nhiêu đó thôi cũng đủ biến nó trở thành một trong những tựa game X-Men hay nhất từng được phát hành.
7. City of Heroes (2004) – 85
Vào năm 2004, game thủ đã có dịp đặt chân đến Thành phố Paragon lần đầu tiên với City of Heroes. Trò chơi MMORPG cho phép họ tạo ra những vị anh hùng của riêng mình và chiến đấu chống tội phạm cùng những người chơi khác. Sau này, nội dung của nó thậm chí còn được mở rộng thêm đáng kể qua bản cập nhật City of Villains.
Đây chắc chắn là một trong những tựa game hiếm hoi đưa các siêu anh hùng tiếp cận thành công thể loại MMO, mang đến cho các fan cơ hội khám phá câu chuyện của riêng họ. Đáng tiếc thay, City of Heroes chỉ tồn tại khoảng 8 năm, trước khi đóng cửa máy chủ vào 2012.
6. inFAMOUS (2009) – 85
Sucker Punch Productions đã phát hành inFAMOUS vào năm 2009, giới thiệu tới game thủ nhân vật chính Cole MacGrath và quá trình anh ta kiểm soát quyền năng mạnh mẽ sau một vụ nổ bí ẩn để trở thành Conduit.
Tựa game gây được tiếng vang lớn nhờ cốt truyện thú vị, cách chơi hấp dẫn và một thế giới mở tráng lệ, nơi người chơi có thể dễ dàng du ngoạn trong khi khám phá kỹ năng mới của Cole. Bên cạnh đó, nó còn cho phép họ lựa chọn con đường của một anh hùng hay phản diện, tạo ảnh hưởng nhất định đến nhân vật chính ở các phần tiếp theo.
5. Marvel vs. Capcom 2: New Age of Heroes (2000) – 85
Trò chơi thứ tư trong series đối kháng nổi tiếng Marvel vs. Capcom ban đầu được phát hành trên các máy thùng arcade vào năm 2000, trước khi chuyển sang nền tảng console ở Bắc Mỹ vài năm sau đó. Nó được công nhận là một trong những trò chơi chiến đấu hay nhất từ trước đến nay, bất chấp phần nhạc nền không như kỳ vọng.
Marvel vs. Capcom 2: New Age of Heroes cung cấp một danh sách khổng lồ gồm hơn 50 nhân vật có thể điều khiển từ cả vũ trụ Marvel và Capcom. Dòng game vẫn tiếp tục phát hành các trò chơi mới cho đến phiên bản Marvel vs. Capcom Infinite gần đây nhất vào năm 2017 thì tạm ngưng.
4. Spider-Man (2000) – 87
Mặc dù người hâm mộ đã có dịp thưởng thức các trò chơi hiện đại hơn, tiên tiến hơn về anh Nhện như Spider-Man 2 năm 2004 hay Spider-Man: Web of Shadows năm 2008, phiên bản 2000 vẫn được các chuyên gia khó tính ưu ái nhất trong một thập kỷ đầy ắp các trò chơi siêu anh hùng.
Spider-Man do Neversoft phát triển và mang đến một câu chuyện riêng, lấy cảm hứng từ truyện tranh với một số bộ trang phục sưu tầm được. Đồng thời, nó còn giới thiệu cho người hâm mộ sự kết hợp độc đáo mang tên “Doctor Carnage” (Carnage và Doctor Octopus) chỉ có duy nhất trong trò chơi này.
3. Freedom Force (2002) – 90
Vào năm 2002, hãng Irrational đã phát triển Freedom Force, một tựa game nhập vai chiến thuật thời gian thực có các nhân vật siêu anh hùng nguyên bản lấy cảm hứng từ vũ trụ Marvel và DC cổ điển. Dù thuộc thể loại khá kén người chơi, nhưng Freedom Force đã đạt được thành công đáng kể để làm nền tảng cho phần tiếp theo xuất hiện vào năm 2005.
Freedom Force theo chân một nhóm anh hùng mới toanh khi họ có được sức mạnh và khả năng từ người ngoài hành tinh bí ẩn, Energy X. Người chơi sẽ dẫn dắt dàn nhân vật thực hiện một loạt các nhiệm vụ nhằm tìm hiểu thêm về thế giới và hoàn thiện bộ kỹ năng của họ trong một vũ trụ vừa đẹp đẽ vừa vui nhộn.
2. Viewtiful Joe (2003) – 90
Capcom và Team Viewtiful đã phát hành tựa game hành động cuộn cảnh theo phong cách beat’em up điên cuồng và độc đáo Viewtiful Joe vào năm 2003. Ngay lập tức, nó đã chinh phục người hâm mộ bằng câu chuyện hấp dẫn cùng hoạt ảnh động kết hợp tinh tế giữa đồ họa 2D và 3D.
Mặc dù Viewtiful Joe có thể mang nhiều yếu tố giống với thể loại tokusatsu điển hình hơn là truyện tranh hiện đại, nhưng đây chắc chắn đây vẫn là một trò chơi siêu anh hùng đầy thử thách thú vị, ngay khi người chơi bước vào thế giới Movieland đậm chất hành động.
1. Batman: Arkham Asylum (2009) – 91
Hầu hết các game thủ siêu anh hùng sẽ đồng ý rằng một trong những điều hay nhất từng xuất hiện ở năm 2009 chính là Batman: Arkham Asylum của Rocksteady Studios. Trò chơi kinh điển này đưa Hiệp sĩ bóng đêm đến với viện Arkham nhằm ngăn chặn kế hoạch của những tên tội phạm khét tiếng, đứng đầu bởi không ai khác hơn Joker.
Giống như Spider-man, Batman đã đóng vai chính trong khá nhiều tựa game suốt hàng chục năm qua. Tuy nhiên, chỉ tới Arkham Asylum thì người chơi mới có dịp cảm nhận cái chất “Người Dơi” chân thực hơn bao giờ hết.
Nhờ các tiện ích tiên tiến, chế độ thám tử và hệ thống chiến đấu mới, tầm ảnh hưởng của Arkham Asylum có thể được cảm nhận ở cả thập niên tiếp theo của thể loại game siêu anh hùng.
Theo Gamerant.com