Mục Lục
- 15. Assassin’s Creed IV: Black Flag (142,45 km vuông)
- 14. World of WarCraft (khoảng 207 km vuông)
- 13. Day Z (khoảng 222 km vuông)
- 12. Arma 3 (khoảng 270 km vuông)
- 11. Operation Flashpoint: Dragon Rising (khoảng 350 km vuông)
- 10. Xenoblade Chronicles X (khoảng 399 km vuông)
- 9. Just Cause 3 (khoảng 1036 km vuông)
- 8. Final Fantasy XV (khoảng 1943 km vuông)
- 7. The Crew (khoảng 4920 km vuông)
- 6. Fuel (khoảng từ 14.400 km đến 18.130 km vuông)
- 5. The Elder Scrolls II: Daggerfall (khoảng 163 nghìn km vuông)
- 4. Minecraft (khoảng 3,8 tỷ km vuông)
- 3. Star Control II: The Ur-Quan Masters (1 thiên hà, khoảng 500 ngôi sao và 3800 hành tinh)
- 2. Spore (1 thiên hà, khoảng 45.000 ngôi sao và 120.000 hành tinh)
- 1. No Man’s Sky (255 thiên hà)
Thể loại game thế giới mở không phải thứ gì đó quá mới mẻ, bởi chúng vốn đã tồn tại được một thời gian khá dài. Bắt đầu từ phiên bản The Legend of Zelda gốc trên hệ máy NES năm 1986, người chơi đã phần nào nắm bắt được sự thú vị của thế giới mở. Kể từ đó, các nhà phát triển đã không ngừng nỗ lực mang đến cho người chơi những môi trường cảnh quan bao la hơn để khám phá.
Vậy thì, đã bao giờ bạn đọc tự hỏi trong thể loại này thì tựa game nào sở hữu bản đồ quy mô rộng lớn nhất? Bài viết này sẽ giúp giải đáp thắc mắc ấy, bằng cách liệt kê và xếp hạng từng diện tích thế giới trong trò chơi.
Hẳn nhiều độc giả sẽ ngạc nhiên khi một vài tên tuổi nổi tiếng lại không lọt vào danh sách, chẳng hạn như Grand Theft Auto V (khoảng 75,84 km vuông) hay Fallout 4 (77,7 km vuông). Tuy nhiên, dù quả thật rất lớn, nhưng chúng vẫn chưa là gì so với những đại diện khác thuộc bảng tổng sắp này.
15. Assassin’s Creed IV: Black Flag (142,45 km vuông)
Assassin’s Creed IV: Black Flag là phiên bản chính thứ sáu của series hành động phiêu lưu nổi tiếng do hãng Ubisoft phát hành vào ngày 29 tháng 10 năm 2013. Game lấy bối cảnh chủ yếu diễn ra xung quanh các hòn đảo ở vùng biển Caribe trong Thời kỳ hoàng kim của cướp biển vào đầu thế kỷ 18, với 3 thành phố lớn bao gồm Havana, Nassau và Kingston.
Assassin’s Creed IV nhanh chóng nhận được nhiều đánh giá tích cực nhờ nền tảng đồ họa tuyệt đẹp và lối chơi nhiều đổi mới, với một trong những điểm nổi bật nhất chính là độ lớn của bản đồ, trải dài đến 142,449 km vuông.
14. World of WarCraft (khoảng 207 km vuông)
Sau gần 2 thập niên, World of WarCraft vẫn đang duy trì sự ổn định đáng kinh ngạc, thu hút đông đảo sự chú ý qua mỗi lần cập nhật nội dung. Ngay từ khi Blizzard Entertainment mới giới thiệu trò chơi vào năm 2004, cộng đồng trên toàn thế giới đã phải ngỡ ngàng trước quy mô khủng khiếp của thế giới Azeroth.
Đóng vai trò là phần nối tiếp của thương hiệu WarCraft nổi tiếng, tựa game MMO ra mắt với hai lục địa hoàn chỉnh là Kalimdor và The Eastern Kingdoms. Bản thân mỗi lục địa trải dài khoảng 103 km vuông từ đầu này đến đầu khác. Vì vậy, tổng diện tích đất đai để người chơi khám phá lên đến 207km vuông – một kỳ tích đáng kinh ngạc đối với thể loại này.
13. Day Z (khoảng 222 km vuông)
Hãng Bohemia Interactive đã chọn một cách tiếp cận khác với những cái tên kể trên, khi thiết kế một trò chơi thế giới mở lấy bối cảnh kinh dị sinh tồn có tên Day Z. Dựa trên cảm hứng từ một bản mod được xây dựng cho Arma 2, Day Z lấy bối cảnh ở quốc gia hư cấu Chernarus thời hậu Xô Viết bị nhiễm virus zombie.
Tương tự như những game khác cùng thể loại, mục tiêu chính của người chơi ở Day Z là thu thập nhu yếu phẩm và tìm cách tồn tại càng lâu càng tốt. Nghe qua thì rất đơn giản. Nhưng tại đát nước Chernarus trải dài khoảng 222km vuông với đầy rẫy những nguy hiểm tiềm ẩn, ai mà biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra?
12. Arma 3 (khoảng 270 km vuông)
Mục tiêu của các nhà phát triển Arma 3 là tạo ra một game hành động chiến thuật chân thực trong bối cảnh thế giới mở và theo đánh giá từ giới chuyên môn, hãng Bohemia Interactive đã thành công mỹ mãn. Với hơn 20 loại phương tiện vận chuyển và 40 vũ khí khác nhau, phần thứ ba được phát hành với vô vàn tiềm năng ẩn chứa bên trong chiếc hộp cát quân sự của nó.
Các sự kiện của trò chơi diễn ra ở tương lai gần, trên những hòn đảo ở Biển Aegean và Nam Thái Bình Dương. Về tổng thể, môi trường thực tế trong trò chơi trải dài gần 270 km vuông, tạo thành một khu vực rất rộng lớn để bạn tự do trải nghiệm.
11. Operation Flashpoint: Dragon Rising (khoảng 350 km vuông)
Nếu phải nói đến những trò chơi đi theo phong cách quân sự trong thế giới mở, nhất định không thể bỏ qua Operation Flashpoint: Dragon Rising. Tựa game hành động do hãng Codemasters phát triển này đưa người chơi vào những trận chiến bộ binh hiện đại, thực tế với quy mô từ nhỏ đến lớn. Đặc biệt, nó cũng là phần tiếp theo độc lập của Operation Flashpoint: Cold War Crisis năm 2001.
Bối cảnh trò chơi diễn ra trên hòn đảo hư cấu Skira vào tháng 5 năm 2011 và mang đến một khu vực tương tác khổng lồ gần 350 km vuông, kèm theo thời tiết biến đổi theo thời gian thực. Dù sở hữu nhiều tính năng thú vị, nhưng một số chuyên gia đánh giá trò chơi vẫn “thiếu sự trau chuốt” và chưa đạt đến mức hay như kỳ vọng.
10. Xenoblade Chronicles X (khoảng 399 km vuông)
Phần tiếp theo này đã cố gắng cải thiện mọi từ từ phiên bản Xenoblade Chronicles gốc và một trong những nâng cấp đáng chú ý nhất chính là kích thước bản đồ thế giới. Cốt truyện Xenoblade Chronicles X diễn ra trên hành tinh Mira, ngôi nhà mới của nhân loại sau khi Trái đất bị phá hủy và thuộc địa New Los Angeles được thành lập ở đó.
Bản đồ thế giới trong Xenoblade Chronicles X rộng 399 km vuông, và phần lớn giống với các khu vực miền núi của Colorado. Đây là cái tên duy nhất trong danh sách này cho phép người chơi khám phá môi trường bao la trên một bộ giáp chiến đấu khổng lồ.
9. Just Cause 3 (khoảng 1036 km vuông)
Dòng game Just Cause vốn nổi tiếng với việc mang đến cho người chơi một thế giới hùng vĩ và Just Cause 3 cũng không ngoại lệ với bản đồ rộng 1036 km vuông. Trò chơi này diễn ra trên một hòn đảo ở Địa Trung Hải có tên là Medici, có địa hình chủ yếu là núi đá với thảm thực vật thưa thớt và một số thị trấn nhỏ đẹp như tranh vẽ.
Để di chuyển giữa địa hình đồi núi trập trùng, nhân vật chính sẽ sử dụng nhiều loại phương tiện khác nhau như dù lượn, máy bay, tàu hoặc ô tô,,…Chúng thậm chí còn có thể được tùy chỉnh bởi người chơi.
8. Final Fantasy XV (khoảng 1943 km vuông)
Đúng như tên gọi, các trò chơi Final Fantasy luôn sở hữu những vũ trụ “giả tưởng” độc đáo. Với phiên bản thứ mười lăm, Square đã mang đến cho chúng ta một thế giới rộng lớn để khám phá, có kích thước vào khoảng 1943 km vuông. Tuy nhiên, nhiều khu vực trên bản đồ bị tách biệt với các nơi khác bởi những loại địa hình không thể vượt qua như đồi núi.
Mặc dù trò chơi này có một bản đồ thế giới rộng lớn, nhưng nó rất thưa thớt dân cư và chủ yếu là địa hình bằng phẳng. Tuy nhiên, thế giới được thiết kế tuyệt đẹp và chứa đựng nhiều hệ sinh thái khác nhau, từ sa mạc khắc nghiệt đến những khu rừng rậm rạp. Nhìn chung, nó cung cấp một số phong cảnh đẹp cho một chuyến vi vu đường dài.
7. The Crew (khoảng 4920 km vuông)
Trò chơi trực tuyến đầy tham vọng này sử dụng toàn bộ khu vực Hoa Kỳ lục địa để tạo nên bản đồ thế giới của nó. Dù bản đồ được thu nhỏ lại kha khá, nhưng vẫn đủ lớn để thời gian lái xe từ bờ biển này sang bờ biển khác mất khoảng 45 phút.
Kích thước bản đồ The Crew vào khoảng 4920 km vuông và bao gồm hầu hết các thành phố chính (cũng được thu nhỏ lại) để các tài xế ghé thăm. Phần tiếp theo mang tên The Crew 2 có kích thước gần tương tự, nhưng bổ sung thêm phương thức di chuyển bằng máy bay. Tuy nhiên, việc di chuyển bằng đường không chắc hẳn sẽ khiến thế giới game trông nhỏ hơn rất nhiều.
6. Fuel (khoảng từ 14.400 km đến 18.130 km vuông)
Fuel là trò chơi lái xe thứ hai và cuối cùng lọt vào danh sách này, với kích thước bản đồ vào khoảng 14 cho đến 18 nghìn km vuông (tùy theo từng nguồn thống kê). Bên cạnh đó, trò chơi còn mang đến khoảng 16 nghìn km đường xá để khám phá và có thể mất tới 3 giờ để lái xe trên bản đồ. Do được máy tính tạo ra ngẫu nhiên, nên địa hình sẽ thay đổi theo từng lượt chơi riêng lẻ.
5. The Elder Scrolls II: Daggerfall (khoảng 163 nghìn km vuông)
Nếu người chơi nghĩ thế giới Skyrim rất lớn thì chắc họ chưa biết đến Daggerfall. Bởi nếu mang ra so sánh thì bản đồ của tựa game năm 1996 hoàn toàn vượt trội, với kích thước khoảng 163 nghìn km vuông – tức lớn hơn cả nước Anh (130.279 km vuông) và gần bằng bang Florida, Mỹ (170 km vuông).
Đó là một khu vực vô cùng rộng lớn và có rất nhiều bí mật ẩn giấu. Vì thế, những ai muốn khám phá toàn bộ sẽ phải chịu khó bỏ ra đến hàng trăm giờ chơi. Daggerfall hiện có thể được tải xuống miễn phí trên trang web chính thức của The Elder Scrolls.
4. Minecraft (khoảng 3,8 tỷ km vuông)
Minecraft sở hữu phần diện tích thế giới mở trên đất liền lớn hơn bất kỳ trò chơi nào trong danh sách này (tính đến thời điểm viết bài). Thế giới Minecraft rộng khoảng 3,8 tỷ km vuông, tức gấp 8 lần diện tích bề mặt Trái Đất (510 triệu km vuông) mà chúng ta đang cư ngụ.
Với diện tích khổng lồ như vậy, thật thú vị khi người chơi vẫn có cơ hội gặp gỡ nhau. Theo báo cáo, có khoảng 1 triệu người chơi Minecraft ở bất kỳ thời điểm nào, tức trung bình khoảng 3800 km vuông cho mỗi người chơi. Nói cách khác, dù xây công trình lớn cỡ nào đi chăng nữa thì các game thủ cũng không phải lo thiếu đất.
3. Star Control II: The Ur-Quan Masters (1 thiên hà, khoảng 500 ngôi sao và 3800 hành tinh)
Bước ra khỏi địa cầu, chúng ta bắt đầu tiến vào không gian. Vì lấy bối cảnh ngoài vũ trụ, nên “thế giới” trong Star Control II cũng chính là Thiên hà Milky Way, với khoảng 500 ngôi sao và 3800 hành tinh để khám phá. Rải rác xung quanh bản đồ khổng lồ này là rất nhiều loài sinh vật lạ lẫm. Một số mang tư tưởng thù địch, nhưng cũng có nhiều cả thể sẵn sàng đồng hành cùng người chơi.
Đây có lẽ là trò chơi bị đánh giá thấp nhất mọi thời đại và sở hữu một thứ mà nhiều game hiện đại còn không có: phần lồng tiếng thực sự tốt. Star Control II được yêu thích đến nỗi mặc dù đã gần 30 năm tuổi, nhưng vẫn có những người sẵn sàng dành thời gian để cải thiện đồ họa và âm thanh của trò chơi.
2. Spore (1 thiên hà, khoảng 45.000 ngôi sao và 120.000 hành tinh)
Spore là một trong những trò chơi không đáp ứng đủ sự kỳ vọng lớn lao mà cộng đồng dành cho, nhưng ít nhất thì nó cũng mang lại một thế giới mở rộng lớn để khám phá. Các hành tinh trong Spore khá lớn, nhưng một khi loài của người chơi phát triển một con tàu có khả năng du hành giữa các vì sao, người chơi có thể hơi choáng ngợp trước sự khổng lồ tuyệt đối của thiên hà.
Thiên hà trung bình trong Spore có khoảng 45.000 ngôi sao, với 120.000 hành tinh quay xung quanh chúng. Nếu một người chơi khám phá 10 hành tinh mỗi ngày thì sẽ mất hơn… 35 năm để khám phá tất cả chúng (lưu ý đây là số năm trong thế giới thực). May mắn thay, nhà sản xuất không bắt buộc game thủ phải chu du khắp toàn bộ thiên hà để hoàn thành trò chơi.
1. No Man’s Sky (255 thiên hà)
Các nhà phát triển của No Man’s Sky cảm thấy chưa vừa ý, nếu chỉ cung cấp cho người chơi vỏn vẹn một thiên hà, nên họ đã quyết định tăng lên… 255. Có rất nhiều hành tinh để khám phá trong các thiên hà được tạo ra theo quy trình mà nếu một người chơi đến thăm một hành tinh mỗi giây, thì họ sẽ mất gần 600 tỷ năm để thăm tất cả chúng.
Điều đó mang lại một khu vực để khám phá cho người chơi, rộng lớn đến mức làm trì trệ trí tưởng tượng của người chơi. Đúng là không có nhiều việc phải làm ngoài việc tham quan nhiều hành tinh, nhưng đối với những người chơi có mong muốn khám phá những điều chưa biết, trò chơi này chắc chắn sẽ thỏa mãn sự thích thú của họ.
Theo Game Rant