Về đội Microsoft, liệu Call of Duty có “nghỉ chơi” với PlayStation?

Người đăng: Ngày đăng: 21/01/2022 Cộng Đồng
Chuyên gia cho rằng việc Microsoft độc quyền các game do Activision Blizzard phát hành sẽ không có lợi về mặt tài chính.

Update: Giám đốc điều hành Microsoft Gaming, ông Phil Spencer, xác nhận sẽ giữ Call of Duty trên nền tảng PlayStation, sau cuộc họp với Sony. Trên MXH Twitter, vị CEO cho biết công ty tôn trọng tất cả các thỏa thuận hiện có với Sony, sau khi Activision Blizzard chính thức được mua lại. Sony là một phần quan trọng của ngành công nghiệp game và Microsoft thực sự coi trọng mối quan hệ giữa hai công ty.

Bên dưới là bài viết gốc:

Microsoft vừa tung ra một quả bom gây chấn động cả ngành công nghiệp khi công bố kế hoạch mua lại Activision Blizzard với giá gần 70 tỷ đô la. Động thái này lập tức tạo nên nhiều ý kiến trái chiều, cũng như những câu hỏi xoay quanh các series dưới trướng nhà phát hành.

Ve doi Microsoft lieu Call of Duty co nghi choi voi PlayStation 2 Game Cuối
Ảnh: Matthew Manuel / Unsplash

Kỳ thực, Microsoft đã tích cực đầu tư cho lĩnh vực gaming, bằng cách chi tiền sở hữu các studio từ nhiều năm trước. Bắt đầu với các công ty độc lập nhưng đầy tiềm năng như Mojang, cho đến tên tuổi khổng lồ tầm cỡ Bethesda vào năm ngoái. Những tưởng rằng đó sẽ là lần thâu tóm quy mô cuối cùng cho Xbox, nhưng hóa ra mọi chuyên chưa dừng lại ở đó.

Với việc sở hữu khoảng 20 hãng game dưới trướng, thương hiệu Xbox đang ngày càng củng cố thư viện của mình bằng các sản phẩm độc quyền và IP giá trị. Tuy nhiên, liệu điều đó có đồng nghĩa với việc những series đa nền tảng nổi tiếng như Call of Duty sẽ không còn xuất hiện trên PlayStation?

Ve doi Microsoft lieu Call of Duty co nghi choi voi PlayStation 1 Game Cuối

Theo ý kiến của Karol Severin, nhà phân tích cấp cao và Giám đốc sản phẩm tại MIDiA Research (một công ty tư vấn và tình báo thị trường tập trung vào giải trí và truyền thông kỹ thuật số), việc Microsoft độc quyền tất cả các sản phẩm do Activision Blizzard phát hành trên các nền tảng riêng (PC, Xbox và đám mây) sẽ không có lợi về mặt tài chính.

Với phương thức cận đa nền tảng và thân thiện với người chơi của Xbox, nhiều khả năng tác động sẽ xoay quanh việc ‘nâng cao trải nghiệm’, thay vì tập trung vào ‘các tựa game độc quyền cực đoan’ dựa trên những nội dung do Microsoft sở hữu.

Đặc biệt, các sản phẩm hit giúp tạo ra nguồn doanh thu đáng kể (và thường phần lớn) đến từ phía Sony. Sẽ không có lợi về mặt tài chính nếu chặn đi nguồn thu đó […] Việc áp dụng hình thức độc quyền cứng nhắc có thể tiềm ẩn nguy cơ khiến người dùng ở nền tảng khác xa lánh.

Vì thế, thay vì độc quyền toàn bộ trò chơi, Microsoft có thể lựa chọn cách thúc đẩy nhẹ nhàng hơn. Ví dụ như: Thay đổi thời điểm phát hành (đưa phiên bản Call of Duty mới lên Xbox trước PlayStation vài tháng), mở ưu đãi giảm giá, nội dung độc quyền in-game, v.v.

Nhận định trên phù hợp với những tin đồn và các nguồn tin chính thức, tiết lộ rằng ít nhất một số trò chơi sẽ không trở thành độc quyền. Mặc dù vậy, đây chắc chắn sẽ là một cú hit đối với Sony và Nintendo, các đối thủ cạnh tranh chính của Microsoft trong lĩnh vực game hiện tại.

Liệu họ sẽ phản ứng như thế nào? Theo ông Severin, Sony sẽ đưa ra lời đáp trả tương xứng, ngay cả khi điều đó có thể cực kỳ khó thực hiện. Suốt những năm qua, Sony cũng bỏ tiền mua lại nhiều studio, nhưng quy mô các thương vụ của họ nhỏ hơn nhiều so với Microsoft.

Ngoài Activision Blizzard, hãng sản xuất hệ điều hành Windows còn thâu nạp toàn bộ công ty mẹ Zenimax của Bethesda với giá 8,1 tỷ USD, sở hữu 8 studio phát triển và vô số IP lớn trong quá trình này. Trong khi đó, thương vụ mua lại lớn nhất của Sony cho đến nay là Insomniac Games với giá khoảng 230 triệu USD, bên cạnh Housemarque, Firesprite, Bluepoint Games, Nixxes Software, Valkyrie Entertainment…

Theo wccftech, digitaltrends

Theo dõi Google News của Game Cuối để cập nhật tin tức nhanh và mới nhất
Chia sẻ bài viết trên: