Mục Lục
Có thể nói rằng, câu chuyện của Zampella và West gắn liền với những tác phẩm được coi là có sức sáng tạo đột phá nhất thị trường game bắn súng góc nhìn thứ nhất, nhưng cùng lúc cũng là những vụ kiện đầy mệt mỏi, và phảng phất đâu đó là cả môi trường làm việc, hay cái nhiều anh em gọi là “văn hóa công ty” đầy độc hại ở Activision.
West gặp Zampella, và Allied Assault
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1997, khi Zampella và West gặp nhau trong quá trình phát triển một game nhập vai tên là Skies. Khi ấy, Zampella là một nhà sản xuất cho Segasoft, còn West là một trong những nhà phát triển trò chơi. Hai năm sau, West trở thành lập trình viên chính của nhà phát triển 2015 Inc., và anh thuyết phục Zampella về làm cùng studio với cương vị giám đốc sản xuất chính. Kể từ năm 2000, bộ đôi này bắt tay phát triển một tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất lấy chủ đề Thế chiến thứ II, và tác phẩm đó trở thành Medal of Honor: Allied Assault, phát hành năm 2002.
Cái thời không phải quán game nào cũng có đường truyền internet, hẳn anh em đều đã một lần chơi thử tựa game đã thay đổi hoàn toàn phong cách kể chuyện mang tính điện ảnh trong những tác phẩm FPS. Cái màn đổ bộ xuống bãi biển Normandy thời ấy, giờ nhìn lại thì thô kệch vô cùng, nhưng vào đúng thời điểm đó đâu có khác gì những hình ảnh như trong Giải cứu binh nhì Ryan đâu? Allied Assault khi ấy tận dụng đến mức tối đa những công nghệ đồ họa cao cấp nhất, tạo ra một trong những tựa game PC xuất sắc nhất thời bấy giờ.
Nhưng điều mà không phải ai cũng biết, đó là ngay ở thời điểm Allied Assault ra mắt, Zampella cũng phải đối mặt với những cáo buộc không trung thực, bị tố cáo tổ chức những cuộc họp mà không thông báo cho ban quản trị studio 2015 Inc. với mục tiêu chọn những người giỏi nhất để nghỉ việc, ra mở studio mới. Những cuộc họp ấy chi tiết đến mức có cả những thông tin về chức vụ mới, lương bổng, địa điểm mở studio, và thời điểm thành lập nhà phát hành game mới.
Khi West và Zampella đệ đơn nghỉ việc, trên bàn của CEO 2015 Inc. là 20 lá đơn xin nghỉ khác của 20 trong tổng số 27 nhân viên của 2015 Inc. Điều này khiến CEO của 2015 Inc., Tom Kudirka khởi kiện Zampella. Đến năm 2013, khi mọi chuyện đã ngã ngũ, Kudirka mới chia sẻ với tờ Vanity Fair: “Tôi thừa nhận mình là một người lãnh đạo khó tính. Nhưng họ chơi tôi vố này đẹp quá.”
Đấy mới chỉ là 1 trong vô vàn drama xoay quanh hai nhà làm game đại tài.
Call of Duty
Tạm bỏ qua những bí ẩn và âm mưu “đá lẻ”, ngay sau khi rời khỏi 2015 Inc., West và Zampella ngay lập tức mở studio mới: Infinity Ward vào năm 2002, với 25 thành viên, hầu hết đều là người cũ từng làm việc ở 2015 Inc. Ban đầu, họ dự định làm phần tiếp theo của Medal of Honor, tiếp tục khai thác thành công từ Allied Assault. Nhưng kế hoạch này đổ bể khi EA quyết định tự mình phát triển những phiên bản MoH kế tiếp, dựa vào studio Los Angeles của họ.
Điều đó dẫn tới bước ngoặt kế tiếp của lịch sử, đó là khi Activision đến gõ cửa Infinity Ward, đề nghị mua lại 30% cổ phần của studio và nhờ họ tạo ra một tác phẩm gọi là “Medal of Honor killer” (cái này không hề chém gió, nó là tên nội bộ của dự án Call of Duty khi chưa có tên chính thức), đánh bại sức hút của tác phẩm đang giúp EA kiếm bộn tiền. Mà lịch sử của Call of Duty cũng ly kỳ chẳng kém đâu. Anh em có biết ban đầu, West và Zampella ngay lập tức muốn tạo ra một tác phẩm game FPS lấy bối cảnh hiện đại thay vì cứ bấu víu chủ đề Đệ nhị thế chiến không? Ấy vậy mà mãi phải đến năm 2007, ước vọng đó của Zampella và West mới trở thành hiện thực.
Ban đầu, ý tưởng của Call of Duty là một tác phẩm với những người lính thời hiện đại, những khí tài đương đại và câu chuyện cũng thời sự chẳng kém, đó là cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ và các nước đồng minh. Nhắc lại quá khứ một chút. Khi West, Zampella và 20 nhân sự của 2015 Inc. đồng loạt nghỉ việc, mục đích ban đầu của họ không hề muốn cùng Activision tạo ra một tác phẩm cạnh tranh trực tiếp với EA. Mà thực tế, đây chính là ý tưởng mà Zampella cùng EA triển khai để mở một studio mới làm game cho họ phát hành. Ấy nên mới có ý tưởng làm một bản Medal of Honor mới như đã nói ở trên.
Tiếc thay người tính không bằng trời tính, vì khi ấy, tầm nhìn nghệ thuật của EA rất khác với West và Zampella. EA muốn tạo ra một câu chuyện theo kiểu chủ nghĩa anh hùng cá nhân, một người xoay chuyển cả một cuộc chiến, còn West và Zampella muốn tạo ra một bức tranh toàn cảnh, ấn tượng và bi tráng về quy mô tàn khốc của chiến tranh, thậm chí nghĩ được đến cả nước cho nhân vật chính anh em điều khiển hy sinh.
Nhưng, lại một lần nữa, tham vọng trước mắt của West và Zampella không thành hình ngay lập tức, vì Activision muốn chơi một cách an toàn, nghĩa là tiếp tục đánh thẳng vào xu hướng game FPS thế chiến thứ II, vì bản thân một tác phẩm lấy đề tài chiến tranh hiện đại, ví dụ như dựa trên cuộc chiến tranh vùng vịnh năm 91 hay sau đó là cuộc chiến chống khủng bố do tổng thống Bush phát động từ năm 2001 sẽ vô cùng gây tranh cãi, ảnh hưởng đến doanh số và lợi nhuận.
Vậy là lại quay về WWII thôi, chạy đâu cho thoát.
Năm 2003, Call of Duty phát hành trên PC, và thành công vang dội, giữa cái thời game bắn súng có hai cái tên thống trị: Tom Clancy và Counter-Strike. Lần này, họ tinh giảm quy mô cuộc chiến, tập trung nhiều hơn vào tương tác giữa các thành viên trong một tiểu đội, từ đó gia tăng cảm xúc của người chơi, thay vì vẽ ra cả một bức tranh toàn cảnh. Họ cẩn trọng tới mức nghiên cứu rất sâu cả địa điểm, vũ khí và khí tài được sử dụng trong thế chiến thứ II để tạo ra trải nghiệm đúng nhất trong game. Kết cục, trò chơi bán được gần 800.000 bản, thu về hơn 30 triệu USD cho Activision. Sau đó, một phiên bản trên console được phát hành, nội dung khác hoàn toàn so với Call of Duty, tên là Finest Hour, do Spark Unlimited phát triển.
Năm 2005, Call of Duty 2 ra mắt, và vẫn lấy bối cảnh thế chiến thứ 2, với ba chuỗi nhiệm vụ song song, mô tả hành trình của quân đội Mỹ, Anh và Liên Xô. Cả quy mô lẫn tính điện ảnh của phần 2 đều vượt xa so với phần 1. Năm 2007, Activision chứng tỏ họ không bỏ hết trứng vào một giỏ, khi giao việc phát triển Call of Duty 3 cho Treyarch, studio đến từ Santa Monica, California. Lý do anh em không nghe nhiều đến phần 3 là vì bản này không phát hành trên PC, chỉ có trên console mà thôi. Thời ấy PS2 cũng chỉ để đá PES, còn Xbox 360 mãi vài năm sau mới phổ biến ở Việt Nam.Phần CoD mới nào, Infinity Ward cũng cố gắng pitch ý tưởng những cuộc xung đột hiện đại, nhưng đều không được Activision chấp nhận. Khi sức hút của thế chiến thứ 2 giảm sút, và cuộc đua song mã giữa CoD và MoH bị phá bĩnh bởi một dân chơi khác, đó là Microsoft và Halo. Mọi người chán game bắn súng thế chiến thứ II đến độ, một đoạn trailer của Halo 3 thôi cũng hot hơn toàn bộ tựa game Call of Duty 2. Halo thời đấy là cơn bão giúp Xbox 360 có được doanh số như trong mơ.Đến lúc ấy, Activision nhận ra có khi cũng đã đến lúc phải tin vào sức mạnh sáng tạo của Infinity Ward, để cho phép họ làm một tác phẩm lấy bối cảnh chiến tranh hiện đại. Phần còn lại giờ đã thành lịch sử, với Modern Warfare, phát hành năm 2007. Cái cốt truyện nơi anh em nhập vai trung sỹ ‘Soap’ MacTavish, rồi chứng kiến cái chết của trung sỹ lính thủy đánh bộ Mỹ Paul Jackson phải gọi là ám ảnh và bi tráng thật sự.
Cũng nhờ Call of Duty 4, Activision mới có được ngày hôm nay, khi phần này khơi mào xu hướng chơi mạng với chế độ multiplayer mà anh em bỏ hàng trăm giờ đồng hồ thưởng thức sau khi bỏ vài tiếng trải nghiệm chế độ chơi đơn. Mình nhớ hồi ấy chơi trên Xbox 360, có hỗ trợ ngắm bắn mà vẫn bị các nhân tài trên Xbox Live bón hành, thốn mà không thể nào ngừng chơi được. Từ đó, Call of Duty luôn là con gà đẻ trứng vàng cho Activision. Kể cả những năm ra mắt những bản game bị chê bai như Infinite Warfare hay Black Ops 4, thì Activision vẫn kiếm bộn.
Điều đó dĩ nhiên không thoát khỏi con mắt của West và Zampella. Người tài như vậy, dĩ nhiên Activision muốn Infinity Ward tiếp tục với phiên bản kế tiếp của Modern Warfare, hay chí ít là bản Call of Duty tiếp theo, sau khi Treyarch ra mắt World At War (anh em hay gọi là Call of Duty 5), vẫn lấy bối cảnh thế chiến. Nhưng lần này West và Zampella đã khôn ngoan hơn nhiều.
Bị đá khỏi Activision
Để Infinity Ward phát triển Modern Warfare 2, West và Zampella đặt ra những yêu cầu chưa từng thấy: Khoản thưởng hàng chục triệu USD, quyền sáng tạo tuyệt đối, Activision không được đòi hỏi thay đổi nội dung game, và cuối cùng là quyền kiểm soát chất lượng sản phẩm tuyệt đối, game test nội bộ, nghĩa là phải đến khi game ra mắt chính thức, các quan chức Activision mới biết tác phẩm của họ phát hành trông hình thù ra sao. Vì là con gà đẻ trứng vàng, Activision và CEO Bobby Kotick hoàn toàn không thể từ chối những điều kiện này, nhưng họ cũng cáo già chẳng kém. Trong thỏa thuận khi ấy có đoạn, nếu West và Zampella bị đuổi khỏi Infinity Ward, Activision sẽ nắm hoàn toàn bản quyền của Call of Duty.
Và thế là kế hoạch đá West và Zampella khỏi mái nhà họ tự gây dựng được Activision khởi động. West biết, Zampella biết, dĩ nhiên Kotick cũng biết, nhưng không ai nói rõ ràng về vấn đề này trước công chúng. Mãi đến khi vụ kiện giữa Activision và bộ đôi nhà làm game đại tài nổ ra, mọi người mới biết thực hư.
Một chiêu bài được gọi là “Project Icebreaker” được Activision triển khai, qua đó yêu cầu nhân viên tập đoàn bới móc những điều không hay về West và Zampella, để tạo ra lý do đuổi họ. Cựu giám đốc công nghệ thông tin của Activision, Thomas Fenady được chính cựu giám đốc pháp lý George Rose ra lệnh theo dõi luồng email của West và Zampella, thậm chí chính Fenady cũng thừa nhận đã từng hack vào điện thoại và máy tính của hai nhà làm game. Chiêu này hài hước đến độ là, có lần Infinity Ward bị báo cháy giả, mọi người khẩn trương di tản để nhân sự Activision vào copy những tài liệu nội bộ của studio game. Cuối năm 2009, Activision đã thiết kế ra kế hoạch thay thế cả Jason West và Vince Zampella bằng hai nhân sự mới.
Dĩ nhiên West và Zampella phản kháng dữ dội. Họ cố gắng ngăn chặn Activision thưởng cổ phần cho những nhân sự cấp cao khác của Infinity Ward, công khai bật lại quan chức Activision, và thậm chí còn dọa sẽ không gửi demo Modern Warfare 2 tham dự E3 2009. Tất cả những động thái đó đều nhằm mục đích cố gắng thương lượng lại với Activision về những điều khoản có lợi cho riêng bản thân họ. West và Zampella nhờ tới sự giúp đỡ của nhà môi giới Seamus Blackley để thương lượng với Activision.
Hai nhà làm game muốn biến Infinity Ward trở thành studio độc lập, vẫn để Activision phát hành game, nhưng sở hữu toàn bộ tác quyền của thương hiệu Call of Duty. Nếu Activision không chấp nhận, họ sẽ dừng phát triển những bản Modern Warfare kế tiếp. Khi ấy, West và Zampella thừa đủ khả năng làm điều này vì thỏa thuận trước đó vẫn còn hiệu lực.
Con cáo già Bobby Kotick dĩ nhiên không đồng ý, và để trả đũa, Activision mở cuộc điều tra nội bộ West và Zampella với sự trợ giúp của một hãng luật, cho rằng West, Zampella cùng nhiều nhân viên khác của IW đã cố ý vi phạm hợp đồng khi cố tách khỏi Activision mở studio mới và cố tình cản trở quá trình làm game. Không ai được thuê luật sư để làm việc, và không được tiết lộ việc điều tra ra ngoài. Kết quả, Tháng 3/2010, chỉ bốn tháng sau khi Modern Warfare 2 ra mắt và được cộng đồng đón nhận nồng hậu, West và Zampella bị đuổi khỏi Infinity Ward.
Lại về với EA, thay đổi cuộc chơi một lần nữa với Titanfall
Dĩ nhiên việc mở studio Respawn Entertainment chỉ là một phần, vì ngay lập tức West và Zampella đã khởi kiện Activision đòi 36 triệu USD bồi thường, tố cáo tập đoàn game Mỹ đuổi họ để không phải trả khoản thù lao đáng ra họ đã nhận được theo thỏa thuận, dựa trên thành công về mặt doanh thu của Modern Warfare 2. Chỉ đến khi khoản tiền đòi bồi thường bung bét từ 36 triệu lên thành 1 tỷ USD, Activision mới buộc phải ra mặt.
Họ thuê luật sư nổi tiếng Beth Wilkinson để kiện ngược West và Zampella vì đã âm mưu kết hợp với EA chống lại họ. Tuy nhiên cuối cùng, Activision phải trả cho hai nhà làm game 42 triệu USD, cộng thêm một khoản thỏa thuận ngoài lên đến hàng chục triệu USD. Nhưng ở khía cạnh ngược lại, Call of Duty vẫn nằm trong tay Activision.
Về phần West và Zampella, ngay sau khi bị đuổi, tháng 4/2010 họ thành lập Respawn Entertainment và nhanh chóng hợp tác với EA dưới cương vị một studio độc lập để cho ra mắt Titanfall vào năm 2014. Đến năm 2019, họ ra mắt liền hai tác phẩm được khen ngợi hết lời, Star Wars Jedi: Fallen Order và Apex Legends.
Nhưng đáng nói nhất phải là Titanfall 2. Mình từng có bài viết khá chi tiết nhắc lại tựa game này. Nó là một pha bóp team đẳng cấp của EA khi phát hành một siêu phẩm kẹp giữa thời điểm Battlefield 1 và Call of Duty: Infinite Warfare. Có vẻ EA và Respawn đã quá tự tin vào khả năng mà quên đi mất, giờ Call of Duty là cái tên của mọi nhà, mọi độ tuổi, mọi quốc gia? Titanfall 2 rất khác so với mọi game bắn súng trên thị trường. Cách di chuyển của nó vô cùng tự do, và kết hợp được cả cơ chế điều khiển robot khổng lồ chiến đấu. Ngay cả ở thời điểm hiện tại, sau 5 năm phát hành, Titanfall 2 vẫn có một cộng đồng hâm mộ đông đảo nhiệt thành vì nó quá xuất sắc. Dựa trên thế giới mà Respawn Entertainment tạo ra với Titanfall, Apex Legends giờ đang là một trong những game battle royale thành công nhất, bên cạnh PUBG, Fortnite, và Warzone.
Nhưng, có lẽ như chú chuột đầu bếp trong Ratatouille đã từng nói, “thứ chắc chắn nhất về cuộc đời là chẳng có gì chắc chắn.” Có lẽ do quá mệt mỏi vì phải kiện tụng thay vì làm điều mình muốn, lập trình viên kiêm nhà thiết kế Jason West dần trở nên xa cách Zampella. Thời điểm Respawn chạy đua để hoàn tất phần đầu tiên của Titanfall, West hiếm khi có mặt ở studio. Đến tháng 3/2013, West chính thức nghỉ việc ở Respawn, để lại toàn quyền điều hành studio cho Zampella, viện lý do gia đình. Anh chuyển nhà đến North Carolina và hiếm khi nhắc đến chuyện chia tay người bạn đồng hành trong 15 năm ròng rã. Hiếm hoi lắm, Zampella mới lên tiếng trả lời phỏng vấn: “Thật sự rất khó để làm việc liên tục với một người trong 15 năm liền.”
Năm 2019, Jason West gia nhập Epic Games, nhưng không ai biết anh đảm nhiệm vị trí gì.
Tạm kết
Anh em đọc drama có mệt không? Mình còn mệt nữa là, tìm hiểu tổng hợp thông tin mà cứ loạn cào cào. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, mỗi lần cặp đôi West và Zampella ra mắt một tác phẩm mới, cả thế giới đều trông đợi vì chúng đều mang những giá trị thay đổi hoàn toàn thị trường game FPS. Thậm chí Medal of Honor cũng còn có thởi điểm ra mắt hai bản lấy bối cảnh chiến tranh Trung Đông mà.
Nhưng điều có thể là hơi mỉa mai, đó là tác phẩm mới nhất của Respawn Entertainment chính là một bản Medal of Honor, phát hành độc quyền cho kính thực tế ảo. Tổng kết lại, những gì Zampella làm nó giống như một vòng tròn khép kín. Anh cùng đồng sự lâu năm bắt đầu với Medal of Honor, rồi rời đi để làm một game cạnh tranh với chính tác phẩm mình từng tạo ra, để rồi bây giờ lại quay về với cái tên thân thuộc gần hai chục năm về trước.
Nguồn: P.W – Tinh Tế