Mục Lục
RAM Là gì ?
RAM là viết tắt của “bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên”. Mặc dù nghe có vẻ bí ẩn, nhưng nó là một trong những yếu tố cơ bản nhất của máy tính. Cơ chế hoạt động của máy tính luôn phải tiến hành tải dữ liệu vào để làm việc và sau đó đặt chúng sang một bên để sử dụng sau.
Vì vậy, RAM sẽ đóng vai trò làm không gian lưu trữ dữ liệu tạm thời ở tốc độ siêu nhanh mà máy tính cần truy cập ngay tức thì hoặc trong vài giây tới. Hiểu nôm na, RAM không khác gì “bộ nhớ ngắn hạn” của máy tính. Trong khi ổ cứng HDD hoặc SDD là bộ nhớ dài hạn, nơi mọi thứ được lưu trữ ít nhiều vĩnh viễn.
Nhờ tốc độ nhanh hơn đáng kể so với đĩa cứng (từ 20 đến 100 lần, tùy thuộc vào loại phần cứng và tác vụ), nên RAM được sử dụng để xử lý thông tin ngay lập tức. Khi bạn muốn hoàn thành một tác vụ cụ thể – ví dụ như sắp xếp bảng tính hoặc hiển thị thông số lên màn hình, hệ điều hành máy tính sẽ tải dữ liệu từ đĩa cứng vào RAM để xử lý. Khi xong việc, máy tính (đôi khi theo chỉ dẫn của bạn) sẽ lưu nó vào bộ nhớ dài hạn (SSD, HDD,…)
Mọi thiết bị máy tính đều có RAM, cho dù đó là máy tính để bàn (chạy Windows, MacOS hoặc Linux), máy tính bảng, điện thoại thông minh hay thậm chí là TV thông minh để thực hiẹn các quá trình làm việc.
Chuẩn RAM phổ biến hiện tại
Trong 7 năm qua, thế giới phần cứng đã chứng kiến sự ra đời của nhiều thế hệ GPU và CPU khác nhau, nhưng chúng ta vẫn đang sử dụng cùng một loại RAM DDR4 cho những chiếc PC chơi game tốt nhất.
May mắn thay, thời điểm các mô-đun DDR5 xuất hiện đã đến rất gần, khi quá trình sản xuất đang diễn ra sôi nổi và những công ty chuyên về bộ nhớ nổi tiếng (như Corsair) cũng bắt đầu tung ra những bài quảng cáo về RAM “tiêu chuẩn tương lai”.
Rõ ràng, so với card đồ họa thì chủ đề về bộ nhớ kém thú vị hơn hẳn. Tuy nhiên, thế hệ DDR5 sắp tới có tiềm năng cải tiến hiệu suất đáng kể trong những mẫu PC tương lai, với xung nhịp gần gấp đôi so với phiên bản tiền nhiệm.
Bên cạnh đó, chuẩn DDR5 không chỉ dừng ở việc cải thiện băng thông, mà còn có thể xử lý dung lượng lên đến 128GB cho mỗi khe cắm DIMM, giúp người dùng Chrome thoải mái mở thêm bao nhiêu tab tùy thích. Tất nhiên, bạn sẽ cần phải ghép nối các mô-đun RAM này với những bo mạch chủ chơi game tốt nhất để tận dụng hết sức mạnh tiềm năng.
Ngày phát hành DDR5
Theo dự kiến, ngày phát hành DDR5 cho phân khúc người tiêu dùng thông thường sẽ trùng với thời điểm ra mắt CPU Alder Lake-S của Intel vào cuối năm nay. Phía Corsair cũng khẳng định DDR5 sẽ sớm xuất hiện trong một bài đăng trên blog gần đây.
Mặc dù vậy, vì bộ vi xử lý Zen 3+ hiện không hỗ trợ DDR5, nên các fan “đội đỏ” AMD sẽ phải chờ đến Zen 4 năm sau.
Hiệu suất DDR5
DDR5 mang đến một số cải tiến đáng kể so với tiêu chuẩn trước đó. Nếu dung lượng tối đa trên một thanh DDR4 DIMM “chỉ” đạt mức 32GB, thì DDR5 nâng mức này lên 128GB cho mỗi mô-đun.
Nghe có vẻ hoành tráng, thế nhưng việc có tận dụng hết toàn bộ chúng hay không, thì phải phụ thuộc vào cách viết mã code của nhà phát triển phần mềm và trò chơi.
Xung nhịp cơ bản của DDR5 bắt đầu từ 4.800MHz và tăng lên tối đa 8.400MHz – cao hơn phần lớn những thử nghiệm ép xung “khắc nghiệt” nhất trên DDR4. Tuy nhiên, tốc độ xung nhịp trung bình sẽ nằm ở khoảng giữa vì nó còn phụ thuộc vào bộ xử lý đi kèm nữa.
Mức giá DDR5
Hiện vẫn chưa rõ mức giá cả cụ thể cho những sản phẩm RAM DDR5. Nhưng như thường lệ, việc áp dụng tiêu chuẩn bộ nhớ mới sẽ kéo theo giá thành đắt đỏ trong thời gian đầu, giống như những gì chúng ta đã thấy với bản phát hành đầu tiên của DDR4.
DDR5 xuất hiện cũng không đồng nghĩa rằng DDR4 “lỗi thời”. Vì vậy, mọi người không nên vội vàng nâng cấp lên thế hệ bộ nhớ “next-gen” cho đến khi giá cả ổn định.
Tính tương thích của DDR5
Có vẻ như không phải mọi hệ thống sử dụng vi kiến trúc Alder Lake đều có khả năng chạy RAM “next-gen”, vì các nhà sản xuất đang có kế hoạch tạo ra cả bo mạch chủ DDR4 và DDR5 cho socket LGA 1700 mới.
Trong khi đó, các thiết bị dùng chip AMD sẽ không thể dùng DDR5 cho đến năm 2022 với Zen 4, vì bản làm mới Zen 3+ trong tương lai dự kiến sẽ không hỗ trợ tiêu chuẩn bộ nhớ sắp tới.
Theo pcgamesn, avast