Năm ngoái, tỉnh Fukui đã thành lập một tổ chức esports để giúp thúc đẩy sự phát triển của thể thao điện tử và khuyến khích các trường trung học thành lập câu lạc bộ thể thao điện tử riêng.
Hưởng ứng lời kêu gọi, trường trung học nữ sinh Jin-Ai ở thành phố Fukui đã thành lập câu lạc bộ thể thao điện tử (hay Esports) vào tháng 10 năm ngoái. Sự kiện này thậm chí còn thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc gia.
Theo tờ báo Mainichi đưa tin, những câu lạc bộ như vậy không phải điều gì quá xa lạ đối với các nam sinh Nhật Bản, nhưng lại rất hiếm gặp với các nữ sinh.
Hiện tại, văn phòng quan hệ công chúng của trường đã được chuyển đổi thành phòng câu lạc bộ, trang bị 6 máy tính để 12 thành viên sử dụng cho việc luyện tập.
“Mình từng chơi cầu lông trong 6 năm, và điều quan trọng hơn là trong thể thao điện tử, bạn phải vận dụng trí não của mình,” một thành viên đang là học sinh lớp dưới cho biết..
Mặc dù câu lạc bộ đang hướng đến việc giành chiến thắng trong các cuộc thi toàn quốc, nhưng có lẽ thứ đáng quý nhất không nằm ở các giải thưởng và danh hiệu. Mà đó là những gì họ đang được học hỏi và tiếp thu.
Chủ tịch câu lạc bộ Mayu Mura chỉ ra rằng: “Khả năng, chứ không phải giới tính của bạn mới là điều quan trọng. Ở các đội tuyển chuyên nghiệp cũng có cả những tuyển thủ nữ nữa mà.”
Điều thú vị là học sinh từ nhiều lớp vẫn có thể được kết nối với nhau. Ở trường trung học ở Nhật Bản, có một hệ thống phân cấp rõ ràng giữa học sinh ở các lớp trên và dưới, thể hiện qua mối quan hệ kouhai (học sinh nhỏ tuổi) và senpai (học sinh lớn tuổi hơn).
Một thành viên nói rằng mặc dù cấp lớp khác biệt, nhưng vẫn mang đến cảm giác bình đẳng. Ví dụ như trong khi chơi, các thành viên có thể đưa ra chỉ dẫn thẳng thắn cho nhau. Koharu Kouhama, một sinh viên năm ba, nhận định: “Tôi nghĩ rằng khả năng giao tiếp của mọi người đã tăng lên.”
Trong vài năm qua, chính quyền địa phương và các chính trị gia đã có những động thái thúc đẩy mạnh mẽ dành cho thể thao điện tử ở Nhật Bản. Mặc dù vậy, hệ thống cấp phép thể thao điện tử chuyên nghiệp của quốc gia vẫn còn nhiều điều cần cải thiện.
Theo kotaku