Trong một thông cáo báo chí, Tencent cho biết công nghệ mới của họ sẽ yêu cầu người chơi xác nhận danh tính thông qua thuật toán nhận dạng khuôn mặt để tiếp tục chơi các tựa game di động sau 10 giờ tối.
Đây là động thái mới nhất mà các công ty Trung Quốc thực hiện để tuân thủ (và đi trước) các quy định thắt chặt của Trung Quốc liên quan đến thời điểm và cách thức chơi game của người chưa đủ tuổi trưởng thành.
Cho đến nay, tính năng này đã được kích hoạt trong 60 trò chơi di động của Tencent, bao gồm cả Honour of Kings và Game for Peace, nhưng sẽ tiếp tục được triển khai trên nhiều tựa game khác nữa do công ty sản xuất.
Cách thức hoạt động rất đơn giản: Nếu người dưới 18 tuổi muốn chơi trò chơi sau 10 giờ tối hoặc trước 8 giờ sáng, họ sẽ phải vượt qua bước kiểm tra sử dụng camera của điện thoại để xác minh danh tính.
Biện pháp bổ sung này được đưa ra nhằm ngăn chặn trẻ vị thành niên dễ dàng né tránh các phương pháp xác định độ tuổi trước đây và đáp ứng bộ luật nghiêm ngặt của Trung Quốc về hoạt động chơi game.
Vào năm 2019, cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm quản lý ngành công nghiệp trò chơi của Trung Quốc đã đưa ra một loạt hạn chế mới, bắt buộc các công ty game ở đây áp dụng hệ thống xác minh tên thật, cũng như giới hạn thời gian trẻ em có thể chơi và số tiền chi tiêu.
Phía chính phủ Trung Quốc giải thích các quy định này nhằm hạn chế tình trạng nghiện game ở Trung Quốc, nơi di động và PC đều rất phổ biến. Tuy nhiên, một số phương pháp thực thi các quy tắc này chưa thực sự hiệu quả. Đó là lý do tại sao Tencent hiện đang sử dụng các phương pháp kín kẽ hơn như nhận dạng khuôn mặt để hạn chế vi phạm.
Mặc dù vậy, những người ủng hộ quyền riêng tư lo ngại rằng dữ liệu này có thể được sử dụng cho những lý do khác. Đồng thời, nó cũng đưa ra một tình huống khó xử về đạo đức đối với các nhà phát triển, những người phải triển khai các hệ thống này – đặc biệt nếu họ không phải là người Trung Quốc.
Trong vài năm qua, Tencent đã tích cực mở rộng ảnh hưởng của mình trong ngành công nghiệp game bằng cách đầu tư vào nhiều công ty khác nhau bao gồm Yager, Epic Games và Platinum Games.
Cũng vào năm 2019, Riot Games từng trở thành chủ đề bàn luận xôn xao, sau khi bị áp lực phải thực hiện các biện pháp “chống nghiện” trong Liên Minh Huyền Thoại phiên bản Trung Quốc.
Tencent sở hữu 100% cổ phần của Riot Games, mặc dù đây là một công ty của Mỹ. Nhưng bằng cách tạo ra các hệ thống thu thập dữ liệu và theo dõi hành vi của người chơi Trung Quốc, nó đặt ra câu hỏi hóc búa về việc các nhà phát triển nước ngoài sẽ phản ứng như thế nào nếu dữ liệu đó được dùng để vi phạm quyền tự do của người chơi.
Theo báo cáo từ trang Digital Trends, phiên bản Trung Quốc của Liên minh huyền thoại chưa sử dụng hệ thống nhận dạng khuôn mặt mới này – nhưng nhiều khả năng rồi nó cũng sẽ được thêm vào. Rõ ràng, dù có đến từ đâu đi chăng nữa thì khi xuất hiện ở thị trường tỷ dân, các công ty game đều phải tìm cách duy trì mối quan hệ tốt với chính phủ.
Mặc dù ngành công nghiệp game của Trung Quốc rất rộng lớn, theo ước tính đạt 781 triệu game thủ và doanh thu 55 tỷ đô la vào năm 2025, nhưng nó cũng cực kỳ biến động. Cách đây 2 năm, một cuộc đại tu về cách thức quản lý và kiểm duyệt trò chơi đã dẫn đến việc đóng băng hoàn toàn việc phát hành các trò chơi mới kéo dài gần 9 tháng. Trong thời gian đó, Tencent ước tính đã mất 190 tỷ USD giá trị thị trường.
Theo pcgamer