Mục Lục
Thành quả thắng trận trong VALORANT đến từ tinh thần hợp tác đồng đội, sử dụng vũ khí thông minh và kết hợp kỹ năng điêu luyện. Tương tự như những tựa game FPS theo nhóm khác dựa trên hệ thống chiêu thức đa dạng, VALORANT cũng sở hữu cho riêng mình danh sách chiêu cuối (Ultimate) cực kỳ lợi hại.
Tuy mỗi chiêu cuối đều để lại ấn tượng nhất định, nhưng nếu chỉ dùng duy nhất một Ulti thì không thể nào tạo nên chiến thắng cho cả ván đấu được. Một số chiêu có sức ảnh hưởng và khả năng xoay chuyển tình thế hiệp đấu hơn nhiều lần những chiêu khác. Dưới đây là bảng xếp hạng những chiêu cuối từ mạnh đến yếu nhất trong VALORANT của trang Dot Esports.
Cấp S: Viper, Chamber, Jett và Killjoy
Những chiêu cuối này có sức ảnh hưởng lớn nhất trong trò chơi và có thể khuynh đảo cục diện trận đấu ở hầu hết mọi thứ hạng.
Hố Của Viper (Viper’s Pit) và Cầm Chân (Lockdown) của Killjoy đều là những kỹ năng lý tưởng nhất cho tình huống tái chiếm hoặc trấn thủ sau khi đặt Spike, giúp cả đội kiểm soát khu vực và đối phương trong đó tốt hơn.
Ngoài độ sát thương và chính xác cao, những con dao Blade Storm của Jett còn được hồi lại sau mỗi lần hạ gục, cho phép cô tạo đà quét sạch đối thủ dễ dàng. Về tổng thể, Jett và Chamber đều sở hữu các Ulti vừa nguy hiểm vừa tiết kiệm chi phí. Họ có thể cứu trợ nền kinh tế của đội khi gặp khó khăn mà vẫn tạo tác động lớn đến đối thủ.
Hạng A: Sova, Skye, Fade, Breach, Neon, KAY/O
Tuy chưa đủ mạnh để lên cấp S, nhưng những chiêu cuối này vẫn có thể giúp người chơi “lật kèo” một hiệp đấu khá dễ dàng nếu được sử dụng đúng cách.
Ulti của KAY/O, Breach và Fade vốn có tầm bao phủ rất rộng, sẽ vô hiệu hóa hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến đội đối phương theo một cách nào đó. Những khả năng này được sử dụng thành công nhất để bắt đầu tiến công hoặc chiếm lại khu vực.
Tinh Linh Dò Đường (Seekers) của Skye có lẽ là chiêu cuối thu thập thông tin tốt nhất mà bất kỳ đặc vụ nào cũng ao ước sở hữu, và nó sẵn sàng trừng phạt bất kỳ đối thủ nào không bắn hạ chúng.
Trong khi đó, cơn Thịnh Nộ Của Thợ Săn (Hunter’s Fury) Sova thì vẫn là một công cụ tối ưu cho tình huống trấn thủ sau khi đặt Spike. Còn ở khoảng cách gần, không có chiêu cuối nào có sức công phá mạnh hơn Quá Tải (Overdrive) của Neon.
Hạng B: Reyna, Cypher, Raze, Yoru, Sage, Omen, Brimstone, Harbour
Những chiêu cuối này không mạnh áp đảo như những ví dụ trên, nhưng vẫn hữu ích nếu game thủ biết dùng hợp lý.
Ulti của các chuyên gia Đối đầu Reyna, Yoru và Raze sẽ cực kỳ hiệu quả nếu được sử dụng đúng tình huống. Thế nhưng, chúng cũng có nguy cơ bị vô hiệu hóa hoàn toàn, hoặc trở nên vô dụng nếu dùng sai cách. Đơn cử như Nã Đạn Từ Quỹ Đạo của Brimstone; nó có thể quét sạch toàn bộ khu vực đặt Spike hoặc đẩy lùi một đợt tiến công nhưng cũng cực kỳ dễ miss.
“Hồi Sinh Đồng Đội” cùa Sage có vẻ xứng đáng ở vị trí cao hơn, nhưng nó lại tiết lộ vị trí của bạn cho đội đối phương, nếu họ để ý các dấu X màu đỏ trên bản đồ nhỏ. Trong khi đó, Đánh Cắp Tâm Trí của Cypher là một công cụ thu thập thông tin tốt và chiêu cuối của Omen rất có giá trị khi cần đặt Spike ở khu vực đối diện.
Thủy Nộ của Harbour với bán kính tác động rộng có khả năng dọn sạch một địa điểm trong quá trình chiếm lại hoặc tiến công. Tuy nhiên, nó có thể bị né dễ dàng và yêu cầu tinh thần đồng đội để thực sự tối đa hóa tác dụng. Thrash của Gekko thì cho phép dùng đến hai lần trong một hiệp và khiến kẻ thù chạy tán loạn, nhưng nó cũng có thể bị né hoặc triệt tiêu dễ dàng.
Hạng C: Phoenix, Astra
Hai chiêu cuối này kết thúc ở bậc thấp nhất vì chúng có khả năng… phản tác dụng cao nhất.
Đôi khi, Tái Đấu của Phoenix có thể làm hỏng nỗ lực chiếm lại khu vực, nếu anh chàng bị dịch chuyển về điểm hồi sinh của mình khi gỡ Spike. Bên cạnh đó, hầu hết các đối thủ có thể nhanh chóng xác định được mồi nhử của anh ta đến từ đâu.
Thể Tinh Vân / Phân Chia Vũ Trụ của Astra là công cụ hữu ích ở một số tình huống nhất định, nhưng nó rất giống con dao hai lưỡi. Vì đối thủ cũng có thể tận dụng nó khi đã được đặt. Không có chiêu cuối nào khác có thể mang lại nhiều lợi ích tích cực tiềm tàng cho phe địch như của cô nàng.
Theo Dot Esports